Một thập kỷ "Đám cưới chuột"
- Cập nhật: Chủ nhật, 10/2/2008 | 12:00:00 AM
Đám cưới chuột- bài hát ngắn nhưng có sức bền dai dẳng. 10 năm kể từ khi bài hát thành hình cũng là chặng đường phấn đấu từ một hit trong làng nhạc rock tới một ca khúc thịnh hành từ lứa tuổi mẫu giáo.
Từ trái sang: Bùi Quang Huy, Lê Anh Quân, Lê Tiến Đạt, Nguyễn Hồng Long
|
Giống như mọi bài hát của Gạt Tàn Đầy (gồm các thành viên: ca sĩ Lê Tiến Đạt, guitar Bùi Quang Huy, trống Lê Anh Quân, bass Nguyễn Hồng Long), Đám cưới chuột không có bản nhạc. Ai đó đưa ra một nét nhạc, rồi mỗi người góp vào một câu. “Cứ đánh linh ta linh tinh, ra cái gì thì ra” - Lê Tiến Đạt miêu tả.
Vì sao kết quả của lần đánh linh tinh đó lại ra Đám cưới chuột? Có thể do Đạt bị bức tranh treo đầu giường ám ảnh. Hồi đó, thanh niên Hà Nội rộ lên trào lưu sang làng tranh Đông Hồ chơi. Trong bộ tranh ông anh mang về, Đạt kết nhất Đám cưới chuột, xin về treo - lồng cả vào đồng hồ.
Thế là ngày ngày cứ ngước mắt xem giờ lại thấy nào là chuột, là cá, là mèo... Nhất là hồi ấy Đạt còn làm pha rượu ở khách sạn, hay về khuya.
“Khi viết lời, tôi muốn đặt góc nhìn vào nhiều nhân vật khác nhau. - Đạt cho hay - Tuy chả có vẽ con chuột nào cô đơn cả, nhưng mình tưởng tượng là có thể có một con như thế. Xem tranh ai cũng nghĩ ngợi mà...”
Rước dâu tưng bừng/Một mình ta cô đơn chốn góc hang. Người viết để ý cả những nhân vật không tham dự vào bức tranh: Lang thang chốn bãi hoang có một cô chuột đồng... Ngân nga mấy khúc ca có một con chuột gầy”.
Lần đầu tiên, Đạt hát lên những lời này, cả ban quăng đàn, lăn ra cười” - Bùi Quang Huy nhớ - “Đạt tất nhiên không cười - Nguyễn Hồng Long tiếp lời - Lần đầu tiên trình diễn Đám cưới chuột ở giải Đĩa Nhạc Xanh, chúng tôi nhìn thấy rõ khán giả cười như thế nào. Khán giả Bài hát Việt lần đầu nghe thấy bài này cũng có phản ứng tương tự”.
Nhưng lời của bài hát ban đầu lại bằng tiếng Anh: We are bringing bird to the cat of land/ We are bringing fish to the cat of land... Đơn giản vì ca sĩ kiêm người viết lời khi đó thích hát bằng tiếng Anh. Hai câu trên là tất cả những gì Đạt còn nhớ về lời Anh của bài hát.
Sự phản đối của Long và Huy: “Viết về tranh Đông Hồ mà lại dùng tiếng Anh”, cộng với Liên hoan Ban nhạc Sinh viên toàn quốc tranh giải Đĩa Nhạc Xanh hè 1998 yêu cầu 2/3 số bài dự thi phải có lời Việt khiến Đạt buộc phải “dịch” ra thành: Ai mang cá đến cho con mèo hoang tàn ác/Ai mang cá đến cho con mèo hoang say mèm...
Công việc chuyển ngữ hoàn tất trước khi thi đâu có 3 ngày. Ban nhạc đoạt giải Khuyến khích và đem lại cho khán giả sự ngạc nhiên, và một hy vọng vào một thứ nhạc rock đậm chất Việt hơn. Nhưng phải gần chục năm sau, Đám cưới chuột mới thực sự phổ cập - không chỉ trong nội bộ rockfan với nhau.
Sau khi một người bạn của nhóm tham gia Bài hát Việt, Gạt Tàn Đầy thấy “ngon ăn”, tháng 10/2006, quyết tâm gửi Người hóa cáo đi thi, Đám cưới chuột chỉ là dự bị. Nhưng Cáo bị cho ra rìa, Chuột lên sàn đấu và giành được ngay giải Bài hát của tháng với nhận xét của Hội đồng nghệ thuật: “Rock nhưng đậm chất dân gian”.
Cuối năm, ban nhạc được đề cử vào 2 hạng mục (kể cả Bài hát Pop-rock đương đại nổi bật) và giành giải Nhạc sĩ ấn tượng. Tuy nhiên, ban nhạc có vẻ không tận dụng được bước đà này.
Tháng 5/2007, Đám cưới chuột còn đứng số 1 trong Top10 của sóng phát thanh XoneFM. Nó đương nhiên là bài hát nổi tiếng nhất của Gạt Tàn Đầy.
Nhưng ban nhạc đang than “chán Chuột lắm rồi”. Những bài hát mà họ thích như Chùm nho chín mọng, Phở, Người hóa cáo... thì xem ra chẳng mấy ai nhắc nhở- chắc phải đợi quãng 10 năm nữa! Long: “Mình có nhiều bài nữa, sao mọi người không thích! Nghĩ cũng tủi thân”.
Sau khi lên ti vi, Chuột thu gom được nhiều cảm tình của các bạn trẻ... 5 - 6 tuổi. Đạt có fan là bạn của mấy đứa cháu. Anh vẫn nhớ hình ảnh trước cửa rạp Hòa Bình (TPHCM), cậu bé còi còi chắc mới học lớp 1 cứ bám vào cửa sắt mà la: “Đám cưới chuộc!” (giọng Sài Gòn).
Lũ trẻ thống nhất gọi Đám cưới chuột là bài “mèo béo” (Ung dung ngắm rước hoa có một con mèo béo). “Chắc do hai từ này nghe ngồ ngộ. Chắc là tụi nó không thích chuột” - Đạt lý giải - Người lớn cũng ghét chuột, thích mèo”. Đám cưới chuột - vẻn vẹn 2 câu nhạc ngang phè- đủ đơn giản đề các rocker mẫu giáo cũng trình diễn được. Với gợi ý của người viết, Đạt bắt đầu nghĩ tới hướng sáng tác cho thiếu nhi.
Hiện ban nhạc vẫn chia đôi, nửa làm việc trong Nam, nửa ngoài Bắc; và đều phát triển những công việc và kế hoạch riêng - không liên quan đến âm nhạc.
Long than thở, anh đã đưa rất nhiều ý tưởng lên hòm thư chung của ban, nhưng mãi chẳng thấy ai input (có thể hiểu là “kết nối và phát triển ý tưởng”): “Nhắc mãi cũng ngại. Đã xác định chơi, không ép được nhau.” Tết năm ngoái, nhân dịp đoàn tụ ở Hà Nội, cả ban cùng nhau làm được mấy bài. Tết năm nay, Long ở lại TPHCM...
(Theo TPO)
Các tin khác
Theo mẫu Hán tự, chữ hiếu gồm chữ lão và chữ tử ghép thành. Chữ lão ở trên, chữ tử ở dưới. Nhìn chữ hiếu khiến người đời liên tưởng đến một ông bố già, không đi lại được, buộc người con phải cõng. Làm được như thế, người con đã thể hiện được đạo hiếu của mình.
YBĐT - Mường Lò, mảnh đất phía Tây tỉnh Yên Bái có 16 dân tộc chung sống từ lâu đời. Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa dân gian cổ truyền riêng biệt, phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc và làm đẹp, làm giàu cho kho tàng văn hóa Việt Nam.
Một giọng hát then trong trẻo hòa cùng nhịp đàn tính tẩu khoan thai, du dương hòa quyện với thanh âm dìu dặt của đất trời:
YBĐT - Sau khi hoàn tất các nghi thức bên nhà gái là lễ đón dâu về nhà chồng. Trước giờ đón cô dâu về nhà chồng là nghi thức cho con gái của hồi môn và nghi thức hát "Tơm" xin dâu. Của hồi môn cho con gái gồm 12 chiếc gối, 7 bộ chăn đệm, 1 đôi chiếu, 1 đệm ngồi, 1 bộ riđô màn cưới, 40 bát ăn cơm, 2 mâm, 1 tủ đứng, 1 hòm… Sau khi đã chuẩn bị của hồi môn, bà Mờ bên nhà trai hát "Tơm" xin dâu đối đáp với bên nhà gái.