Việt Nam tổ chức thi bắn pháo hoa quốc tế
- Cập nhật: Thứ năm, 31/1/2008 | 12:00:00 AM
Việt Nam sẽ là chủ nhà cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế quy mô lớn được tổ chức vào tháng 3 tới và sẽ diễn ra thường niên vào các năm tiếp theo.
|
Chủ đầu tư của đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là thành phố biển Đà Nẵng. Ông Nguyễn Văn Cán - Chánh văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng đã cung cấp thêm cho phóng viên báo chí những thông tin liên quan đến sự kiện đặc biệt này.
- Xuất phát từ ý tưởng nào mà UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định trình Chính phủ cho phép tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2008, thưa ông?
Trong 2 năm 2006, 2007 vừa qua, Đà Nẵng đã tổ chức thành công rất nhiều sự kiện lớn như Tuần lễ Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hội chợ Techmart, Hội chợ VietBuild và mới đây là Hội nghị Thượng đỉnh Tham tán thương mại Mỹ tại ASEAN. Với những thành công đó, cùng với điều kiện thiên nhiên ưu đãi và cơ sở hạ tầng hoàn thiện, Đà Nẵng đang phấn đấu trở thành một “Thành phố của những sự kiện”. Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2008 nằm trong mục đích và lộ trình đó.
- Nghệ thuật bắn pháo hoa lâu nay không phải là thế mạnh của Việt Nam, lựa chọn nội dung này, mục đích của cuộc thi là gì, thưa ông?
Thông qua việc tổ chức cuộc thi để học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự phát triển của ngành sản xuất pháo hoa Việt Nam trong tương lai. Mặt khác, mục đích chính của cuộc thi này là tạo ra một sản phẩm du lịch mới cho thành phố, tương tự một số quốc gia như Bỉ, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản... đã làm, tạo nên những lễ hội đặc sắc thu hút hàng triệu du khách tham dự. Thành phố mong muốn sẽ tiếp tục đưa cuộc thi này trở thành sự kiện thường niên để hút khách du lịch đến Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Lựa chọn thời điểm tổ chức vào 27 và 28-3, dịp kỷ niệm 33 năm ngày giải phóng thành phố cũng không ngoài mục đích tạo ra một không khí lễ hội cho mùa du lịch hàng năm.
- PV: Pháo hoa của “đội chủ nhà” sẽ được sản xuất như thế nào? Tiêu chí để chấm điểm các màn trình diễn là gì, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Cán: Tại cuộc thi này, pháo hoa của đội Việt Nam (mà Đà Nẵng là đại diện) sử dụng dự kiến sẽ do nhà máy Z21 của Bộ Quốc Phòng sản xuất. Hiện chúng ta đã có thể hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu pháo hoa trong nước. Tuy nhiên thành phố chưa có chủ trương mở các xưởng sản xuất pháo hoa riêng vì nhu cầu chưa lớn. Về tiêu chí cuộc thi, theo tư vấn của đơn vị tổ chức nước ngoài và thông lệ quốc tế, mỗi màn trình diễn sẽ được đánh giá về sự đồng điệu giữa âm nhạc, cách thức trình bày, sự sáng tạo và độ hoành tráng. Với chủ đề được lựa chọn cho cuộc thi năm nay là “Vũ điệu Tiên Sa”, các đội thi sẽ được quyền tự sáng tác âm nhạc phụ hoạ cho phần trình diễn của mình. Vì thế ngoài điểm cho pháo còn có điểm cho âm nhạc.
- Hiện công tác chuẩn bị của thành phố đã tiến hành đến đâu thưa ông?
Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, thành phố đã mời một công ty chuyên tổ chức sự kiện của nước ngoài là Global 2000 của Malaysia cùng một công ty uy tín trong nước cùng phối hợp lập kịch bản chi tiết. Do là lần đầu tiên tổ chức, còn thiếu kinh nghiệm nên thành phố chỉ mời 4 đơn vị tham gia, dự kiến gồm Hồng Kông, Canada, Malaysia và Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ mời một BGK quốc tế, trong đó mỗi quốc gia dự thi sẽ có 1-2 thành viên giám khảo để đảm bảo tính khách quan. Trong các lần tổ chức tiếp theo, có thể khán giả cũng sẽ được tham gia vào quá trình chấm giải để tạo sự hứng thú đặc biệt trong công chúng.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo HNMĐT)
Các tin khác
YBĐT - Trong cuộc sống hàng ngày, người Tày có quan niệm "Po chài sam síp minh, me nhình sí síp khoăn", người nam có ba mươi hồn, người nữ có bốn mươi vía. Hồn vía hòa liền với thể xác giúp cho con người tạo nên sức sống, có sức mạnh để chống chọi với thiên nhiên.
YBĐT - Ngạn ngữ Mông có câu: "Có rượu cùng đổ, có thịt cùng ăn". Sự ăn uống của đồng bào Mông ngày tết cũng đơn giản, không có nhiều món cầu kỳ như dân tộc khác. Mổ con lợn nuôi vài tuổi, nặng cả tạ, thịt mỡ thì tẩm gia vị ướp sấy và làm thịt chua để ăn quanh năm; lòng già được làm sạch, nhồi thịt mỡ và riềng giã nhỏ cùng các gia vị khác, sau đó đem phơi sương (giống lạp xường của người Kinh) để làm thức ăn dần.
"Tết nhảy" chỉ ở làng Dao Ba Vì mới có. Ðó là Tết nhảy, là điệu múa chuông, múa rùa, múa kiếm làm nên vũ điệu độc đáo của người Dao trong những dịp Tết đến xuân về.
YBĐT - Cũng như người Kinh, đồng bào Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái)ăn tết cổ truyền “Mạz chiêng” theo Tết Nguyên đán.