Đảng xác định phải có đường lối lãnh đạo xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng. Vì thế, "Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2-1943.
Bản Đề cương văn hóa Việt Nam vạch rõ tính chất phản động trong chính sách văn hóa ngu dân của thực dân Pháp, nêu lên nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa trong xây dựng nền văn hóa mới.
Đề cương văn hóa đã vũ trang những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa - tư tưởng; xác định văn hóa là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế và văn hóa). Đồng thời cũng nêu rõ nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa.
Trong Đề cương văn hóa, phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít; xây dựng đường lối văn hóa mới; tập hợp các nhà văn hóa, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được Đảng vạch ra. Đây được coi là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam về văn hóa, có vai trò định hướng cho nhận thức và phương châm hoạt động văn hóa - văn nghệ của toàn Đảng, của toàn dân.
Từ khi ra đời, "Đề cương văn hóa" như ngọn đuốc soi đường cùng với cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang tạo thế vững chắc đưa cách mạng Việt Nam tiến lên giữa những ngày bão táp trong cuộc chiến đấu chống lại ách cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh được thành lập tập hợp những người yêu nước tham gia công tác cách mạng. Đề cương Văn hóa Việt Nam với phương châm chiến lược "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng" đã thu hút được đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ có tinh thần yêu nước.
Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra thì số đông văn nghệ sĩ, trí thức cùng với nhân dân tham gia vào sự kiện lịch sử trọng đại này. Bản nhạc "Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao được Bác Hồ lựa chọn làm Quốc ca cho một nước Việt Nam độc lập, người dân được làm chủ cuộc đời mình. Những thi sĩ Xuân Diệu, Chế Lan Viên cùng lớp văn nghệ sĩ tiền chiến coi Đảng, cách mạng là "người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi”.
Rồi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, quán triệt tư tưởng của Đề cương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra khẩu hiệu "Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến”. Văn hóa được coi như một mặt trận, một động lực và mục tiêu của cuộc kháng chiến. Văn hóa trở thành nội dung đồng hành của sự nghiệp kháng chiến.
Cũng ở thời điểm này, lời dạy của Người "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” sớm được coi là phương châm hành động của văn nghệ sĩ. Tham gia kháng chiến có bao trí thức và văn nghệ sĩ đã ra trận trong tư thế một người lính: Nhà văn Nam Cao cầm súng vào vùng địch hậu và hy sinh trên chính quê hương mình, để lại di sản là "Nhật ký ở rừng” và truyện ngắn "Đôi mắt” nổi tiếng; Nhà văn Nguyễn Đình Thi rời chốn phồn hoa đô thị "Người ra đi đầu không ngoảnh lại” vào kháng chiến để có tiểu thuyết "Xung kích”, ca khúc "Diệt phát xít”, "Người Hà Nội” cùng bài thơ "Đất nước” lay động lòng người; Nhà thơ Quang Dũng theo chân đoàn quân Tây Tiến mà khắc họa nên hình ảnh người chiến sĩ "quân xanh màu lá dữ oai hùm” chân thực mà lãng mạn. Rồi Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nhà thơ kiêm Nhà biên kịch Thế Lữ… cùng hàng nghìn văn nghệ sĩ, trí thức khác theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia kháng chiến để vừa là người lính xung trận vừa là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
Bước vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước "tất cả hành quân, tất cả thành chiến sĩ” cũng có bao nhiêu văn nghệ sĩ xung phong ra tiền tuyến và ngã xuống trên chiến trường. Họ muốn "vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ cho tôi được bên những chiến sĩ diệt xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi”…
Chính từ trong cuộc chiến đấu sinh tử ấy đã xuất hiện nhiều văn nghệ sĩ, nhiều nhà hoạt động văn hóa tên tuổi: Lưu Hữu Phước, Hoàng Vân, Anh Đức, Thu Bồn, Nguyễn Minh Châu, Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Nguyễn Mĩ… Họ là người lính đồng thời là nghệ sĩ. Và cuộc chiến tranh vệ quốc gian khổ nhưng vĩ đại cũng khơi nguồn sáng tạo để làm nên các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, ghi đậm dấu ấn thời đại, khắc họa một "Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”.
Thời kỳ đổi mới, không chỉ là đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, cái tiến bộ với cái lạc hậu để xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Các thế lực phản động và thù địch vẫn không ngừng tìm cách phá họai công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trên bình diện văn hóa tư tưởng.
Văn nghệ sĩ lại là những "nhà thơ cũng phải biết xung phong”, dùng ngòi bút đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; phát hiện và ca ngợi những nhân tố mới đặng có thể góp phần xây dựng con người Việt Nam; khẳng định giá trị Việt Nam và đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Nhìn lại chặng đường của lịch sử Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo ta không thể không tự hào bởi bao kỳ tích trong mọi lĩnh vực. Trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, "Đề cương văn hóa năm 1943" của Đảng là cốt lõi, căn cơ để chúng ta tiếp tục phát triển nên các nghị quyết về văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ đổi mới đất nước.
Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII ra đời "Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc" và 10 năm sau là Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2008 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng với yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước". Không chỉ thế, Đề cương văn hóa còn khai mở cho quá trình xây dựng lý luận văn hóa, tiếp tục soi đường cho nền văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới.
Trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn khẳng định quan điểm coi "văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về vấn đề này nhấn mạnh "làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội".
Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021: Đối với văn nghệ sĩ, những người đang vì sự phát triển nền văn hóa dân tộc phải có trách nhiệm "Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển" và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.
Nam Hà