"Phản chiếu” cũng là tên triển lãm mỹ thuật đang diễn ra tại không gian Mây Artspace (TPHCM). Những bức họa là sự liên kết hình ảnh đầy sức sống để tạo nên một đại cảnh khác biệt. Họa sĩ sáng tạo một thế giới vừa hài hòa vừa xung đột, như giả tưởng mơ hồ nhưng lại thực tế.
Bút lực của người trẻ
Mặc dù triển lãm "Phản chiếu” kéo dài đến 9/10, nhưng không gian Mây Artspace đã đón rất nhiều khách thuộc giới mỹ thuật và công chúng yêu hội họa ở TPHCM đến thưởng lãm những họa phẩm của một họa sĩ chưa có tên tuổi như Lê Quang Kha.
Những bức tranh không tưởng - chính xác là những nét vẽ về một thế giới không tưởng mà Lê Quang Kha thể hiện, đã và đang gây tiếng vang không chỉ bởi kỹ thuật xử lý sơn dầu - mà ở sự "dễ sợ” từ những ý tưởng sáng tạo.
Đó là một câu chuyện mang tên "Phòng đồ chơi của Lo”. Trong thế giới ấy có môi trường tự nhiên riêng, với những hình ảnh có sức sống thông qua sự liên kết. Thế giới ấy được bao trùm bởi những xung đột, mà nghệ sĩ chính là người đóng vai trò hòa giải.
"Trọng tâm của phòng đồ chơi nằm ở khối khí giữa phòng (không phải giữa mặt tranh), được định hình nhờ các tuyến tổ hợp nhân vật xung quanh. Có khi là trục cơ thể, điểm gót chân hoặc phần không gian bị ép giữa hai nhân vật - tâm của nó là khu vực mũi tên chỉ vào.
Khối khí này tượng trưng cho môi trường "Thế giới của Lo”, nó như không khí nhẹ nhàng tỏa ra từ trung tâm căn phòng. Các xung lực trong tranh đều đối ứng với nhau và triệt tiêu”, họa sĩ Lê Quang Kha cho biết.
Họa sĩ Hoàng Võ - giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, cũng là thầy dạy vẽ buổi đầu của Lê Quang Kha nhận định rằng, tranh của Kha là một thế giới siêu thực, mô tả những cấu trúc và cảm xúc tuy có vẻ rất quen nhưng cực kỳ riêng biệt.
Thế giới ấy vừa làm cho người xem tưởng như chạm được vào, nhưng lại phải lùi ra xa để quan sát. Những hành vi cơ bản nhất của con người, những cảm xúc thăng hoa hay rã rời nhất đều được đẩy đến tận cùng, vừa lầy lội lại sang trọng.
"Tạo hình nhân vật của Kha đầy sự hư cấu, nhưng lại rất gần gũi. Những cô gái, người đàn bà hay con mèo… có vẻ như là phản chiếu chân dung của chính họa sĩ, qua các tái hiện phong phú kỳ lạ”, họa sĩ Hoàng Võ cho biết.
Không gian và ánh sáng trong tranh của Kha luôn làm người xem choáng ngợp bởi cách xử lý tinh tế của hoà sắc và phối cảnh điêu luyện. Cách xử lý bề mặt tranh, vận dụng linh họat các kỹ thuật vẽ sơn dầu kinh điển mà cực kỳ cá tính.
Sự chỉn chu với mọi thứ, từ kịch bản, tạo hình, chất liệu đến bố cục đều được họa sĩ nghiên cứu kỹ lưỡng. Những ý tứ, thông điệp đều trải ra rất tinh tế, dù biểu hiện dưới những hình thái khá ám ảnh.
Tác phẩm của họa sĩ trẻ Lê Quang Kha.
Choáng ngợp trong thế giới huyễn hoặc
"Dù là triển lãm đầu tiên, nhưng tôi tin "Phản chiếu” đủ gây ngạc nhiên thú vị cho người thưởng lãm. Tranh của Lê Quang Kha là một thế giới riêng độc đáo, thế giới quan khác biệt. Đồng thời, còn là cách tạo hình công phu, cần nhiều đầu tư thời gian và kỹ thuật hơn phần lớn nghệ thuật đương đại ngày nay”. Họa sĩ Lương Lưu Biên
Tất cả mọi thứ trong tranh của Lê Quang Kha đều được tính toán, sắp đặt liên kết với nhau vừa thực vừa hư. Những câu chuyện được xây dựng và chuyển tải chu đáo, huyền hoặc và đầy ám ảnh. Tuy vậy, những điều mà công chúng có thể nhận ra qua tranh của Lê Quang Kha, có lẽ vẫn chưa phải là tất cả, mà mới chỉ là những phần khởi động. Chắc chắn, sẽ còn là một Lê Quang Kha "dễ sợ” khác.
Đến thưởng lãm những bức tranh của họa sĩ trẻ, họa sĩ Lương Lưu Biên nói rằng, lần đầu xem tranh Lê Quang Kha nhưng anh phải ngạc nhiên vì tiếp xúc với một thế giới hội họa và con người khác biệt. Đó là một thế giới siêu thực, hiện thực huyền bí và phi lý, một thế giới sâu thẳm và phức tạp, khó hiểu cho thấu đáo”.
"Tranh đầy tràn những sinh thể sinh sôi sống động, những niềm vui nhục cảm trần thế hoà cùng nhân vật thiên thần cổ tích. Kha xây dựng, tưởng tượng và chìm đắm rất sâu vào đó, nó có đầy đủ từ cả góc nhìn rộng ra thành phố, đồi núi đến căn phòng, những đồ chơi bé xíu”, họa sĩ Lương Lưu Biên cho biết.
Có thể người xem sẽ bị sốc với một số hình ảnh tác giả cố đi sâu vào bản chất của tự nhiên, của sinh sản và di truyền. Họa sĩ mô tả tính dục nữ cũng như máu thịt sự sống bằng cái nhìn hồn nhiên và ngạc nhiên thơ trẻ. Những cái nhìn mổ xẻ như giải phẫu y khoa - có lẽ đến từ khát vọng muốn tìm hiểu bản chất của chuỗi sinh tồn.
Hiện thực mà Lê Quang Kha bày tỏ có thể là lớp hiện thực bên dưới thực tại mà đa số chúng ta nhìn thấy. Đôi khi, những thành phố mà Kha tạo dựng trông giống như thành phố của các vi khuẩn trong lòng một cơ thể con người.
Không chỉ là choáng ngợp trước một thế giới thực tại huyền bí được tạo dựng mà cả về mặt kỹ thuật tạo hình, chất liệu. Sự sắp xếp các mảng lớn và tuyến nhân vật mạch lạc, chặt chẽ làm cho không khí trông thật tự nhiên.
"Lê Quang Kha làm chủ và diễn tả thuần thục không gian, ánh sáng sâu thẳm nhiều tầng lớp tinh tế. Kỹ thuật dùng sơn dày và phẳng rất hợp lý, tạo được một bề mặt tranh hấp dẫn. Tôi ngạc nhiên còn vì một họa sĩ rất trẻ xuất thân ngành kiến trúc lại đạt được một kỹ thuật sơn dầu tinh tế như vậy”, họa sĩ Lương Lưu Biên nhận xét.
Còn nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi, sau khi xem triển lãm của Lê Quang Kha đã nói rằng: "Lâu rồi không có họa sĩ mới và hay. Gần đây có Nguyễn Xuân Nghi và Lê Quang Kha thuộc thế hệ 9X - một bù đắp đáng kể đối với nghệ thuật hội họa”.
(Theo GD&TĐ)