Dự lễ khai mạc, về phía Trung ương có đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các tổ chức quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: "Ngày hội được tổ chức thể hiện sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, dân và quân tỉnh Bạc Liêu quyết tâm khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Thông qua các hoạt động của Ngày hội lần này, Bạc Liêu mong muốn giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, du lịch (VH, DL) của mình đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho việc hợp tác trong lĩnh vực VH gắn với thúc đẩy phát triển KT-XH, phát triển DL, tăng cường kết nối tua, tuyến, thu hút du khách. Đồng thời, đây còn là cơ hội để tỉnh kết nối với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tổ chức ký kết, hợp tác xúc tiến đầu tư - thương mại, phát triển DL, góp phần phát triển KT-XH trong thời gian tới... Điểm nổi bật của Ngày hội là sự kết hợp chặt chẽ giữa VH với DL, trong đó, vừa tôn vinh giá trị bản Dạ cổ hoài lang (DCHL) do cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác cách đây hơn 100 năm, vừa bảo tồn và lan tỏa Nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ đã được UNESCO công nhận di sản VH phi vật thể của nhân loại...”.
Ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả và thành tựu của Đảng bộ, chính quyền, dân và quân tỉnh Bạc Liêu trong những năm qua, Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam cho rằng Ngày hội với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, mang đậm bản sắc VH, dân tộc, là hoạt động thiết thực thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị VH toàn quốc diễn ra cách đây tròn 01 năm. Hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị các di sản VH, xây dựng nền VH tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo thêm cơ sở và động lực để phát triển KT-XH bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: một phần tư thế kỷ, Bạc Liêu đã dám nghĩ, dám làm, khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế, duy trì mức tăng trưởng khá so với khu vực ĐBSCL, nhiều năm tăng trưởng ở mức hai con số và nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực. Đặc biệt Bạc Liêu đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chủ động từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để thúc đẩy phát triển KT-XH; tiếp tục là điểm đến an toàn và hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tái hiện không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại lễ khai mạc Ngày hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bạc Liêu cần tiếp tục giữ gìn, phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân; chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài để tập trung 05 trụ cột phát triển KT-XH mà đảng bộ tỉnh đã xác định, trong đó đặc biệt lưu ý các yếu tố phát triển bền vững trong tất cả các khâu, trong từng giai đoạn...
Thay mặt lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đồng chí Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ dành cho Bạc Liêu thời gian qua. Lãnh đạo tỉnh nghiêm túc tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo vô cùng quan trọng, có tính định hướng lâu dài cho tỉnh của Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam, đồng thời sẽ cụ thể hóa với quyết tâm chính trị cao nhất để Bạc Liêu khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phát triển bền vững trong thời gian tới.
Sau các phát biểu của lãnh đạo Trung ương và tỉnh, lễ khai mạc tiếp nối bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc với 3 chương. "Bạc Liêu - cái nôi gìn giữ nghệ thuật ĐCTT”, chương đầu tiên tái hiện hành trình ra đời và phát triển bản DCHL của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Chương 2 - "Tình đất, tình người Bạc Liêu”- tập trung phản ánh con đường phát triển theo hướng "xanh hóa” của Bạc Liêu, trong đó, năng lượng tái tạo là một trong năm trụ cột phát triển KT-XH của tỉnh. Không tự mãn với những gì đạt được, "Bạc Liêu khát vọng hội nhập và phát triển”- chương cuối tập trung quảng bá Bạc Liêu không chỉ có một nền di sản lấp lánh, một nền tảng phát triển xanh - sạch - đẹp mà còn là điểm đến hấp dẫn bởi con người nơi đây chất phát, hiền lành, thân thiện, hiếu khách, cầu tiến và lạc quan.
Người dân Bạc Liêu thưởng thức chương trình bắn pháo hoa sau lễ khai mạc Ngày hội.
Lễ khai mạc được kết thúc bằng chương trình bắn pháo hoa tầm thấp kéo dài gần 20 phút. Đông đảo người dân có mặt tại lễ khai mạc đã thực sự mãn nhãn với những màn pháo hoa làm rực rỡ cả bầu trời đêm của TP.Bạc Liêu, nơi sẽ tiếp tục rộn ràng với những hoạt động đầy sức hấp dẫn trong những ngày hội này.
Ngày hội được tổ chức trong 3 ngày, từ 27 đến 29/11, trước đó đã có nhiều hoạt động diễn ra. Tổng cộng có 14 hoạt động đa dạng, phong phú, quy mô khá lớn, có sự góp mặt của hơn 500 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên của 25 tỉnh, thành phố trên cả nước, dự kiến sẽ thu hút hơn 20.000 lượt du khách tham quan. Ngày hội cũng là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Năm DL quốc gia 2022.
(Theo Báo Bạc Liêu)