Bốn tiên núi Hoàng Liên
- Cập nhật: Thứ tư, 17/3/2010 | 9:18:45 AM
YBĐT - Đó là tên cuốn sách mới nhất - cuốn sách in riêng thứ 24 của nhà văn Hoàng Việt Quân - một người đã gắn bó và có rất nhiều tâm huyết với hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác văn học nghệ thuật.
|
Bốn tiên núi Hoàng Liên như một sự tri ân đối với bốn tác giả tiêu biểu: Doãn Thanh, Minh Khương, Đinh Sơn, Hoàng Hạc. Gọi họ là “tiên núi” không chỉ vì họ đã khuất núi, mà còn là ghi nhận công lao của họ trong suốt quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ cứu nước cùng những đóng góp của họ trong công tác sưu tầm, dịch thuật, nghiên cứu văn hoá văn nghệ dân gian các dân tộc ở vùng Tây Bắc nói chung và hai tỉnh Yên Bái, Lào Cai nói riêng. Trong đó, có người còn vươn lên sáng tác văn học trên cơ sở tiếp thu, phát triển bản sắc văn hoá dân tộc, trở thành nhà văn, nhà thơ thời hiện đại.
Qua Bốn tiên núi Hoàng Liên, người đọc được giới thiệu một cách đầy đủ, chi tiết về cuộc đời, sự nghiệp và những tác phẩm nổi bật của bốn vị tiên núi:
Đó là Doãn Thanh, người dân tộc Tày, mà theo Hoàng Việt Quân, là một nhà sưu tầm văn học dân gian có tài và nổi tiếng. Tài vì ông là người đầu tiên biên soạn bộ sách chữ Mông, có nhiều công trình sưu tầm - biên soạn được xuất bản thành sách có giá trị và nhiều công trình chưa được công bố. Nổi tiếng vì không chỉ ở trong nước biết đến ông mà từ cách đây gần bốn mươi năm - tháng 9 năm 1973, một tờ báo của ta phát hành ở Pháp đã giới thiệu về ông, gọi ông là “ông Tiên”.
Trong Bốn tiên núi Hoàng Liên, Hoàng Việt Quân đã dành một dung lượng khá lớn giới thiệu về Doãn Thanh, với gần 160 trang sách và hai bài viết “Ông tiên núi Doãn Thanh” (giới thiệu chân dung) và “Lần theo những bài hát sắp hết lại không hết” (giới thiệu, phân tích về tập Dân ca Mông với 5 loại tiếng hát theo đề tài của người Mông: tiếng hát tình yêu, tiếng hát cưới xin, tiếng hát làm dâu, tiếng hát mồ côi, tiếng hát cúng ma).
Đó là Minh Khương, người dân tộc Kinh nhưng lại được mệnh danh là một cây văn hoá Mông, người mà cả cuộc đời gắn bó với đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào Mông trên núi cao. Minh Khương say mê sưu tầm văn hoá và dịch, giới thiệu khá nhiều tác phẩm văn nghệ dân gian của đồng bào Mông, Thái.
Qua Bốn tiên núi Hoàng Liên và những bài viết chứa chan tình cảm, trân trọng của Hoàng Việt Quân (như: Minh Khương, cây văn hoá Mông; Tiếc thương người hiền Minh Khương; Hoa chàm nở trên vùng cao Tây Bắc; Mặt trời kết hoa mây trên vùng cao Trạm Tấu; Cảm nhận từ “Nàng Nu”), người đọc đã có một hình dung khá toàn diện, đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp đáng quý của Minh Khương - một nhà văn hoá dân gian Việt Nam.
Đó là Đinh Sơn, dân tộc Mường, nhà thơ của núi rừng Tây Bắc, một trong số những người dân tộc thiểu số đầu tiên trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Gọi Đinh Sơn là nhà thơ của núi rừng Tây Bắc vì ông đã sáng tác thơ từ trước năm 1945 và có một thời gian rất dài gắn bó với Tây Bắc. Với tấm lòng chân thành của mình, Đinh Sơn viết thơ bằng chữ Việt và tiếng Mường để phục vụ kháng chiến, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng trong từng thời kỳ; sử dụng thơ làm công cụ tuyên truyền kháng chiến, kêu gọi nhân dân đấu tranh, nhiệt thành ca ngợi, cổ vũ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Khu tự trị Tây Bắc và tỉnh Nghĩa Lộ, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Đó là Hoàng Hạc, dân tộc Tày - một người lao động nghệ thuật cần cù trên nhiều lĩnh vực. Hoàng Hạc viết kịch bằng tiếng Tày; dịch rất nhiều thơ, ca dao, tục ngữ Tày; sưu tầm các điệu múa dân tộc Tày, Dao, Cao Lan…; có nhiều truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích và còn là nhà văn chuyên viết truyện, ký. Nhắc đến Hoàng Hạc không thể không nhắc đến trường ca Khảm hải (Vượt biển) - truyện thơ dân gian Tày - Nùng được sử dụng như một văn tế cầu phúc do thầy cúng vừa đọc vừa hát theo một làn điệu buồn thương da diết trong các đêm đẹp trời ở các vùng quê Việt Bắc và rải rác đây đó ở cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng ở vùng Tây Bắc - một trường ca có tiếng vang trong nước và thế giới; được nhà thơ Chế Lan Viên dịch giới thiệu sang Matxcơva, Pari được đưa vào chương trình giảng dạy văn học phổ trung học toàn quốc từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Cũng trong Bốn tiên núi Hoàng Liên, Hoàng Việt Quân đã dành khá nhiều tâm huyết trong bài viết “Từ trong sâu thẳm lời ca Khảm hải” để giới thiệu về trường ca này.
Khép lại những trang sách của Bốn tiên núi Hoàng Liên, bên cạnh niềm cảm xúc đầy trân trọng về bốn tên tuổi đáng tự hào: Doãn Thanh, Minh Khương, Đinh Sơn, Hoàng Hạc, người đọc thầm cảm ơn nhà văn Hoàng Việt Quân - người đã cần mẫn, chăm chỉ, dày công sưu tầm, tập hợp và viết về họ. Nằm ở một ví trí khiêm nhường phía cuối cùng của cuốn sách là phần tự khai của tác giả Hoàng Việt Quân. 24 tập sách in riêng và các tác phẩm được in chung trong 40 tập sách đã đủ để nói lên một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, như một “kỳ tích” mà hiếm có tác giả Yên Bái nào vượt qua về số lượng.
Tôi vẫn nhớ, trong một lần nói chuyện, Hoàng Việt Quân bảo: “Khi nào tớ in riêng tập sách thứ 25, tớ sẽ lấy vợ”. Không ai muốn đề cập quá sâu đến đời tư người khác, nhưng với riêng Hoàng Việt Quân thì đó cũng là điều mà nhiều người quý mến anh vẫn thường quan tâm và mong đợi.
Hồng Thanh Tâm
Các tin khác
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010 sẽ được tổ chức ở cấp quốc gia, trong thời gian 10 ngày, bắt đầu từ 14.4 đến 23.4 (1-10 tháng ba âm lịch) tại Phú Thọ và không quá 2 ngày tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sau rất nhiều rắc rối về việc tổ chức cũng như địa điểm đăng cai cuộc thi Hoa hậu thế giới (HHTG) 2010, ngày 16-3, trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ VH-TT&DL ông Vương Duy Biên, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã thông báo, Cục vừa có văn bản không đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới năm 2010 tại Việt Nam.
Các hoa văn trên mặt, thân của 100 chiếc trống đồng được các nghệ nhân thể hiện trên cơ sở phiên bản của trống đồng: Ngọc Lũ, Quảng Xương, Hoàng Hạ và Sông Đà.
YBĐT - Theo phong tục của người Dao thì dù xa hay gần, khi sang đến nhà trai, đoàn nhà gái cũng phải nghỉ lại ở đâu đó rồi đến giờ hoàng đạo (thường là vào khoảng 5h – 6h chiều) thì cô dâu mới được lên nhà trai.