Thương ôi, chợ tết ngày xưa...

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Lúc chiều, thấy mẹ tôi đang lúi húi nhặt hành củ để chuẩn bị muối ăn Tết, cô hàng xóm cười, rồi bảo: “Giời ôi! Chị cứ hay lo xa! Còn nửa tháng nữa mới Tết! Mà bây giờ siêu thị bán sẵn đầy! Muối làm quái gì cho cách rách ra?”. Mẹ tôi thủng thẳng bảo: “Các cụ chẳng đã nói: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” là gì? Chuẩn bị một tí cho nó ra Tết nhất ấy mà...”.

Nghe lỏm câu chuyện của mẹ và cô hàng xóm, tôi lại đâm ra nghĩ ngợi lan man về những phiên chợ Tết ngày xưa. Bây giờ, người ta chỉ cần vào siêu thị là sẽ có tất cả, rất thuận tiện cho những người quá ư bận rộn nhưng sao lại mất đi nhiều những háo hức, đợi mong. Sẽ chẳng bao giờ còn được thấy cái cảnh:

“Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng
Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt”

như ở trong thơ của Nguyễn Khuyến nữa. Bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, ra siêu thị là có. Pháo thì cấm rồi! Cây nêu biết trồng vào đâu? Vậy là niềm vui được đi chơi chợ Tết không còn nữa. Câu đối một thời được treo trang trọng trong nhà bây giờ cũng chỉ phổ biến trên báo tết thôi. Những thứ “đồ cổ” ấy phải chăng đặt vào sự tân kỳ của những ngôi nhà hiện đại là không tương xứng? Chẳng trách Vũ Đình Liên giữa cảnh chợ Tết tấp nập là thế mà vẫn dừng lại để xót xa cho một cái đẹp đã rơi vào quá vãng:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”.

Nét chữ “như phượng múa rồng bay” hay cũng chính là nét người ấy cũng chẳng thể cứu được một phong tục đẹp đã bị những bon chen, dửng dưng quên lãng. Sẽ chẳng bao giờ còn được thấy cảnh “Chợ Tết” như thế này:

“Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ”.

Bây giờ, người ta đang có thú quay lại thời xưa, khơi lại những phong tục cổ nhưng cái không khí, cái hồn, cái thần của ngày xưa thì đã vĩnh viễn đi theo hồn của “những người muôn năm cũ” mất rồi. Bởi những người trẻ bây giờ, 7X và 8X, làm sao còn hiểu rõ được cái hồn của mỗi nét chữ, cái cốt cách của người viết gửi gắm vào đó? Họ yêu thích theo phong trào rồi cũng mau chán...

Định kiếm một vài tờ lịch thật đẹp để treo trong nhà nhưng mãi tôi chẳng chọn được tờ nào, toàn thấy người mẫu, nhà lầu, xe hơi... Bỗng thèm thế có vài bức tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống treo Tết cho vui mắt. Hoàng Cầm xưa đã từng tự hào biết bao về quê hương của mình vì ở đó có:

“Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Những màu sắc vui tươi, rực rỡ; những đường nét ngộ nghĩnh, hồn nhiên; những triết lý và lời bình dí dỏm của những bức tranh làng Hồ đã làm xôn xao màu Tết trong mỗi ngôi nhà, thể hiện khát vọng hạnh phúc, ấm no của người chơi tranh. Những bức tranh ấy có sức hấp dẫn lạ lùng trong những phiên chợ Tết:

“Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ
Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán
...Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi”

                                     (Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ)

Nét xưa hồn nhiên đó giờ không còn thấy nữa.

Những phiên chợ Tết ngày xưa, nơi tôi đã có lần được đến, trong những ngày sắp Tết này, cứ quay về mời gọi. Tôi biết là chẳng thể quay về được, đành tìm đến thơ để nhớ lại cho thỏa lòng. Đoàn Văn Cừ thật khéo khi vẽ một bức tranh “Chợ Tết” rộn rã sắc màu:

“Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau
...Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết
Con gà trống mào thâm như cục tiết
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem”.

Những câu thơ trong trẻo khiến lòng ta thanh bình như hồn quê. Tác giả thật tài tình khi mỗi một dòng thơ lại mang một màu sắc rực rỡ (vàng, cam, đỏ chót, son, tuyết, thâm). Chẳng hiểu sao, khi ngắm... thơ của Đoàn Văn Cừ, tôi lại liên tưởng đến những chiếc váy xòe hoa sặc sỡ như những cánh bướm của những cô gái Mông đang rung rinh, nhún nhẩy đi chợ Tết theo điệu kèn môi dìu dặt. Những ngày Tết, trong hội Gầu tào, bên cạnh gốc nêu, những đôi trai gái người Mông lại có dịp trao nhau những câu hát thắm thiết:

“Cây nêu mọc ở giữa
Đôi ta hát qua một ngày
Mình có lấy gì tặng ta làm tin
Ta mới chịu quay bước chân về được”.
                                        (Dân ca Mông)

Ngày Tết là ngày vui được chờ đợi nhất trong năm, nhất là sau những ngày lao động vất vả. Nhìn vào chợ Tết, có thể biết được người dân nghèo khó hay khá giả. Trong những phiên chợ Tết, có những phiên thật buồn như trong thơ Nguyễn Khuyến:

“Hàng quán người về nghe xáo xác
Nợ nần năm hết hỏi lung tung”
                                        (Chợ Đồng)

Những năm “chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa” vì lũ lụt, thuế khóa thì lấy đâu ra cảnh chợ Tết đông vui, tấp nập? Đọc thơ Nguyễn Khuyến mà ngậm ngùi lắm thay vì bây giờ cái cảnh “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” vẫn rất nhiều, và lo Tết đối với người nghèo vẫn là một gánh nặng. Nào phải ai cũng lạc quan tếu được như cụ Tú Xương thuở trước:

“Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
Rượu cút nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu...”
                                           (Cảm Tết)

Tết nghèo thật, dù chẳng có rượu, có trà sen, bánh chưng, giò lụa nhưng vẫn ấm áp và tràn ngập tiếng cười. Bởi, cái cần sắm sửa, chuẩn bị nhất lại chính là tấm lòng chứ đâu phải những thứ ê hề kia. Niềm lạc quan ấy không hẹn mà lại gặp gỡ rất tương đắc với lời ca của một chàng trai nghèo người Tày:

“Hăm tám tết, người ta rửa lá
Rỗng tuếch nhà ta vẫn đói nghèo
Ba mươi, người thịt gà với vịt
Nhà ta con trẻ khóc ỉ eo...
Xào thịt, chảo người reo tựa pháo
Ốc ruộng ta xào chảo cũng reo”
                                      (Dân ca Tày)

Mới đọc bốn câu đầu thoáng nghe ý vị thấy có vẻ buồn lắm, hình như còn có chút tủi thân. Nhưng đọc hết, mới vỡ lẽ hóa ra không phải. Tiếng reo của chảo ốc xào cũng vui vẻ, cũng thơm ngon, hấp dẫn khác nào thịt gà, thịt vịt! Khi mùi thơm bốc lên, có lẽ đứa trẻ kia cũng nín khóc và reo cười. Tiếng chảo reo hay tiếng trẻ con reo...

Bỗng nhiên, tôi như đang nghe thấy tiếng reo của chính mình ngày bé khi có một tấm áo mới diện Tết, có một con tò he xanh đỏ thổi kêu toe toe, có những quả bóng bay đầy màu sắc hay chỉ là một túi kẹo cồ dân dã... Ngày xưa ấy vẫn theo tôi đến bây giờ! Đọc những trang thơ của người xưa mà lòng nao nao luyến nhớ... Dẫu bây giờ, Tết đủ đầy hơn nhưng xin mỗi người đừng quên một thời khốn khó, đừng quên xung quanh mình vẫn còn bao người chưa có một cái Tết đúng nghĩa... Để kết thúc khúc lan man này, xin gửi tới mọi người đôi câu thơ tôi làm vội lúc bất chợt nhìn thấy bông mai trắng đầu tiên bung cánh chào xuân:

Xuân trong ta suốt bốn mùa dịu ngọt
Khi mọi người đem hạnh phúc trao nhau...”.

Nguyễn Thị Thu Hiền

Các tin khác
Ba cuốn tiểu thuyết trong bộ tiểu thuyết

Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Cụm thi đua số 5 tích cực tham gia luyện tập  để tham gia Liên hoan

Công đoàn Viên chức tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Liên hoan “Tiếng hát công chức, viên chức, lao động” năm 2024, dự kiến khai mạc vào ngày 18/5 tại Rạp Hồng Hà, thành phố Yên Bái.

Đền thờ Vua Hùng ở TP Cần Thơ

UBND thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đề xuất xây dựng đền thờ Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công với đất nước tại địa phương này.

Mô hình “Thư viện chiến sĩ” - Phòng Cảnh sát Cơ động thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ.

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ), Công an tỉnh Yên Bái đã nỗ lực, kết nối để phát triển mô hình "Thư viện chiến sĩ”, góp phần duy trì phong trào đọc sách, thúc đẩy văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục