Hát Xoan – niềm tự hào của người dân đất Tổ

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/2/2023 | 7:34:16 AM

Chỉ có trống và phách mà miệng hát, tay uốn, chân nhón. Điệu hát làm mê hoặc lòng người bởi những làn điệu, câu hát mượt mà, ngân vang, kết hợp loại hình hát nghi lễ và hát giao duyên. Kép và đào cùng đưa đẩy đầy tình tứ, duyên dáng. Hát Xoan đất Tổ đã "ngấm" vào tôi trong buổi đầu gặp gỡ...

Trình diễn hát Xoan tại Đình An Thái tại làng An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Phương Chi)
Trình diễn hát Xoan tại Đình An Thái tại làng An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Phương Chi)

Trong những ngày đầu xuân Quý Mão 2023, sinh viên lớp Báo mạng điện tử K41 (BMĐTK41), Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có chuyến đi thực tế chính trị - xã hội tại đình An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để trải nghiệm nghe hát Xoan và tìm hiểu về nguồn gốc, sự phát triển của hát Xoan từ các nghệ nhân. Đây là cơ hội để các bạn sinh viên mở rộng thêm vốn kiến thức của mình và tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho bản thân.

Truyền thuyết nói rằng, hát Xoan (Phú Thọ) ra đời từ thuở vua Hùng. Giỗ Tổ Hùng Vương năm nào cũng có tiếng hát Xoan ngân vang ở cửa đình – nơi linh thiêng nhất của làng.

Một báu vật quý giá mà cha ông để lại

Theo các cụ cao niên trong làng, hát Xoan có tên gốc là hát Xuân. Sở dĩ hát Xuân chuyển thành hát Xoan là do công chúa sinh vào mùa xuân, nhà vua đặt tên cho công chúa là Xuân Nương. Để khỏi phạm vào tên húy của công chúa nên hát Xuân được chuyển thành hát Xoan từ đấy. 

Hát Xoan là điệu hát đặc sắc của vùng Đất Tổ Phú Thọ. Là loại hình dân ca, nghi lễ phục vụ tín ngưỡng trong dịp hội làng, hát Xoan ẩn chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Việt từ xa xưa: mong cầu mùa màng ấm no, mọi điều may mắn, tốt lành.    

Hát Xoan cổ thường có 3 chặng hát: hát nghi lễ, hát quả cách, hát hội (hát giao duyên). Trong hát Xoan, múa và hát luôn cùng nhau, miệng hát, tay uốn, chân nhón. Điệu múa là minh họa cho lời ca. Các tiết mục múa hát thường theo thứ tự nhất định. Mở đầu là 4 tiết mục có tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, chúc tụng. Tiếp theo là phần hát cách và cuối cùng là các tiết mục có tính chất dân gian mang dáng dấp của các bài dân ca, ví giao duyên, hát trống quân. 

Sức sống của hát Xoan chính là ở sự kết hợp của loại hình hát nghi lễ và hát giao duyên.

Hát Xoan được biểu diễn vào mùa xuân. Các phường xoan ở tỉnh Phú Thọ lần lượt khai xuân ở đình, miếu ngay từ mùng Một tết đầu năm. Thời điểm hát được quy định tại một địa điểm nhất định. Mỗi phường chọn một vị trí của đình.

Nhắc tên bà trùm hát Xoan Nguyễn Thị Lịch, người dân xã Phượng Lâu (Việt Trì – Phú Thọ) hầu như ai cũng biết. Bà Lịch có ông nội và bố đều là trùm của phường Xoan, còn mẹ cũng là một cô đào nức tiếng trong vùng. Trong gia đình bà còn có chú và các cô ruột đều là những nghệ nhân có tiếng của phường Xoan xóm Chùa - An Thái thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Thế nên, ngay từ nhỏ, những làn điệu Xoan như nuôi dưỡng tâm hồn, cứ âm thầm "ngấm” vào cô đào Xoan Nguyễn Thị Lịch.

Bà Nguyễn Thị Lịch chia sẻ: "Đây là báu vật tinh thần của nhân dân ta, đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Gắn bó với hát Xoan từ năm lên 9, bà Lịch là người có công lớn trong việc gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống của vùng đất Tổ. Năm 2012, bà được UBND tỉnh Phú Thọ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân về hát Xoan.
                                     
Trùm đào Xoan Nguyễn Thị Lịch. (Ảnh: Phương Chi)

Cùng với những chia sẻ của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Viên của phường Xoan An Thái – người có đóng góp nhiều trong việc truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Xoan, cũng có đôi lời chia sẻ: "Hát Xoan không có đàn, sáo, nhị… Hát Xoan duy nhất chỉ có trống và phách. Người cầm chầu (bà trùm) là quan trọng nhất, vì chỉ cần lệch một nhịp cũng làm cho hát sai, múa sai. Hát Xoan miệng hát, tay uốn, chân nhón. Chính điều này làm khách nước ngoài rất thích, họ thường về tham quan và nghe cô hát Xoan. Hát Xoan hát về chữ, về tình tứ trao duyên ngày xưa:

"Trống anh còn chửa có quai,
Mượn nàng bưng lấy rồi mai nên gần”

Nếu ưng thuận, cô đào sẽ nhận trống và đáp lời:

"Nửa mai nên Tấn, nên Tần,
Bao giờ bưng trống mới gần được nhau…”

Thoạt nghe những câu hát ấy có thể sẽ không thấy hay, nhưng nghe nhiều sẽ cảm nhận ẩn chứa bên trong từng ca từ ấy là biết bao ý nghĩa. Nghe hát Xoan không chỉ nghe bằng tai mà phải nghe, phải cảm nhận bằng trái tim, bằng tâm hồn. Có như vậy mới nhận thức được sự phong phú trong lời ca, trong nhịp điệu, trong sự ứng tác”. 


Câu hát ngân vang, điệu múa uyển chuyển khiến khán giả không thể rời mắt. (Ảnh: Ban truyền thông BMDTK41) 

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Viên cũng cho biết thêm: "Cứ mỗi dịp đầu xuân, các phường Xoan ở Phú Thọ có tầm 2000-3000 lượt khách quốc tế về tham quan và nghe hát Xoan. Họ yêu thích và sẵn sàng lên hát cùng các nghệ nhân. Điều đó cho chúng ta thấy giá trị di sản của Việt Nam ngày càng trường tồn và phát triển”.
                     

Nghệ nhân Nguyễn Thị Viên chia sẻ với đoàn sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: Ban truyền thông BMDTK41)

Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản

Hát Xoan khi xưa vốn chỉ vang vọng nơi sân đình trong dịp lễ hội, nay đã vang vọng khắp miền đất Tổ, lan tỏa đến cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh Phú Thọ.            
                              

Khán giả thích thú lên giao lưu cùng các nghệ nhân. (Ảnh: Phương Chi)

Chia sẻ với chúng tôi, trùm đào Xoan Nguyễn Thị Lịch và các nghệ nhân khác nói rằng vẫn mở những lớp học hát Xoan và sẵn sàng dạy miễn phí cho tất cả những ai muốn học. Các trường học ở tỉnh Phú Thọ cũng đã đưa hát Xoan vào chương trình học ngoại khóa và thành lập câu lạc bộ hát Xoan. 

Chia tay những nghệ nhân phường Xoan An Thái, trên đường về trong tâm trí tôi vấn vương những làn điệu hát Xoan mượt mà cùng những giọng hát ngọt ngào, những điệu múa mê hoặc:

"Là vông í a vông tầm
Vông vông tầm í a tầm vông
Chúng ta đánh cá í a bống trăng
Cá thời mà chẳng được thung thăng là bắt đào…”

Trong xã hội hiện nay, có nhiều thể loại âm nhạc hiện đại trên toàn thế giới đã du nhập vào Việt Nam, tuy nhiên, khi nghe hát Xoan, giới trẻ vẫn bị thu hút bởi những làn điệu, câu hát mượt mà và ngân vang, đặc biệt là phần hát giao duyên nam nữ. Kép và đào cùng đưa đẩy đầy tình tứ, duyên dáng chứ không hề thô bạo, dung tục trước chốn linh thiêng của làng. Hy vọng, bằng tình yêu Xoan, những người nghệ nhân tâm huyết, những ”báu vật sống” sẽ mang điệu hát Xoan vang xa, xa hơn nữa, để "ngọn lửa” hát Xoan không bao giờ tắt, mãi là niềm tự hào của người dân đất Tổ. 

Phương Chi

Các tin khác
Tọa đàm về thơ trong sáng nay (5/2) thu hút đông đảo công chúng tham gia.

Sau nhiều ngày chờ đợi, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI đã chính thức trở lại với những người yêu văn chương, trong một diện mạo mới, cùng nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội sáng 5/2.

Các đại biểu cùng nhau thả những bài thơ tiêu biểu, đặc sắc nhất của thơ ca Việt Nam và thơ ca Yên Bái lên bầu trời xuân.

Vừa qua, tại thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn); Chi hội Thơ thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái phối hợp với Hội Người yêu thơ Yên Bái, và các câu lạc bộ: Văn học nghệ thuật thị xã Nghĩa Lộ, Thơ văn truyền thống và Hán Nôm huyện Văn Yên, Thơ ca Hương chè Trần Phú tổ chức chương trình Thơ Nguyên tiêu xuân Quý Mão 2023.

Độc giả đọc thơ tại “đường thơ” ở Hoàng thành Thăng Long

Hôm nay (5-2), đúng Rằm tháng Giêng năm Quý Mão, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 diễn ra nhiều sự kiện lớn. Nhưng ngay từ ngày 4-2 (tức 14 tháng Giêng năm Quý Mão), giới thi ca và những người yêu thơ đã náo nức tụ hội, giao lưu và trải nghiệm không gian thơ chưa từng có. Sau 3 năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, Ngày Thơ Việt Nam lần này được tổ chức khác biệt, mang những nhịp điệu mới, niềm tin mới.

Quốc Cơ (trái) - Quốc Nghiệp nhận bằng kỷ lục của Tổ chức Guinness World Records.

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp lập kỷ lục Guinness cuối với màn chồng đầu leo 10 bậc thang, di chuyển trên đường rộng 50 cm, dài 10 m, sau đó đi xuống 10 bậc trong 1 phút 55 giây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục