Vang mãi tiếng kèn gọi bạn

  • Cập nhật: Thứ bảy, 9/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, các làn điệu dân ca, dân vũ, các loại nhạc cụ truyền thống luôn được người Dao quần trắng ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái lưu giữ. Xuất phát từ đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Dao đã sáng chế ra nhiều loại nhạc cụ độc đáo phục vụ cho sinh hoạt văn hoá tinh thần của mình. Kèn nứa hay còn gọi là Tù và nứa là một trong nhiều loại nhạc cụ ấy.

Cùng với các loại nhạc cụ như trống, chiêng, chập cheng, chuông… người Dao còn có rất nhiều loại nhạc cụ khác làm từ nứa. Đàn bầu nứa, kèn pípe, kèn sáo, làm bằng nứa thường được sử dụng trong các lễ hội như Lễ Cầu mùa, Lễ Cầu làng, lễ cưới hỏi…, còi nứa được sử dụng trong những lễ hội và dùng làm hiệu lệnh trong các trò chơi dân gian, còn cây kèn nứa được sử dụng ngay ở trên nương để gọi bạn.

 

Xuất hiện khá lâu cùng với đời sống, sinh hoạt của người Dao nên cây kèn nứa trở thành nhạc cụ quen thuộc với từng thành viên của tộc người này. Vật liệu để làm kèn rất sẵn, nó ở quanh nhà, ở dọc đường làng, rồi ở trên nương, ở đâu người ta cũng có thể lấy được nứa để làm nhạc cụ. Một cây kèn phải sử dụng từ 1 đến 2 cây thậm chí phải mất 4 cây nứa, nhưng tốt nhất vẫn là chọn được những đốt nứa từ một cây, bởi theo họ, âm thanh từ 1 cây nứa khi được chắp lại sẽ cho âm thanh hay và tốt nhất.

 

 

Theo những người già ở Yên Thành, để có được cây kèn nứa tốt, người ta sẽ dùng con dao gõ nhẹ lên từng đốt xác định âm thanh từ đốt nhỏ nhất cho đến đốt to nhất, và phải thử thật kỹ theo trình tự cung bậc âm thanh, một cây kèn cần từ 14 đến 16 đốt nứa. Khi hoàn thành, cây kèn có chiều dại từ 1,5 - 1,6m.

 

Kèn nứa thổi được rất nhiều làn điệu khác nhau, nhưng đối với người Dao chỉ có điệu "Gọi bạn", "Gọi nhau ăn cơm trưa" và"Gọi nhau về" là thường xuyên được sử dụng. Thổi kèn nứa chỉ dùng hơi, ngắt hơi, điều chỉnh âm thanh chỉ bằng lưỡi. Thổi kèn thì dễ nhưng thổi hay thì cần phải có kỹ thuật. Người thổi hay thì âm thanh của kèn phải vọng xa, lời ngắt phải đúng chỗ, âm thanh cao, thấp phải thể hiện đúng và phải biết kết hợp với các động tác múa tay, dậm chân.

 

Giờ đây, kèn nứa không chỉ được sử dụng ở trên nương mà loại nhạc cụ này đã được cộng đồng người Dao quần trắng Yên Bình phát triển thành loại nhạc cụ phục vụ lễ hội. Khi biểu diễn không chỉ có riêng mình người thổi kèn mà đã được kết hợp với các loại nhạc cụ khác như trống, chiêng, chập cheng. Cùng với tốp múa khoảng từ 3 - 4 người, những giai điệu của kèn nứa vang xa tạo nên sự vui tươi trong ngày hội của làng, của bản.

 

Khánh Linh

Các tin khác
Cột còn - một loại cây tượng trưng cho vũ trụ vì nó cũng mang một ý nghĩa như cây nêu trong ngày xuân của đồng bào vùng Mường Lò.
(Ảnh: Hoàng Nhâm)

YBĐT - Ai đến Mường Lò Nghĩa Lộ vào dịp tết Nguyên đán sẽ thấy trước sân, đầu sàn nhà nào cũng dựng cây nêu. Cây nêu còn được dựng ở cả lều thờ thổ công, chuồng gia súc, lều cối giã gạo bằng nước.

YBĐT - Mùa xuân luôn gắn liền với những thú chơi tinh thế và tao nhã, thể hiện niềm say mê và cảm xúc của con người trước cuộc sống. Cây cảnh bắt nguồn từ tự nhiên, nhưng cao hơn tự nhiên, bởi nó đã được thổi hồn vào, và mang ngôn ngữ biểu cảm thật tinh tế và sâu sắc.

YBĐT - Người Mường sống ở gần rừng núi, nên mọi mặt trong cuộc sống đều có sự gắn bó với rừng. Trong rất nhiều phong tục, tập quán liên quan đến rừng, người Mường có tục ngày xuân đoán lá cây rừng. Tục này không biết có từ bao giờ, nhưng cứ vào khoảng 27 tháng 12 âm lịch hàng năm là bà con người Mường coi đây là ngày “đóng cửa rừng”.

YBĐT - Khi đến với dân tộc Mường vùng Tây Bắc những ngày Tết, ta thấy ngay câu ví: "Cơm đồ nhà gác, nước vác lợn thuê, ngày lùi tháng tiến", đủ hiểu các phong tục ở vùng dân tộc này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục