Mùa xuân đi học chữ Thái cổ

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/3/2011 | 2:32:59 PM

YBĐT - Những năm gần đây, thị xã Nghĩa Lộ đã đặc biệt quan tâm khôi phục và bảo tồn chữ Thái cổ. Các lớp học chữ Thái cổ đã thu hút nhiều học viên là con em dân tộc Thái trên địa bàn, giúp các em hiểu sâu sắc hơn về văn hóa của dân tộc mình.

Ông Lò Văn Biến - nghệ nhân duy nhất tinh thông chữ Thái cổ của xứ Nghĩa Lộ, Mường Lò
Ông Lò Văn Biến - nghệ nhân duy nhất tinh thông chữ Thái cổ của xứ Nghĩa Lộ, Mường Lò

Nằm trong chương trình "Du lịch về cội nguồn" 2011 giữa ba tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ được tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ cũng sẽ diễn ra hoạt động viết tặng chữ Thái cổ.

Học chữ Thái cổ cũng khó nhưng được nghe thầy giáo giảng gắn với các phong tục tập quán của dân tộc mình nên thấy gần gũi và dễ hiểu, từ đó dễ nhớ hơn - đó là tâm sự của các học viên học chữ Thái cổ ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ. Đặc biệt, các học viên được nghe thầy giảng về các phong tục, nét văn hóa của người Thái khi đón Tết Nguyên đán và các trò chơi, lễ hội trong ngày tết và rằm tháng Giêng như: tục lấy nước đêm giao thừa, tục gội đầu của con dâu vào đêm 30 rồi mới được thắp hương; trò chơi đi cầu khỉ, leo cột mỡ, ném còn xổm...

Chị Đồng Thị Thu Hương - học viên lớp chữ Thái cổ xã Nghĩa An tâm sự: “Ngoài biết đọc, biết viết chữ Thái cổ, bản thân còn hiểu hơn về những phong tục, tập quán của dân tộc mình. Ví dụ như trước đây, nói về trò chơi leo cột mỡ thì chỉ biết là trò chơi để giành phần thưởng trong ngày xuân nhưng khi được nghe giảng mới hiểu thêm ý nghĩa về tinh thần đoàn kết của cả tập thể giúp một cá nhân thể hiện tài năng”.

Trước khi học chữ phải gieo vào lòng học viên niềm say mê, muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc cũng như nhận thấy những nét đẹp để có ý thức giữ gìn và phát triển. Với tâm huyết đó nên trong mỗi bài giảng của nghệ nhân Lò Văn Biến đều gắn với một bài hát hoặc một câu tục ngữ, một câu chuyện của người Thái nhằm thu hút, lôi cuốn người học. Nhất là trong dịp xuân này, với vốn văn hóa về dân tộc Thái đã dày công sưu tầm và tìm hiểu, ông Biến đã phô tô và chuyển cho các học viên nghiên cứu tập sách cổ "Xống chụ xon xao" (Tiễn dặn người yêu), Khồn Lu nàng ủa (Chàng Lu nàng ủa), sách dạy đạo lý làm người của dân tộc Thái...

Lớp học chữ Thái cổ ở xã Nghĩa An được tổ chức đúng vào dịp xuân về với  39 học viên là hội viên Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, học sinh trung học cơ sở của xã Nghĩa An. Để đọc và viết thành thạo chữ Thái cổ, các học viên đã được học hệ thống chữ cái gồm 19 cặp nguyên âm và 19 cặp phụ âm. Mỗi tiết dạy 2 nguyên âm và 2 phụ âm, sau đó thực hành ghép chữ, đánh vần rồi gắn cụ thể với một bài hát hoặc một câu tục ngữ để người học biết cách chép lại nội dung bài hát, câu tục ngữ đó.

Giảng viên cũng chú trọng đưa các phong tục, quan niệm của người Thái vào dạy. Như dạy người phải siêng năng, người Thái có câu “é kìn nha năng” tức là muốn ăn thì đừng ngồi lâu hoặc "Hằng nha non" nghĩa là muốn giàu thì đừng ngủ nhiều. Hay những kinh nghiệm về thời tiết như: "Mầu ó hư phun, mầu hồn hư đét" tức là mối ra thì mưa, mối lùi thì trời nắng... Mỗi tuần, giảng viên sẽ kiểm tra và hệ thống lại toàn bộ nội dung đã học nhằm kiểm tra học viên nhận thức chậm ở chỗ nào để dạy lại. Với cách dạy không gò bó và trang bị thêm cho học viên nhiều vốn kiến thức, hiểu biết về văn hóa dân tộc mình nên lớp học chữ Thái cổ ở xã Nghĩa An đã thu hút đông học viên và đạt chất lượng.

Đây là lớp dạy chữ Thái cổ thứ 5 trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ và đưa tổng số người học lên 223 người, góp phần tích cực bảo tồn và phát triển chữ Thái cổ. Trong thời gian tiếp theo, các học viên mong muốn sẽ được thành lập câu lạc bộ những người biết chữ Thái cổ để sưu tầm các sách Thái cổ dịch lại cho thế hệ sau đồng thời sáng tác những bài hát, làn điệu khắp mới. Họ cũng mong muốn nhiều lớp dạy chữ Thái cổ sẽ được mở để ngày càng có nhiều người biết đọc, biết viết, hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc và khơi dậy tiềm năng văn hóa du lịch của đất Mường Lò.

Mùa xuân đi học chữ Thái cổ, người học có thêm niềm tự hào, tự tôn dân tộc và chính họ sẽ là những người giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

 Thu Hằng

Các tin khác
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”.

Tại chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông", Trung ương Đoàn, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chính thức phát động cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”.

'Ông già và biển cả' là một tác phẩm văn học kinh điển, được đánh giá cao bởi cả giới phê bình và công chúng.

Hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố và 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Thành phố Yên Bái dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay tưng bừng các hoạt động văn hoá văn nghệ khắp địa bàn, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, góp phầndần hình thành nên nét văn hóa đặc trưng riêng có của thành phố tỉnh lỵ.

Tỉnh đoàn Yên Bái trao quà các lưu học sinh Lào đang học tập tại Yên Bái.

Trường Cao đẳng Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Văn nghệ Trường Sơn tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Lào và ra mắt Câu lạc bộ “Kết nối thế hệ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục