Chuẩn bị chu đáo, hứa hẹn hấp dẫn
- Cập nhật: Thứ năm, 20/1/2011 | 3:02:12 PM
YBĐT - Với nỗ lực của mỗi địa phương để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, chắc chắn Tết Nguyên đán 2011 này, người người, nhà nhà ở Yên Bái sẽ vui hơn.
Môn kéo co sẽ được nhiều nơi tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán này.
|
Ông Tạ Xuân Hiếu - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết, chỉ đạo tổ chức các hoạt động vui chơi trong dịp tết là việc làm thường xuyên của ngành. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 năm nay đặc biệt hơn bởi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vừa thành công tốt đẹp.
Với vai trò là đơn vị Thường trực Ban chỉ đạo các ngày lễ lớn của tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã sớm chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức vui tết đón xuân trình UBND tỉnh phê duyệt để kịp thời triển khai đến cơ sở.
Về phía cơ sở, ngoài việc thực hiện tốt chỉ đạo của cấp trên, các địa phương cũng đã có sự chủ động nhất định để chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai kế hoạch vui chơi dựa trên đặc thù, tình hình thực tế của mỗi địa phương. Chẳng hạn, ở huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải có phần lớn đồng bào Mông sinh sống nhưng lại ăn tết cổ truyền vào những thời điểm khác nhau, từ đầu tháng 1 cho đến tết Nguyên đán.
Vì vậy, tổ chức các hoạt động vui chơi cho bà con cũng đã được tiến hành ở nhiều nơi trong những ngày qua với các loại hình văn nghệ truyền thống như: hát giao duyên, thi múa khèn Mông cùng các trò chơi dân gian: đẩy gậy, ném pao, bắn nỏ...
Còn các địa phương vùng thấp ăn tết cùng một thời điểm nên mọi hoạt động vui chơi chủ yếu bắt đầu từ đêm 30 Tết với chương trình văn nghệ đón giao thừa và các hoạt động khác tiến hành từ mồng 2 Tết.
Địa bàn thành phố Yên Bái, với vị trí trung tâm tỉnh lỵ, các hoạt động trong đêm 30 Tết sẽ sôi động hơn cả. Tại khu vực Quảng trường 19 - 8, Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh đã được ngành giao triển khai các hoạt động vui chơi.
Ông Nguyễn Đức Hợp - Giám đốc Trung tâm cho biết, từ nhiều ngày qua, cán bộ Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch, tập duyệt chương trình văn nghệ, phân công cán bộ trực và chỉ đạo chuyên môn.
Giao thừa năm nào khu vực này cũng tập trung rất đông người đi chơi, chờ xem bắn pháo hoa nên Trung tâm tập trung xây dựng một chương trình văn nghệ đón giao thừa thật hấp dẫn, sau tết sẽ có một chương trình văn nghệ với chủ đề mừng Đảng, chào xuân mới và các hoạt động vui chơi khác bắt đầu từ mồng 2 Tết.
Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Yên Bái cũng là đơn vị chủ công trong các hoạt động vui xuân trên địa bàn. Bà Trần Thị Phương - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thành phố cho biết, lãnh đạo UBND thành phố chủ trương tăng cường các điểm vui chơi tại tất cả các xã, phường.
Năm nay, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhất là học sinh nghỉ 11 ngày, sinh viên nghỉ 17 ngày nên hoạt động vui chơi có thể kéo dài tới ngoài mồng 4 Tết. Phòng chỉ đạo các xã, phường chủ động tổ chức hoạt động vui xuân và giao nhiệm vụ cho Trung tâm Văn hóa - Thông tin thành phố tổ chức tốt các hoạt động văn nghệ, vui chơi tại khu vực Công viên Yên Hòa, vườn hoa Hồng Hà và khu vực trung tâm Km 5. Các trò chơi sẽ được tổ chức chủ yếu là các trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, chơi cờ tướng, cờ bỏi, tổ tôm, ném còn, kéo co...
Hội xuân vùng cao.
Ngay sau khi kết thúc chương trình vui chơi ngày tết, thành phố Yên Bái bước vào các hoạt động nằm trong Chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2011. Thành phố dự định sẽ tổ chức từ 5 - 7 điểm gắn với du lịch tâm linh tại đền Tuần Quán, chùa Bách Lẫm, chùa Am, đền Nam Cường... Trong các điểm du lịch này cũng sẽ gắn với một số hoạt động văn nghệ và vui chơi, trong đó có thi đua thuyền tại hồ Nam Cường.
Thị xã Nghĩa Lộ với vị trí trung tâm khu vực phía tây của tỉnh nên năm nào người dân vùng này cũng kéo về chơi tết rất đông. Thị xã xác định phải tổ chức tốt các hoạt động vui chơi trong ngày tết. Đặc biệt, năm nay là năm thứ hai Nghĩa Lộ được bắn pháo hoa đêm giao thừa nên công tác chuẩn bị cho đêm giao thừa thực hiện rất chu đáo. Huyện Yên Bình tổ chức chơi cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn, ten-nít ở trung tâm huyện từ ngày mồng 2 đến mồng 4 Tết.
Các xã, thị trấn tùy vào điều kiện thực tế của địa phương để lựa chọn các trò chơi dân gian kết hợp với trò chơi hiện đại. Khoảng mồng 6, mồng 7 Tết, huyện tổ chức lễ hội đền Khả Lĩnh và trên tuyến đông hồ sẽ có một số điểm tổ chức lễ hội "Lồng tồng". Trong các lễ hội này, huyện tiếp tục tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ và vui chơi cho nhân dân.
Riêng huyện Trấn Yên - một địa phương có những đột phá trong việc tổ chức vui tết cho nhân dân và quan tâm khai thác các trò chơi dân gian. Ông Nguyễn Trường Sơn - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết, trong những ngày tết, tại trung tâm các xã, thị trấn vẫn tổ chức các hoạt động văn nghệ, vui chơi như mọi năm cùng các trò chơi như: ném bóng nhựa, thảy bóng bàn vào chậu, bắn bóng bàn, ném vòng cổ chai...
Tại các điểm tổ chức lễ hội như: đình làng Dọc xã Việt Hồng, đền Hóa Cuông xã Hòa Cuông, đình Quy Mông xã Quy Mông, lễ hội xuống đồng xã Kiên Thành... huyện chú trọng tổ chức các trò chơi dân gian như: thi chạy cà kheo, chọi gà, ném vòng, cổ vịt, ném còn, chơi đu, đẩy gậy, bắn nỏ...
Với nỗ lực của mỗi địa phương để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, chắc chắn Tết Nguyên đán 2011 này, người người, nhà nhà sẽ vui hơn.
H.N
Các tin khác
Ngày 18/1, Ban Chỉ đạo và Ban Biên soạn đề án “Quốc hoa” Việt Nam cho biết, thống kê ý kiến người dân qua mạng Internet cho thấy, hoa Sen vẫn đang dẫn đầu với số phiếu bình chọn cao nhất.
YBĐT - Tết của đồng bào Xa Phó cũng giống như các dân tộc anh em khác, cũng có thịt lợn, thịt gà, bánh chưng, rượu, mứt... nhưng trong các lễ vật để cúng tổ tiên có nét khác với các dân tộc Kinh, Dao, Thái, Tày, Mông.
Đó là yêu cầu của Bộ VH,TT&DL đối với thư viện các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại văn bản số 4509/BVHTTDL-TV.