Nhằm thu hút du khách tham gia khám phá, trải nghiệm, văn hoá truyền thống, năm nay huyện Mù Cang Chải đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị tổ chức Giải đánh quay (cù) người Mông lần thứ Nhất năm 2022 dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12 tại Sân vận động trung tâm huyện.
Sự kiện thu hút được nhiều thanh niên, trai làng ở các bản vốn rất quen thuộc với trò chơi cù quan tâm, háo hức chờ đợi để được thử sức.
Anh Sùng A Ninh, xã Mồ Dề phấn khởi: "Chơi cù thì chúng tôi quen lắm rồi. Từ nhỏ đến giờ, năm nào đến tết cũng chơi. Lúc nhỏ, thường ngày rảnh lúc nào rủ nhau chơi lúc đó. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi hay ở xã Mồ Dề mà mọi người ở các địa phương khác cũng đang tích cực tập luyện để tham gia Giải đánh quay của huyện cũng là giao lưu, vì đây là môn thể thao truyền thống rất quen thuộc con trai người Mông”.
Từ xa xưa, người Mông đã biết chế tạo loại cù hình đầu đạn, có đường kính khoảng từ 4 m - 10 cm, chiều dài 6 m - 13 cm làm bằng gỗ tốt như sến, chẩn, ổi rừng, chàm mang... cùng với một sợi dây làm bằng vỏ cây lanh hoặc đay tết lại, dài khoảng 1,5 m - 2 m.
Chiếc cù được gọt đẽo tỉ mỉ, tròn, cân, một đầu cắt bằng phẳng, đầu còn lại được đẽo nhọn hình đầu đạn, có đóng đinh ở tâm làm chân quay. Sợi dây có một đầu được buộc cố định vào một cây que to bằng ngón tay và dài khoảng 0,5 m, đầu còn lại nối vào một chiếc lông gà (là lông cổ gà trống vừa chắc, vừa dài và mềm) để làm điểm tiếp xúc đầu tiên giữa cù và dây tạo độ nhạy.
Sân chơi cù là các bãi đất trống bằng phẳng, mặt nền nhẵn, đất cứng để khi thả cù quay không bị lún, cù quay được lâu, cũng không được có đá tránh làm hỏng cù của người đánh. Luật chơi cù đơn giản, linh hoạt từ thanh niên đến thiếu nhi hay người già trung tuổi đều có thể chơi. Người chơi một lúc hay chơi cả buổi đều được nên thường tận dụng các sân bãi đất trống quanh bản. Ngày lễ, tết thì đến chơi tập trung ở các sân bãi rộng để nhiều người cùng chơi, cùng xem.
Để chơi cù chỉ cần có từ 2 người trở lên là có thể chơi. Thường sẽ có 2 kiểu chơi, kiểu thứ nhất gọi là chơi cá nhân, cố định về khoảng cách giữa vạch ném đến vị trí thả cù từ 5 - 7 m. Bước đầu sẽ tạm thời chia những người chơi làm hai đội, một đội thả cù, một đội đánh cù.
Kiểu thứ hai gọi là chơi đồng đội, sẽ chia thành 2 đội, mỗi đội từ 2 người trở lên, tuỳ sân bãi rộng hay hẹp mà tổ chức số lượng mỗi đội cho hợp lý nhưng số lượng của 2 đội phải bằng nhau. Hai đội thi đấu theo các vòng: vòng 1 là đối một chọi một không hạn chế khoảng cách.
Vòng 2, đội đánh sẽ đứng ở vạch ném cố định, đội thả cù sẽ cuốn cù rồi tập trung ở điểm sẽ thả cù tiếp theo, khi chuẩn bị xong mọi người nhanh tay thả cù quay tập trung xuống vị trí quy định xong rồi đứng dạt ra hai bên xa xa và đến lượt đội đánh cù bắt đầu đánh. Những chàng trai thoăn thoắt chạy đà, vung tay thả cù, giật que ném con cù thật mạnh về phía đích là những chiếc cù đang quay.
Mỗi vòng đánh, chỉ cần vẫn còn một người trong đội đánh đánh trúng một hoặc nhiều chiếc cù bất kỳ của đội thả thì cả đội sẽ được quyền đánh tiếp vòng tới cho đến khi cả đội không còn ai đánh trúng nữa thì sẽ đổi quyền đánh và thả cù ngược lại.
Khoảng cách các vòng quay cù cũng lần lượt tiến xa dần vạch ném, đến vòng thứ 7, thứ 8, cù thả cách vạch ném có khi đến 20 m, đó là một thử thách rất lớn đối với người đánh. Bởi vậy, người đánh cù giỏi, trước tiên phải là người có sức khỏe, tinh mắt, khéo tay, chiếc cù trong tay cũng có độ lớn vừa sức thì ném sẽ bay xa và chuẩn xác để luôn đánh trúng cù đối phương đang quay dưới mặt đất.
Trò chơi đánh cù của người Mông được xem là trò chơi truyền thống mang đậm chất thể thao, có tính đoàn kết sinh hoạt tập thể gắn kết cộng đồng. Và những ngày này, các chàng trai Mông trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Mù Cang Chải đang tích cực luyện rèn kỹ năng ném cù chuẩn xác và tỉ mỉ ra làm những chiếc cù đẹp với mong muốn mang đến những màn tranh tài thú vị, kịch tính...
Châu Á