Gặp tác giả tượng đài Chiến thắng Nghĩa Lộ
- Cập nhật: Thứ tư, 9/6/2010 | 2:40:59 PM
YBĐT - Đã bao lần tôi đứng ngắm tượng đài Chiến thắng Nghĩa Lộ (Yên Bái) trang nghiêm, lồng lộng, in trên nền trời xanh thắm. Tượng đài đặt trên một ngọn đồi cao trong Khu di tích Căng Đồn Nghĩa Lộ. (Di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1996 ) lòng thầm cảm phục tài năng của tác giả.
|
Tượng đài hiện đại nhưng thấm đẫm chất văn hóa Tây Bắc, phản ánh được tầm quan trọng của chiến thắng Nghĩa Lộ năm 1952, cùng hai bức phù điêu hai bên đã ghi lại đậm nét truyền thống cách mạng, khí phách hào hùng của lực lượng vũ trang, tinh thần quật khởi giành tự do của nhân dân các dân tộc trong vùng. Tượng đài như một biểu tượng của tinh thần đoàn kết quân dân, đoàn kết giữa các dân tộc Tây Bắc, ca ngợi sức sống của quân và dân ngân lên bất diệt giữa đất trời Tây Bắc. Nơi đây vinh danh chiến công lừng lẫy của con người và vang mãi khát vọng tự do muôn thuở… Sau này tôi được biết tác giả tượng đài Chiến thắng này là họa sĩ Lê Đình Quỳ, một họa sĩ nổi tiếng với nhiều tượng đài về đề tài chiến tranh và cách mạng.
Duyên may, mới đây tôi được gặp họa sĩ Lê Đình Quỳ và có cuộc trò chuyện cùng ông. Hỏi cảm xúc chủ đạo của họa sỹ về tượng đài Chiến thắng Nghĩa Lộ, tác giả Lê Đình Quỳ bộc bạch: Lịch sử hào hùng của đất nước ta được tô đậm bằng máu của bao người con anh hùng, bất khuất. Bởi vậy tôi tự đặt ra cho mình, bằng hệ thống tượng đài, khắc họa hình tượng con người Việt Nam đã hy sinh vì Tổ quốc, góp phần ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Nếu không làm được điều đó tôi thấy như có lỗi với dân tộc, với đất nước.
Với tượng đài "Chiến thắng Nghĩa Lộ": tượng đài có ba nhân vật chính: anh bộ đội Cụ Hồ hai tay phất cao ngọn cờ chiến thắng, một anh du kích quân địa phương tay cầm con dao quắm và cô gái Thái đầu đội khăn piêu đang nâng bó lúa vàng, tôi gắng thể hiện sức mạnh tổng hòa của quân và dân các dân tộc Tây Bắc đã đoàn kết làm nên chiến thắng và phản ánh bản sắc văn hóa của Văn Chấn, Nghĩa Lộ, nơi có 16 dân tộc anh em cùng chung sống.
Tượng đài được đặt trên một đài cao hình trụ, như cột mốc son chói lọi, vững vàng trên đất mẹ quê hương. Tượng đài dựa lưng vững chãi vào ngọn núi phía xa, hướng xuống cách đồng Nghĩa Lộ, hai bên là hai bức phù điêu mô tả cuộc chiến đấu đầy hy sinh gian khổ nhưng vô cùng anh dũng của quân và dân trong chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ. Chiến thắng này đập tan một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ Tây Bắc của thực dân Pháp, giải phóng một vùng đất rộng lớn và khai thông con đường lên Điện Biên.
Trầm ngâm giây lát, trong đôi mắt của người hoạ sĩ đã ở tuổi 70 chợt ánh lên niềm vui: "ấn tượng của tôi lần đầu đến Nghĩa Lộ thật khó phai. Lòng chảo Mường Lò thật là trù phú, tươi đẹp, con người thuần hậu, mến khách. Sau khi được nghe giới thiệu về quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân Văn Chấn, Nghĩa Lộ, được dự tiệc rượu cần ngọt dịu và nồng say trong đêm xòe cùng các cô gái Thái, những con người chịu thương, chịu khó, giản dị chân chất đã làm cho tôi hiểu sức mạnh và khát vọng sống của người dân nơi đây, bao năm phải sống trong đau khổ dưới ách đô hộ của thực dân và lang tạo, đã quật khởi làm nên chiến thắng vẻ vang.
Ý tưởng hình thành, tôi bắt tay làm phác thảo. Tôi đã hình dung được cuộc chiến dữ dội và sự phối hợp nhịp nhàng giữa bộ đội chủ lực với dân quân du kích và đồng bào địa phương. Lúc ấy vũ khí thiếu và thô sơ, nhưng ý chí chiến đấu và chiến thắng vô cùng mạnh mẽ. "Nhất Thanh, nhì Lò…", Mường Lò là vựa lúa vàng lớn thứ nhì của vùng Tây Bắc, nên tôi đã xây dựng hình ảnh thiếu nữ Thái áo cỏm, khăn piêu ôm bó lúa vàng no ấm. Sau đó tượng đài được duyệt và xây dựng như hôm nay.
Tôi đã đi nhiều nơi, đã xây dựng nhiều tượng đài: tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường - Thanh Hóa, tượng đài Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi tại Hà Tây, tượng đài Không quân Việt Nam ở Sóc Sơn - Hà Nội, tượng đài ngã ba Đồng Lộc - Hà Tĩnh, tượng đài Thanh niên xung phong- Hàm Rồng - Thanh Hóa, tượng đài Bất khuất - Huế, tượng đài Anh hùng dân tộc Quang Trung - Huế, tượng đài Liệt sĩ - Lai Châu, tượng đài Khát vọng thống nhất - Hiền Lương - Quảng Trị, tượng đài Vĩnh Long chiến thắng- thành phố Vĩnh Long… nhưng Văn Chấn, Nghĩa Lộ để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên. Cảnh vật nơi rất đây hùng vĩ và nên thơ; con người giản dị, cần cù và dũng cảm. Bây giờ dù thời gian đã lâu, nhưng anh em của Yên Bái, của Văn Chấn, Nghĩa Lộ vẫn coi tôi như người nhà.
Họa sỹ Đình Quỳ thực sự vui biết rằng Khu di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ giờ đã được đầu tư tôn tạo khang trang, hàng năm đón nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu. Các trường học trong huyện cũng thường xuyên đưa học sinh lên đây thực hiện các chương trình ngoại khóa và kết nạp đội viên, đoàn viên... Điều đặc biệt là những năm gần đây, nhiều đám cưới của các bạn trẻ, cô dâu chú rể đã đến Khu di tích và tượng đài kính cẩn dâng hương, dâng hoa, chụp ảnh lưu niệm...
Chia tay họa sỹ Lê Đình Quỳ, tôi cứ tâm đắc mãi lời ông nói: "Khi giá trị tư tưởng, ý nghĩa nhân sinh của các tượng đài có đất sống trong lòng các thế hệ nhân dân sẽ trở thành các tượng đài bất diệt, bởi đó chính là tinh thần yêu nước, là khát vọng sống được nuôi dưỡng bằng mạch nguồn nhân dân".
Trần Vân Hạc
Các tin khác
YBĐT - Quê hương, ấy là những mái nhà ngói, nhà tranh thấp thoáng sau lũy tre làng, trước sân có hàng cau một đời đứng thẳng giơ nõn lên trời như giơ ngọn bút viết vào mây, sau nhà là xum xuê vườn quả bốn mùa thơm phức na, mít, ổi, hồng, thơm lừng chuối tiêu trứng cuốc cho chào mào, sáo sậu, chim chích, chim ri ríu rít đêm ngày.
Tâm điểm của ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra trong ngày 10/10/2010 là Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình. Theo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, toàn bộ chương trình tốt nhất là trong khoảng 100 phút, tối đa là 120 phút.
YBĐT - Chợ Yên Ninh thuộc phố Bách Lẫm, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, chợ còn được gọi là chợ Bến Đò, chợ Lò Vôi. Chợ nhỏ nằm lọt thỏm trong thành phố nhưng rất đông đúc người mua bán, sự chật trội lại tạo cảm giác khá đặc biệt.
YBĐT - Hai năm một lần, Hội diễn Nghệ thuật quần chúng CNVC-LĐ tỉnh Yên Bái được LĐLĐ tỉnh phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức. Hội diễn lần này diễn ra trong 6 ngày tại rạp Yên Ninh, phường Yên Thịnh (T.P Yên Bái) đã thu hút hơn 800 diễn viên đến từ 36 đơn vị, tham gia 204 tiết mục đặc sắc; công diễn vào tối 26/4 tại Quảng trường 19/8.