Hoàng Thế Sinh - Sâu đậm những trang ký

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đã in ấn hàng ngàn trang sách, Hoàng Thế Sinh là nhà văn có sức lao động sáng tạo thật dồi dào. Anh đã có những thành công đáng kể trong thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết... Và lần này là những trang ký được tập hợp trong Lên PhanSiPăng. Năm chục bài ký đánh dấu kết quả của việc đi, quan sát, ngẫm ngợi và viết.

Hoàng Thế Sinh - tác giả của Lên PhanSiPăng
Hoàng Thế Sinh - tác giả của Lên PhanSiPăng

Anh viết một cách hăm hở, ào ạt, trực cảm và đầy trách nhiệm công dân trước mỗi tác phẩm, với những phát hiện đầy nhạy cảm trước cuộc sống. Cứ điểm tên từng bài ký được sắp xếp theo trình tự thời gian đủ thấy mối quan tâm của người viết tới mọi lĩnh vực xã hội.

Với lợi thế của một nhà báo mẫn cảm, cùng với lối tư duy sâu sắc của nhà văn đã tạo nên những trang sách có sức lôi cuốn. Cái đáng chú ý không phải thuần tuý ở đề tài, mà là ở thân phận và tâm thế của những con người đã thấy, những sự việc thật, từng hiện diện trong xã hội.

Ta gặp trong các bài ký những vùng quê còn lắm nhọc nhằn, những nhân vật có tên tuổi có địa chỉ, những sự việc cả hay cả dở từng diễn ra đâu đó. Tất cả những điều ấy được tác giả tái hiện với thái độ cảm thông sâu xa, chân tình và đầy lòng yêu thương của người cầm bút có tâm trước sự vận động không ngừng của đời sống con người.

Thế Sinh đã lần lượt cho ta được thấy những cảnh huống, để ta cùng vui cùng buồn trước những sự thể nếu không được ghi lại sẽ rơi vào quên lãng. Có những bài ký tưởng như độ lùi thời gian đã xa, không còn tính thời sự, nhưng đọc lại vẫn gợi cho ta cảm quan về quá khứ, đánh thức ký ức, để ta được kiểm nghiệm, so sánh, để thấy xã hội được chuyển động thật lớn lao. Đó là đóng góp đáng kể của một nhà văn xông xáo, nhập thế và luôn trân trọng cuộc sống, gắn bó với đời sống.

Đặt tên cho tập sách cũng là dụng công của tác giả. Như thể đặt tên cho đứa con với bao điều kỳ vọng. Lên PhanSiPăng là tên của bài ký khá ấn tượng được báo Văn Nghệ và một số toà báo sử dụng, được lấy làm tên chung của tập ký.

Cái thú vị là không nhiều người, nhất là nhà văn, đã lên được đỉnh PhanSiPăng cao 3143 mét, được ví là nóc nhà của Tổ quốc! Có thể đó cũng là ý tưởng chinh phục đỉnh cao mà người làm văn chương mong muốn? Đó còn là sự tự nhắc nhở trên con đường lao động nghiệt ngã của nghề văn. Đã có những bài ký được bạn đọc nhắc tới như biểu trưng của tác giả, đó là hạnh phúc của người viết. Thế Sinh đã có những bài ký như vậy.

Có thể nói rằng, thế mạnh trong ký của Thế Sinh là chất thơ. Nói cách khác, Thế Sinh là sự phân thân của thơ trong ký. Dễ dàng thấy chất trữ tình trong các trang ký Thế Sinh thể hiện. Một trong những đặc trưng tiêu biểu của thể ký là cái thật được phản ánh trung thực. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở cái thật trần trụi mà thiếu cảm quan thẩm mỹ thì khó lòng hấp dẫn người đọc.

Trong các trang ký của mình, Thế Sinh đã triệt để tôn trọng thủ pháp cấu trúc trong bố cục, trong ngôn ngữ nghệ thuật. Trong sáng tác văn học nói chung và trong thể ký nói riêng, sao nhãng yếu tố này coi như khiếm khuyết khó lòng cứu vãn. Vấn đề cốt yếu là làm sao tiết chế liều lượng để làm nổi bật tính trung thực trong mỗi tác phẩm.

Đối với truyện ngắn và tiểu thuyết còn có thể trông cậy ở tính hư cấu, mặc sức cho tưởng tượng. Còn ở thể ký, hiện thực trói buộc, chỉ có bố cục và ngôn ngữ là vũ khí đắc dụng. Thế Sinh đã có những trang viết linh hoạt, khai thác khá tốt thế mạnh đặc thù này.

Có thể thấy rất rõ các bài ký của Thế Sinh đã cung cấp cho người đọc một số vốn tư liệu quý giá trên nhiều lĩnh vực. Thế Sinh đã bỏ ra nhiều công phu tra cứu, ghi chép những tài liệu liên quan tới từng vấn đề được đề cập trong một số bài ký. Đó là cách làm kỹ lưỡng, thể hiện tác phong lao động nghiêm cẩn, biết trọng người đọc.

Tác giả kể về bao tên người tên đất với tấm lòng ưu ái nhiệt thành. Ngòi bút tác giả đã tung tẩy trên nhiều ngả đường, nhiều sự kiện. Những người những việc ngay trên quê hương Yên Bái và cả những người những việc ở vùng quê khác.

Nổi bật trong các ghi chép, những bút ký là sự cổ xuý cho người lao động. Hình ảnh người nông dân, người công nhân bất kể là làm công việc gì cũng là những hình ảnh đẹp. Hình ảnh những người dân tộc trên những vùng núi cao khốn khó rất cần quan tâm bằng những giải pháp thiết thực.

Phải có tấm lòng trung thực mới có những trang viết trung thực. Tôi nhớ có lần cùng Thế Sinh từ Hà Nội về Yên Bái, gần Sơn Tây thì dừng lại vào quán ăn cơm chiều, trả tiền xong lên xe đi chừng gần chục cây số bỗng Thế Sinh bảo: “ Này, lúc nãy mình trả thiếu cả trăm ngàn!”. Thế Sinh nhất quyết bảo lái xe quay lại trả tiếp cho quán. Chủ quán cảm ơn lắm. Là do họ tính thiếu chứ không phải do khách.

Thế Sinh bảo rằng họ cũng lo kiếm sống, mất trăm ngàn là mất cả ngày công của họ. Nhắc kỷ niệm này cũng là nói tới sự trung thực. Nếu không có đức tính trung thực trong đời sống thì những trang viết của mình ai tin!

Đã xuất bản bộ ba tiểu thuyết Bụi hồ - Xứ mưa - Rừng thiêng, tập truyện ngắn Luật của rừng, Hoang thủy, Tài tử bờm, tập ký Khát vọng từ đất, tập thơ Như xửa xưa,... cùng các tập sách khác. Giờ lại tiếp tập ký Lên PhanSiPhăng, Hoàng Thế Sinh càng khẳng định bút lực lao động của người cầm bút.

Không có điều gì hoàn toàn mỹ mãn. Tập ký của Hoàng Thế Sinh cũng vậy. Chắc chắn tác giả ý thức được điều này. Có những đoạn quá say sưa với trang viết, Thế Sinh có hơi làm dáng một chút trong ngôn ngữ thì cũng là điều người đọc sẵn lòng thể tất. Điều đáng nói ở đây là thái độ sống chân thành và nhiệt tâm của tác giả.

Vậy xin hãy đọc  Lên PhanSiPhăng. Những bài ký đó mới thực sự nói được những điều tác giả muốn gửi gắm đến độc giả.

Ngọc Bái

Các tin khác
Tổng tập nghìn năm Văn hiến Thăng Long

Trong số 89 tác phẩm có 48 tác phẩm Sách hay, 41 tác phẩm Sách đẹp sẽ được Hội đồng chung khảo giải thưởng Sách Việt Nam 2008 xem xét trong phiên họp bỏ phiếu kín diễn ra vào cuối tháng 10/2008 Chiều 7/10 tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam công bố kết quả vòng sơ khảo giải thưởng Sách Việt Nam năm 2008. Giải thưởng được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ năm 2005.

YBĐT - Từ xa xưa, dân tộc Tày ở vùng Yên Bình, Lục Yên (Yên Bái), Hàm Yên (Tuyên Quang) trong dịp đón xuân mừng năm mới thường đón các ông thầy Pựt về làm kỳ yên giải hạn. Đêm "biểu diễn", ông Pựt được rất nhiều người chú ý lắng nghe.

Ngày 6-10, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gửi công văn cho Công ty Elite chấp thuận danh sách đề cử 3 người đẹp Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam là Hoa hậu Thùy Lâm, Á hậu 1 Hoàng Yến và Á hậu 2 Thiên Lý tham dự Miss World 2008.

Tối 6-10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội phối hợp 20 tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức Ngày hội giao lưu bản sắc văn hóa các vùng, miền toàn quốc hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục