Nỗi niềm những cây khèn

  • Cập nhật: Thứ bảy, 27/3/2010 | 10:37:44 AM

YBĐT - Các dân tộc ít người ở Yên Bái đều sử dụng một số loại khèn trong sinh hoạt văn hoá văn nghệ, trong hoạt động nghi lễ tâm linh tín ngưỡng. Tuy nhiên, có 3 loại khèn có thể xếp vào loại những nhạc cụ khá độc đáo và gắn với bản sắc truyền thống văn hoá tộc người từ rất xa xưa.

Cây khèn ma nhí này được làm bằng gỗ là đạo cụ biểu diễn văn hóa dân gian của người Xa Phó (huyện Văn Yên).
Cây khèn ma nhí này được làm bằng gỗ là đạo cụ biểu diễn văn hóa dân gian của người Xa Phó (huyện Văn Yên).

Đó là: khèn Mông của dân tộc Mông (tiếng Mông gọi là kệnh); khèn bè  của dân tộc Thái (gọi là pí bè) và khèn bầu (khèn ma nhí, của người Xa Phó).

Sự độc đáo của mỗi loại khèn này được thể hiện ngay ở hình dáng nhạc cụ, kỹ thuật chế tác, âm thanh và đặc biệt, nó là thứ nhạc cụ mang tính chủ đạo của tộc người nhưng chỉ phù hợp trực tiếp đối với sinh hoạt văn hoá của chính tộc người đó, chứ không như các loại: sáo, nhị, đàn bầu, trống... có thể sử dụng rộng rãi ở nhiều tộc người. Dẫu vậy, những cây khèn độc đáo nêu trên đang đứng trước nguy cơ thất truyền cả về kỹ thuật chế tác và sử dụng trong sinh hoạt văn hoá các tộc người là chủ nhân của những cây khèn đó.

Ông Giàng A Su-nghệ nhân văn hoá dân gian dân tộc Mông ở huyện Trạm Tấu cho biết: những người biết cách làm khèn Mông ở Trạm Tấu đang ngày một hiếm dần và đều đã cao tuổi. Họ cũng không chú ý đến việc truyền dạy cách chế tác cho con cháu, vì cảm thấy hình như lớp trẻ trong cộng đồng người Mông không còn sự say mê nhạc cụ này.

Hiện tại, giới trẻ là người Mông  ở Trạm Tấu chỉ có duy nhất Mùa Nhà Lồng, 35 tuổi ở xã Bản Mù (gọi ông Su là cậu ruột), được ông Su truyền dạy cho kỹ thuật chế tác khèn Mông. Mùa Nhà Lồng trước đây xuống chợ huyện làm khèn Mông bán cho khách du lịch và người Mông trong huyện, nhưng vì làm ở chỗ đông người mất rất nhiều thời gian trò chuyện với khách nên khèn làm không đủ bán. Vậy là, Mùa Nhà Lồng phải trở về nhà ở xã Bản Mù để “nuôi nghề”.

Tương lai cây pí bè (khèn bè) của người Thái cũng chẳng có gì sáng sủa hơn. Ông Lò Văn Biến, dân tộc Thái ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) cho biết: người biết làm pí bè trong cộng đồng người Thái ở Yên Bái cũng còn nhiều nhưng cũng  là lớp người đã cao tuổi và họ cũng rất ít làm.

Điều lo ngại hơn là những người còn làm được pí bè nhìn chung kỹ thuật chế tác hạn chế nên làm pí bè không đẹp và độ chuẩn âm không cao. Lớp trẻ bây giờ cũng không có nhiều người biết thổi pí bè. Mường Lò trước đây có ông Lò Văn Tiên ở bản Viềng Công, xã Hạnh Sơn (Văn Chấn) có kỹ thuật chế tác pí bè vào loại bậc nhất Tây Bắc, nhưng ông Lò Văn Tiên đã mất cách đây 5 năm. Ông có truyền dạy kỹ thuật chế tác cho con trai là Lò Văn Ngọc, năm nay đã 56 tuổi nhưng những cây pí bè do ông Ngọc chế tác xem ra vẫn chưa thể khẳng định là đã kế thừa được hoàn toàn tay nghề của bố.

Đối với cây khèn ma nhí của người Xa Phó, có lẽ số phận ảm đạm hơn tất cả. Bà Đặng Thị Thanh-một nghệ nhân văn hoá dân gian người Xa Phó (xã Châu Quế Thượng – Văn Yên) cho biết: cộng đồng người Xa Phó ở Yên Bái có 276 hộ, vài nghìn nhân khẩu và đều sống ở xã Châu Quế Thượng. Tuy nhiên, người duy nhất làm được khèn ma nhí là ông Đặng Tiến Thanh cũng đã mất được 3 năm.

Nhưng nếu có ai đó còn làm được khèn ma nhí thì một loại vật liệu quan trọng để làm khèn là vỏ quả bầu chỉ to gần bằng nắm tay cũng không có ai trồng nữa. Người biết thổi khèn ma nhí giờ đây cũng ít và nguy cơ khèn ma nhí thất truyền chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

Trước thực trạng trên, đã đến lúc các cấp, ngành chức năng liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về văn hoá cần có giải pháp để bảo tồn loại nhạc cụ độc đáo này. Trước mắt, cần tăng cường xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở; đánh thức tinh thần tự hào của tộc người là chủ nhân các loại khèn nêu trên để họ tích cực và tự giác bảo tồn di sản văn hoá vật thể của dân tộc mình; đầu tư nghiên cứu, đánh giá thực trạng tồn tại, phát triển của các loại khèn nói trên và các nhạc cụ dân tộc nói chung...để hình thành các giải pháp bảo tồn và phát triển theo phương diện quản lý Nhà nước về văn hoá.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

Sự háo hức, chờ đợi của hàng vạn người dân Đà Nẵng và du khách thập phương sẽ được thỏa mãn vào lúc 20 giờ 35 tối nay, khi những quả pháo hoa đầu tiên của đội Tây Ban Nha tỏa sáng, khoe sắc trên bầu trời Đà Nẵng.

Chiều 25-3, Công ty Kỷ lục Việt Nam Vietkings thuộc Tập đoàn Vietbooks chính thức giới thiệu ra mắt bộ lịch bloc khổng lồ (ảnh) nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội do Công ty TNHH An Hảo và Vietbooks hợp tác thiết kế thực hiện.

Giáo sư Bernhard Wulff

Liên hoan âm nhạc bộ gõ quốc tế (được gọi là Cracking bamboo) sẽ diễn ra vào hai đêm 26 và 27-3 tại Nhà hát lớn Hà Nội, trước khi các nghệ sĩ sang Indonesia biểu diễn rồi quay lại TP.HCM ngày 3-4.

Mai Khôi xuất hiện trở lại sân khấu BHV với ca khúc

Sau gala đặc biệt kỷ niệm hành trình 5 năm của BHV, liveshow đầu tiên trong năm thứ 6 sẽ chính thức khai màn vào ngày 28/3 với 10 ca khúc mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục