Khám phá những “điểm đến” đặc biệt ở Đền Hùng

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/4/2024 | 2:05:34 PM

Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, ngoài 6 đền chính, chùa Thiên Quang và lăng Hùng Vương thứ 6 còn có những "điểm đến" gắn liền với nhiều huyền tích đặc biệt.



Cây vạn tuế gần nghìn năm tuổi

Từ cổng chính đi qua những bậc đá cao, đầu tiên, du khách sẽ đến với Đền Hạ. Tương truyền ở nơi đây mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nghĩa "đồng bào” (cùng một bọc) cũng bắt nguồn từ đây. Bên cạnh đền là chùa Thiên Quang, tên đầy đủ là "Thiên Quang Thiền tự” xưa kia có tên chữ là "Viễn sơn cổ tự”, "Sơn cảnh thừa long tự”.


Cây vạn tuế cổ thụ đã tồn tại qua 8 thế kỷ.

Ngay trước cửa chùa có một cây vạn tuế 3 ngọn với thế độc đáo, tuổi được ước tính độ hơn 800 năm. Đây là một trong những cây có tuổi đời cao nhất ở Đền Hùng. Cây cao hơn 5m, đường kính gốc khoảng 35cm, thân nghiêng khoảng 30 độ. Từ thân, ba nhánh cây tỏa ra các hướng, tượng trưng cho 3 miền Bắc - Trung - Nam chung một cội nguồn.

Dưới gốc cây này, ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghe đồng chí Thanh Quảng - Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương và đồng chí Song Hào - Chính ủy Đại đoàn quân Tiên Phong báo cáo về tình hình của Đại đoàn và kế hoạch đưa bộ đội về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Bộ bàn đá

Từ chùa Thiên Quang, bước lên hơn trăm bậc đá là khu vực Đền Trung, còn có tên chữ là "Hùng Vương Tổ Miếu”. Tới giữa sân đền, du khách sẽ thấy một bộ bàn đá với 8 chỗ ngồi. Những viên đá mộc mạc, ngả màu theo thời gian. Tương truyền đây là nơi Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng ngồi họp bàn việc nước.


Bộ bàn đá 8 chỗ ngồi tại Đền Trung, Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Đây là nơi gắn liền với sự tích "Bánh chưng, bánh giầy” quen thuộc được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Theo tích xưa, Hùng Vương thứ VI tổ chức thi tài để chọn người lên ngôi kế vị. Người con út Lang Liêu với sự thông minh và hiếu nghĩa đã sáng tạo ra hai loại bánh có hình vuông, tròn tượng trưng cho trời, đất, thể hiện triết lý tư duy về vũ trụ, gửi gắm mong ước về sự phát triển vẹn toàn của người Việt cổ.

Cột đá thề

Tọa tại vị trí cao nhất trên đỉnh Nghĩa Lĩnh là Đền Thượng, đền có tên chữ là "Kính Thiên Lĩnh điện”, nghĩa là Điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh. Trước cổng đền, chếch về bên phải có một cột đá lớn được gọi là Cột đá thề, gắn liền với truyền thuyết về lời thề của Thục Phán - An Dương Vương.


Cột đá gắn với lời thề giữ gìn bờ cõi.

Bản "Ngọc phả cổ truyền về mười tám đời Thánh vương triều Hùng” có viết: "Khi Thục Vương được nước, do cảm kích việc nhường nước của Duệ Vương, công đức lớn như trời đất, bèn cử giá đến núi Nghĩa Lĩnh lập đền đài lấy làm nơi thờ tự của nước, dựng hai cột đá giữa núi chỉ lên trời mà khấn rằng: Nguyện có trời cao lồng lộng soi xét không bao giờ sai, nước Nam sẽ trường tồn, miếu thờ Hùng Vương sẽ còn mãi, nếu về sau các vua kế trị mà trái ước bội thề, thì búa trăng rìu gió sẽ trừng phạt để không phụ lời thề của người đời trước”.

Năm 1968, các nhà nghiên cứu tìm thấy những cột đá cổ nằm sâu trong lòng đất tại khu vực Đền Thượng đã cho tôn tạo và dựng lại cột đá. Đến năm 2010, cột đá cũ được thay thế bằng mã não nguyên khối và được giữ gìn đến nay.

Giếng Cổ

 Công trình giếng Cổ với mái che được tôn tạo, trùng tu vào năm 2004.


Giếng Cổ gắn với sự tích mẹ Âu Cơ sinh trăm trứng.

Từ Đền Thượng, qua Lăng mộ Hùng Vương, theo lối đá khoảng hơn 700 bậc xuống Đền Giếng, du khách sẽ gặp một miệng giếng lớn, có mái che, ấy là giếng Cổ hay còn được gọi là giếng Rồng. Tương truyền, sau khi Tổ Mẫu Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở ra trăm người con đã dùng nước tại giếng này để tắm cho các con.

Năm 2002, các nhà khoa học đã tiến hành khai quật tại giếng Cổ, phát hiện nhiều dấu tích văn hóa của các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn ở trong lòng giếng.

Giếng Ngọc

Ngay bên dưới giếng Cổ độ hơn chục bậc đá là khu vực Đền Giếng, nơi xưa kia hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái Hùng Vương thứ XVIII thường tới soi gương, chải tóc.


Du khách thành kính cầu nguyện bên giếng Ngọc.

Trong hậu cung Đền Giếng hiện vẫn còn một giếng nước hình tròn, được gọi là giếng Ngọc, tên chữ là Ngọc Tỉnh. Giếng sâu gần 2m, quanh năm có nước rất trong và mát. Lòng giếng được kè đá, tang giếng được làm từ một khối đá liền đục thành.

Tại Đền Giếng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngồi nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong và giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Không chỉ có cơ hội được thăm quan những công trình thờ tự lâu đời, ngắm nhìn các cổ vật đầy ý nghĩa, đến với Đền Hùng du khách sẽ được sống trong không gian của quần thể rừng quốc gia Đền Hùng xanh mát, tận hưởng bầu không khí trong lành, linh thiêng nơi Đất Tổ.

(Theo Báo Phú thọ)

Các tin khác
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”.

Tại chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông", Trung ương Đoàn, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chính thức phát động cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”.

'Ông già và biển cả' là một tác phẩm văn học kinh điển, được đánh giá cao bởi cả giới phê bình và công chúng.

Hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố và 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Thành phố Yên Bái dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay tưng bừng các hoạt động văn hoá văn nghệ khắp địa bàn, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, góp phầndần hình thành nên nét văn hóa đặc trưng riêng có của thành phố tỉnh lỵ.

Tỉnh đoàn Yên Bái trao quà các lưu học sinh Lào đang học tập tại Yên Bái.

Trường Cao đẳng Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Văn nghệ Trường Sơn tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Lào và ra mắt Câu lạc bộ “Kết nối thế hệ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục