Bếp lửa - trung tâm văn hoá cộng đồng xưa kia
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/7/2011 | 3:14:55 PM
YBĐT - Xưa kia, khi cuộc sống của người dân vùng trung du và miền núi còn nhiều khó khăn, mọi mối giao lưu chủ yếu nằm trong phạm vi làng bản thì bếp lửa được coi như một trung tâm văn hoá cộng đồng.
Bếp lửa trên sàn “Hạn Khuống” của người Thái Mường Lò.
|
Thông thường, vào mùa lạnh từ tháng 10 Âm lịch năm trước đến hết tháng 3 năm sau được coi là mùa sưởi lửa và theo ngôn ngữ dân tộc học gọi đó là “Tục sưởi lửa”. Sở dĩ có tục này là bởi trong mùa giá lạnh, sau mỗi ngày lao động, người dân chẳng biết đi chơi đâu và cũng chẳng có phương tiện nghe nhìn để hưởng thụ thông tin, quần áo rét cũng chẳng sẵn như bây giờ nên chỉ có cách là ngồi chơi quây quần bên bếp lửa.
Những bếp lửa bà con trong xóm thường quây tụ, trước hết phải là gia đình có gian bếp rộng rãi, người nhà hiếu khách, vợ chồng hoà thuận, con cái chịu khó kiếm củi… Để có một buổi sưởi lửa đông vui, khi gặp nhau trong lúc đồng áng, gia chủ thường mời bà con tối đến nhà mình chơi và nhờ mời hộ người này người kia cùng đến. Có trường hợp tuy không được mời nhưng do xóm làng quý mến gia chủ thì tự họ cũng sẽ tìm đến hoặc là theo thói quen cứ nhìn thấy nhiều ánh đuốc đi đến một ngôi nhà nào đó thì đoán nơi đó đêm nay sẽ rất vui mà kéo về. Bếp đông có khi mỗi đêm tới ngót hai chục người chủ, khách quây quần.
Nhà chủ thấy mình có nhiều khách thường đến chơi thì rất đỗi tự hào bởi mình có tốt thì người ta mới đến. Để tỏ lòng hiếu khách, vào mỗi buổi tối chủ nhà thường bảo con cái đun nồi nước thuốc hoặc chè xanh hay mùa ngô, mùa sắn có thể đãi khách bằng nồi ngô, sắn luộc và vui nhất là mùa cốm cả chủ và khách cùng nhau giã cốm.
Bên bếp lửa hồng, mọi câu chuyện rôm rả suốt đêm này qua đêm khác và những câu chuyện ấy đã phản ánh tất cả mọi mặt trong cuộc sống. Chẳng hạn, người ta có thể phổ biến, tranh luận nhau về kinh nghiệm sản xuất, truyền đạt những cách dự báo thời tiết, khí hậu và lịch nông vụ theo lối dân gian, cách phòng trừ sâu, bệnh cho cây trồng, vật nuôi, cách chọn giống và bảo quản, cách gieo trồng mỗi loại cây, cách phổ biến kinh nghiệm có khi là những lời nói mộc mạc nhưng cũng có khi bằng những câu ca như: “Mười bốn không mưa bỏ bừa mà đi phát lốc”; “Mưa dầm tháng Chín, nhịn ăn rau”. “Ruộng cửa mương, nương bóng chiều”…
Khi nói về ẩm thực họ cũng nói đến rất nhiều món kèm theo cả cách săn bắt trên rừng, dưới suối theo từng mùa và chế biến với các loại rau, củ, quả, gia vị sao cho ngon, cho phù hợp với lứa tuổi, bệnh tật, phụ nữ thai sản…
Những người xung quanh chỉ cần nghe là biết ngay cách tìm kiếm nguyên liệu rồi chế biến được những món ăn mà mình chưa từng làm. Ngoài ra, bên bếp lửa hồng người ta còn phổ biến cho nhau những cây thuốc hay, những bài thuốc quý và cách thức chọn những loài gỗ quý làm nhà. Các nghề thủ công như đan lát, thêu may, chạm khắc, chế tác nhạc cụ truyền thống cũng được được mọi người vừa trò chuyện vừa làm bên bếp lửa. Những chuyện tâm linh, tín ngưỡng, nghi thức tế lễ, dạy luân lý làm người cũng thường xuyên được trao đổi với nhau.
Bên cạnh những câu chuyện của muôn mặt đời thường, bếp lửa đã mang đến cho mọi người sự phong phú trong đời sống tinh thần. Bên bếp lửa có những người giỏi kể chuyện Kiều từ đêm này qua đêm khác. Bếp lửa cũng là nơi lưu giữ trường ca, sử thi và kho tàng chuyện kể dân gian nhờ người biết kể lại cho người chưa biết. Các câu hò đối đáp thử tài, đối đáp giao duyên, đố vui cũng được thi tài ngay bên bếp lửa.
Nhờ vậy, thế hệ con cháu ngồi nghe mà nhập tâm lấy theo lối truyền khẩu tự nhiên. Thậm chí, bếp lửa cũng là nơi mà mọi người có khi cao hứng sẽ cùng nhau diễn xướng lại những tích cổ trong tuồng, chèo với đủ cả các loại nhạc cụ như: đàn bầu, sáo, nhị, trống và những điệu múa dân gian cũng được truyền dạy ngay bên bếp lửa.
Nét sinh hoạt như vậy, luôn làm cho mối quan hệ con người trong mỗi làng, bản thêm đầm ấm và bền chặt. Nó tạo ra sự tương tác về kinh nghiệm trong phát triển sản xuất mang lại cuộc sống ấm no. Tập quán sinh hoạt này cũng là điều kiện để bảo tồn các nghề truyền thống, thuần phong mĩ tục và văn hóa làng, bản, văn hóa tộc người một cách bền vững… Qua đó, càng thêm cơ sở để khẳng định một cách chắc chắn rằng, bếp lửa xưa kia thực sự giữ vai trò là trung tâm văn hoá cộng đồng.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Ca sĩ Mỹ Linh vừa được Phòng Du lịch và Văn hóa Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội mời làm Đại sứ danh dự quảng bá du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam.
Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị, Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức Liên hoan ca múa nhạc ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, diễn ra tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Quảng Trị từ ngày 22 đến 26.7.
Từng yêu đơn phương một chàng nhạc công, nhưng cuộc thi Idol cùng những ồn ào sau đó khiến Uyên Linh phải gác lại tình cảm này. Giờ đây, mối quan tâm hàng đầu của cô là sản phẩm âm nhạc đầu tay, hợp tác cùng nhạc sĩ Quốc Trung.
Sau những vòng thi sơ tuyển tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, 12 gương mặt xuất sắc nhất trong 1.300 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đã bước vào vòng chung kết của cuộc thi Tiếng ca học đường 2011.