Hình ảnh trên cả hai mẫu tem đều được chọn từ bức tranh nổi tiếng trong bộ tranh "Em bé chăn trâu" của làng tranh dân gian Ðông Hồ. Mẫu MS 1576, giá mặt 3 đồng có nền mầu hồng, mẫu kia có giá mặt 5 đồng nền mầu cam. Nguyên bản của bộ tranh dân gian này có hai bức: "Chăn trâu, thổi sáo" và "Chăn trâu, thả diều". Trên tem là bức tranh "Chăn trâu, thổi sáo", ta thấy được hình ảnh một đứa trẻ mục đồng đầu trần để chỏm tóc đang ngồi trên lưng trâu nâng sáo thổi vi vu.
Họa sĩ thiết kế tem chỉ mượn hình ảnh để đưa lên cho thích hợp với năm Sửu, nên chữ viết trên tranh được nhấn mạnh là "Tết Ất Sửu" trong các vòng tròn, thay thế cho hàng chữ của tranh nguyên bản là "Diệp cái hà thanh thanh" (tạm hiểu: một chiếc lá sen che trời xanh), cũng có bản khác đề dòng chữ "Thiên thanh lộng địch suy" (trời xanh trong tiếng sáo). Trong khi đó, trên nguyên bản bức "Chăn trâu, thả diều" cùng bộ tranh dân gian này, thì dòng chữ đối lại được đề là "Nhất tượng phước lộc điền" (có thể hiểu: một hình tượng cho niềm hạnh phúc của trần thế, vì chữ "tượng" không thể dịch là con trâu hay con voi được).
Vì vậy, bộ tem "Tết Ất Sửu" tuy chất liệu và kỹ thuật in không được tốt, vì khi ấy đất nước ta đang còn khó khăn gian khổ, nhưng có lẽ chú trâu trong tranh cũng rất hãnh diện vì đó là lần đầu tiên "gia tộc" trâu xuất hiện trên "tem Tết Việt Nam", mà là Tết của năm cầm tinh con trâu. Và, người chơi tem cũng phải "xuề xòa" mà chấp nhận đón nhận bộ tem này, đưa vào an-bum sưu tập của mình một cách trân trọng.
Bộ tem chào đón Tết Nguyên đán năm Sửu thứ hai của nước ta là bộ tem "Tết Ðinh Sửu", gồm hai mẫu cùng KK 37x37 được phát hành vào ngày 8-1-1997. Mẫu mang MS 2811, giá mặt 400 đồng, đưa hình bóng hai mẹ con "trâu cái và nghé" trên một nền mầu hồng cánh sen sậm. Cả trâu mẹ và nghé con đều được phớt qua mầu hồng thật nhạt, và trên thân của chúng được điểm các hoa văn uyển chuyển mềm mại "xanh đỏ tím vàng" thật vui mắt. Riêng mẫu MS 2812, giá mặt 8.000 đồng lại dành riêng cho hình ảnh của một chú "trâu đực" toàn thân mang mầu tím than, nổi bật trên nền mầu xanh lục đậm, hai mầu rất tương phản (chỏi), chủ tâm muốn tôn vẻ đẹp khỏe khoắn và kềnh càng của một chàng trâu (trong ảnh) cũng được trang điểm thêm trên đầu và thân những hoa văn như "xoáy trâu" mầu mè điệu đàng, trông rất đỏm dáng.
Ðây là bộ tem đẹp, do họa sĩ Võ Lương Nhi thiết kế, vì vậy mẫu tem "trâu đực" còn "sống" tìm mua rất khó, càng khó hơn khi tìm nó trên "bì thư thực gửi". Về phong cách của Tem Tết Việt Nam, người am hiểu hội họa có thể chia dòng tem này ra thành bốn phong cách rõ rệt: dựa theo nguyên bản tranh dân gian, tranh dân gian cách điệu - phóng tác, tranh xé giấy, và tranh cắt trổ giấy. Bộ tem "Tết Ất Sửu" này đã theo phong cách "tranh xé giấy" tạo nên sự lạ lẫm, tuy hiện đại, sang trọng mà không làm mất đi sự thân quen gần gũi, vẻ dân dã quê mùa.
Tết Kỷ Sửu 2009 đã đến, vào ngày 1-12-2008 bộ tem đón mừng năm mới cầm tinh con trâu lần thứ ba, gồm hai mẫu tem đẹp vuông vắn đã được Bưu chính nước ta phát hành. Ðặc biệt lần này, cùng với hai mẫu tem, còn có phát hành kèm theo một bloc tem lớn, như để tăng thêm phần trân trọng đối với loài gia súc hữu ích và gắn bó gần gũi từ mấy ngàn năm trước với đất nước nông nghiệp Việt Nam.
(Theo Nhân Dân)