Chọn 1.000 ca khúc cho 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/3/2010 | 2:35:33 PM

Đầu năm Canh Dần, trong một cuộc "giao ban" của giới nhạc sĩ Hà Nội, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha có trình một tập bản thảo dày gần 2.000 trang, trong đó có 1.000 ca khúc của trên 500 tác giả.

Nhạc sĩ Phạm Duy (bên trái) và nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.
Nhạc sĩ Phạm Duy (bên trái) và nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.

Một ấn phẩm chưa có tiền lệ về độ dày... Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông.

Thưa ông, xuất phát từ đâu mà ông lại có ý tưởng làm một tập sách tốn nhiều công sức đến như vậy?

- Thực ra, ý tưởng làm cuốn sách ca khúc về Hà Nội đã được nêu ra từ khá lâu, nhiều nhạc sĩ cũng đã có suy nghĩ như tôi. Nhưng từ ý tưởng đến thực hiện là cả một vấn đề. Cho đến khi gặp NXB Âm nhạc thì tôi thấy quyết tâm của mình trở nên rõ hơn. Trước đây đã từng làm cuốn sách “1.000 tình ca Việt Nam” cho Cty Sao Mai nhưng làm “Tình ca Việt Nam” thì dễ hơn nhiều.

Và ông đã âm thầm thực hiện?

- Ban đầu, tôi và GS Dương Viết Á đã bàn bạc, GS cho rằng cuốn sách nên được chia ra, chẳng hạn là 4 phần: Sử ca, hùng ca, hoan ca, tình ca. Tôi thì thấy phải có thêm nhi ca mới công bằng, như thế thì mới ngũ hành, tương sinh. Nhưng tôi thấy phải có thêm mùa ca mới hợp lý. Không ít người đặc biệt thích viết về mùa, có cảm hứng từ mùa rất mãnh liệt... Vậy là không còn ngũ hành nữa, tôi tư duy theo cách lục khố (6 kho) gồm: Sử ca, hùng ca, hoan ca, tình ca, mùa ca, nhi ca.

Nhưng chọn lựa ca khúc vào 6 cái kho này, cái phần thời gian phải từ đầu thời kỳ tân nhạc (hơn 70 năm). Tôi ưu tiên các cụ thời tiền chiến, cảm hứng và viết tại Hà Nội, ví dụ như những ông Đức Quỳnh phổ thơ Nguyễn Bính, “Thoi tơ” chẳng hạn, không phải là một vùng tơ Hà Nội mà không gian âm nhạc rất Hà Nội. Phần sau, tôi chọn các ca khúc có tâm trạng Hà Nội.

Chẳng hạn, Hoàng Việt là người viết tại Hà Nội, hoặc một  bài hát được viết từ người rời Hà Nội ra đi. Tôi có quan niệm Hà Nội là thủ đô của cả nước, của mọi người, thì mọi người đều muốn thấy Hà Nội của họ trong âm nhạc theo ý họ. Ví như Phạm Duy viết “Phố buồn”, hay Lưu Cầu viết “Quê tôi”, chẳng có một từ Hà Nội nào, nhưng nó mang tình cảm Hà Nội, dư âm  Hà Nội: “Chiều nay bên bờ hồ Tây tôi cất tiếng ca, mặt hồ êm đềm bao la...”.

Sòng phẳng hơn về mặt âm nhạc, nếu tinh tuyển thì tôi đã làm 100 bài tinh tuyển cho âm nhạc Hà Nội, nhưng ở đây biên độ, bức tranh toàn cảnh về Hà Nội phải đầy đặn, rộng khắp mới bình đẳng trong tình yêu của mọi tác giả cũng như của người thưởng thức... Tôi quan tâm đến phần nhi ca, nhiều ca khúc rất mang âm hưởng Hà Nội. “Bé bé bằng bông” chẳng hạn,  làm sao ngoài Hà Nội mà có được một dữ kiện thời sự bằng âm nhạc như thế được?

Thanh lịch, sang trọng và mùa thu là những đặc trưng Hà Nội, và còn nhiều những tiêu chí khác cực kỳ thú vị đã tạo ra cho tôi một say mê để dấn thân vào công việc này. Quá trình làm việc, phát hiện, thích thú càng lôi cuốn tôi ngày lại hăng say hơn. Thời gian chống Mỹ ở Hà Nội có rất ít tình ca được biết đến, nhưng tôi cho rằng do thời điểm lịch sử, nó chưa được phổ biến thì giờ đây nó phải được trả về đúng vị trí.

Trong giới chuyên môn cũng như bạn đọc đều biết Nguyễn Thụy Kha như một từ điển sống về âm nhạc VN, đủ để bình giá các tác phẩm âm nhạc, nhưng bản thân ông, có chủ quan không khi một mình tuyển chọn để làm một bộ sách đồ sộ ở một thời điểm đặc biệt như thế này?

- Tôi rằng đã làm hết mọi lẽ trong một sự công tâm và nhiệt tình. Tuy nhiên, tôi cũng biết có những tác phẩm đã được phổ biến đâu đó qua truyền thông, nhưng cho tới thời điểm này thì những văn bản đó chưa ở trong tay tôi. Tôi đã cố gắng hết mức để bức tranh toàn cảnh không có thiếu sót, nhưng cũng không thể tự tiện đưa vào được, biết đâu tác giả của nó sáng tác với những nhu cầu nào đó riêng tư hoặc đã dành cho chủ thể nào đó mà tôi không liên hệ được. 

Như vậy, có thể nói mọi tác phẩm đưa vào ấn phẩm này ông đều đã có được sự cho phép về tác quyền?

- Những gì tôi có trong tay hoặc là từ NXB trước đó ấn hành, còn với tập ca khúc này, NXB Âm nhạc cấp phép thì họ có trách nhiệm với tác giả, ngoài ra tôi cũng trực tiếp xin phép tác giả. Rất nhiều người ủng hộ khi thấy ý tưởng này.

Có người đã nhận xét, hầu như những bài hát viết về Hà Nội đều hay. Một cuốn sách dày như thế, nội dung có vẻ đáp ứng được nhiều đối tượng như thế, nhưng như người ta vẫn nói, sách hay chưa chắc đã có người mua, ông sẽ làm thế nào để cuốn sách ra mắt kịp thời trong dịp kỷ niệm lớn này của thủ đô?

- Tôi thấy nó hay, nó cần, thì phải làm. Khi đã làm thì khó không được nản, càng khó càng phải ham làm hơn nữa. NXB Âm nhạc cũng động viên tôi rằng, VN và nhất là Hà Nội là xứ sở yêu âm nhạc, chắc rồi sẽ có những người, những doanh nghiệp sẽ mua nó để làm cẩm nang cho chính mình mỗi khi nhớ về Hà Nội và muốn cất lên tiếng hát, muốn biết được có bao nhiêu bài hát, bao nhiêu người đã viết những bài hát đó về Hà Nội cho nỗi nhớ của mình.

- Cảm ơn ông! Chúc cuốn sách sớm ra mắt người yêu nhạc và yêu Thăng Long - Hà Nội.

(Theo Lao Động)

Các tin khác

Niên giám Kỷ lục Việt Nam 2009 do NXB Thông Tấn và Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam ấn hành vừa ra mắt độc giả.

Alec Baldwin (đứng) và danh hài Steve Martin.

Sự kiện giải trí được trông chờ nhất trong năm - lễ trao giải Oscar lần thứ 82 năm 2010 - sẽ diễn ra vào chủ nhật (7-3), tại Nhà hát Kodak, Los Angeles.

Bộ VH,TT&DL vừa ban hành Chỉ thị số 20/CT-BVHTTDL về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo (QC). Chỉ thị nêu rõ: Công tác quản lý nhà nước về hoạt động QC hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội.

YBĐT - Lửa luôn gần gũi, gắn bó không thể tách rời trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, trong quan niệm của con người trên khắp hành tinh này từ xa xưa luôn coi lửa có một sức mạnh vô địch và linh thiêng của đấng siêu nhiên nên người ta còn coi lửa là một vị thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục