Sẵn sàng cho Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng

  • Cập nhật: Thứ bảy, 18/3/2023 | 3:04:56 PM

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt, lan tỏa sức mạnh khối đại đoàn kết cộng đồng dân tộc. Sau 3 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động bị thu hẹp, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay đang gấp rút được triển khai với nhiều điểm mới hấp dẫn, qua đó sẵn sàng đáp ứng nhu cầu hành hương về nguồn cội của đồng bào trên mọi miền đất nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Lễ rước kiệu về Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
Lễ rước kiệu về Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Nhiều hoạt động văn hóa quy mô, đặc sắc

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2023 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 20 đến 29-4 (tức mùng 1 đến mùng 10 tháng Ba âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Sự kiện được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, song sẽ có nhiều hoạt động được phối hợp với các bộ, ngành trung ương và tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó thể hiện sâu sắc ý nghĩa "hội tụ - về nguồn” của lễ hội. Bên cạnh phần lễ với các nghi thức trang nghiêm, thành kính tại Lễ giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ; Lễ giỗ tổ Hùng Vương và dâng hoa tại bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong”…, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay gắn với "Tuần lễ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh”, do tỉnh Phú Thọ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết: "Tuần lễ diễn ra dưới hình thức liên hoan giao lưu, trình diễn, qua đó tôn vinh, quảng bá, nâng cao hiểu biết, trách nhiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng. Tham gia tuần lễ là 15 tỉnh, thành phố đang nắm giữ các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, tiêu biểu như: Nhã nhạc Cung đình Huế; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; Hát ví - dặm Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ; Hát xoan Phú Thọ...

Một hoạt động điểm nhấn khác tại Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2023 là Hội thảo quốc tế "Diễn đàn du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam”, với mục tiêu tìm kiếm các sáng kiến, giải pháp gợi mở, định hướng cho các hoạt động phát triển du lịch, bảo tồn di sản đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong khuôn khổ lễ hội, còn có trên 20 hoạt động quy mô và hấp dẫn khác diễn ra tại nhiều không gian văn hóa ở lễ hội, như: Liên hoan trình diễn áo dài dân tộc Việt Nam; Liên hoan văn hóa ẩm thực vùng Đất Tổ; trưng bày tư liệu, hiện vật về lễ hội và tín ngưỡng thời đại Hùng Vương...; hứa hẹn mang đến hành trình về nguồn hấp dẫn và ý nghĩa cho đồng bào cả nước.

Bảo đảm ý nghĩa của ngày hội về nguồn

Chỉ còn hơn một tháng nữa, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2023 sẽ diễn ra, dự kiến thu hút hàng triệu lượt đồng bào và du khách trong, ngoài nước về trẩy hội. Ngay lúc này, công tác chuẩn bị cho dịp lễ hội quan trọng nhất nước đang gấp rút được triển khai, nhằm bảo đảm trọn vẹn ý nghĩa ngày hội về nguồn của cộng đồng 54 dân tộc. Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang cho hay, công tác chuẩn bị cho Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đang được triển khai đầy đủ và đúng tiến độ. Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xây dựng phương án đón tiếp, các kế hoạch dự trù cho việc lượng khách tăng cao đột biến; triển khai quy hoạch hàng quán, kiểm soát chất lượng dịch vụ cũng như các kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ và dịch bệnh; phương án cứu hộ, cứu nạn, ứng phó kịp thời trong mọi tình huống có thể xảy ra.

Với mục tiêu trở thành lễ hội kiểu mẫu trên cả nước, tỉnh Phú Thọ đã đặt ra yêu cầu "5 không”, gồm: Không ùn tắc giao thông; không nâng giá, ép giá; không ăn mày, ăn xin; không hành vi phản cảm và không mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tỉnh sẽ bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự 24/24 giờ và công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của nhân dân và du khách tại các địa điểm xung quanh khu vực Đền Hùng. Tính trang nghiêm, văn minh trong hoạt động lễ hội được chú trọng khi được bố trí lực lượng thường trực nhắc nhở du khách về trang phục, không lạm dụng dâng hương, vàng mã; giữ gìn trật tự trong không gian thờ tự...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng, Trưởng ban Tổ chức "Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2023”, với mục tiêu tổ chức ngày càng tốt hơn các hoạt động của lễ hội, nhằm gìn giữ bản sắc truyền thống, tạo ấn tượng với đồng bào, du khách về với Đất Tổ, các đơn vị, ban, ngành liên quan cần phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các địa phương một cách chủ động, hiệu quả, linh hoạt, huy động cao nhất các nguồn lực xã hội, sẵn sàng chào đón đồng bào và du khách thập phương.

(Theo HNMO)

Các tin khác

Trong khuôn khổ sự kiện “Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng” 2023, sẽ có hoạt động trình diễn bộ sưu tập áo dài và xác lập các kỷ lục Guinness Việt Nam.

Chị Đinh Thị Hương, xã Yên Bình tự hào với thành tích của các thành viên trong gia đình khi phấn đấu đạt các danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc.

Hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, những năm qua, huyện Yên Bình đã đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá (XDĐSVH).

Bộ tem

Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem “Phượng tím”, gồm 1 mẫu tem và 1 block, được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 30/3/2023 đến ngày 31/12/2024, nhằm góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và sự đa dạng khí hậu, sinh học của Việt Nam.

Bức ảnh Hai người lính trong bộ ảnh đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh của tác giả Chu Chí Thành.

Hiện nay, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đang thực hiện các công tác chuẩn bị để dự kiến trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022 vào dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác (19/5).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục