Hạn Khuống: Góc nhìn nguồn cội

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/8/2011 | 2:53:06 PM

YBĐT - Hạn khuống không chỉ thuần tuý là điểm sinh hoạt văn hoá mang tính giao duyên tìm kiếm bạn tình mà còn hàm chứa rất nhiều nét văn hoá đậm tính nhân văn trong quan niệm về mối liên hệ giữa thế giới tự nhiên với mọi mặt cuộc sống của con người, trong đó có cả lĩnh vực tình yêu, hôn nhân của tộc người Thái.

Nam nữ người Thái hát đối đáp trước khi lên sàn Hạn Khuống.
Nam nữ người Thái hát đối đáp trước khi lên sàn Hạn Khuống.

Hạn khuống là một tập quán sinh hoạt văn hoá rất riêng của tộc người Thái ở nước ta. Bản thân tộc người này cũng không biết Hạn khuống có từ khi nào nhưng theo ngôn ngữ của họ thì “Hạn” nghĩa là cái sàn và “khuống” là ngoài sân nên có thể hiểu rằng đó là cái sàn ở ngoài sân.

Trước đây, có những ý kiến cho rằng Hạn khuống là một hình thức diễn xướng sân khấu dân gian của người Thái hoặc đây là một địa điểm gặp gỡ tỏ tình của trai gái người Thái vào mỗi dịp xuân đến. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kĩ hơn, được biết nơi này hoàn toàn không phải là một sân khấu để diễn xướng, bởi vì đã có diễn thì phải có người diễn và người xem, nhưng ngược lại, nơi này chỉ dành riêng cho trai chưa vợ, gái chưa chồng. Đồng thời, sinh hoạt Hạn khuống không chỉ diễn ra trong những ngày xuân mà nó hoạt động thường xuyên cả năm trừ khi trời có mưa bão.

Theo lý giải của các cụ già người Thái, từ xa xưa, người Thái đã có ý nghĩ rằng trai gái đến tuổi lấy vợ lấy chồng nên tạo cho họ một chỗ giao duyên tìm kiếm bạn tình chứ nếu để họ tự đến nhà nhau sẽ không được tự nhiên và gây nhiều phiền toái cho người khác trong nhà. Vì vậy, người trong các làng, bản cùng nhau tìm một vị trí thích hợp giữa bản dựng nên sàn Hạn khuống để cho trai gái tự tìm đến với nhau.

Sàn Hạn khuống được làm bằng gỗ rộng quãng 2 chục mét vuông, có độ cao từ 1,2 đến 1,5 mét. Xung quanh sàn có quây bằng rào nan tre đan chéo cánh sẻ vừa làm cho sàn gỗ thêm đẹp nhưng cũng chính là để bảo vệ cho người đi trên sàn không bị ngã . Giữa sàn có một cây nêu to gọi là tổn khuống, 4 góc có 4 cây nêu nhỏ gọi là lắc xáy. Cô gái ngồi bên bếp lửa gần Tổn khuống cũng được gọi là sao tổn khuống, các cô ngồi ở 4 cột nhỏ gọi là sao lắc xáy.

Để duy trì sàn Hạn khuống, từ lâu đã thành lệ là con trai trong bản phải chăm lo cho sàn Hạn khuống luôn được vững chãi, bất cứ thứ gì trên sàn có dấu hiệu mục ải, hư hỏng thì tự bảo nhau kiếm vật liệu trên rừng về thay thế. Con gái khi lên nương sẽ kiếm củi để nhóm lửa mỗi đêm.

Bên cạnh ý nghĩa của một không gian giao duyên tìm kiếm bạn tình của trai gái, người Thái còn quan niệm đây là nơi rất thiêng liêng trong bảo tồn nòi giống. Bởi vậy, xung quanh sàn Hạn khuống luôn có những tấm ta leo đan mắt cáo bằng tre, nứa là một loại bùa chú để xua đuổi tà ma quấy nhiễu.

Cột tổn khuống, cột lắc xáy không chỉ mang ý nghĩa trang trí cho đẹp,  là nơi treo ống đựng nước uống và cho con trai móc chài lên đó để vừa đan vừa hát giao duyên mà nó còn được treo lên các đồ vật hay hình con cá, con rùa, con ve thể hiện khát vọng của con người. Chẳng hạn, hình tượng con rùa được cư dân lúa nước ở phương Đông từ xa xưa luôn coi là biểu tượng cho khát vọng trường thọ. Con ve là biểu tượng cho sự trẻ trung, bất tử và nó cũng có sức mạnh như một thứ bùa chú chống lại người có bụng dạ xấu xa muốn làm hại người khác.

Cũng có người bảo rằng, con ve chỉ cất tiếng kêu khi trời nắng nên họ treo hình con ve lên các cây nêu để mong cho những đêm Hạn khuống không gặp phải trời mưa. Tuy nhiên, đại đa số vẫn nghiêng về vế thứ nhất bởi người ta quan niệm ve sầu không bao giờ chết do ve già thì lột xác lại thành ve non. Bụng ve trong suốt sẽ đẩy lùi ý đồ của kẻ bụng dạ đen tối. Hình tượng con cá thể hiện mong muốn của trai gái khi đã gặp nhau trên sàn Hạn khuống sẽ đi đến một ngày người ta như cá có đôi.

Hạn khuống không chỉ thuần tuý là điểm sinh hoạt văn hoá mang tính giao duyên tìm kiếm bạn tình mà còn hàm chứa rất nhiều nét văn hoá đậm tính nhân văn trong quan niệm về mối liên hệ giữa thế giới tự nhiên với mọi mặt cuộc sống của con người, trong đó có cả lĩnh vực tình yêu, hôn nhân của tộc người Thái.

Hoàng Nhâm 

Các tin khác

Bộ phim truyền hình lịch sử cổ trang Nhật Bản "Công chúa Atsu" sẽ được phát sóng liên tục vào 11h hàng ngày trên VTV1, bắt đầu phát sóng từ 18/8.

Ngọc Trinh, Như Thảo, Trà Ngọc Hằng... cùng các người đẹp gốc Việt trình diễn sưu tập áo dài của nhà thiết kế Cory trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam Quốc tế, tối 13/8 tại California, Mỹ.

Cảnh kéo pháo trong phim.

Bàn tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đầy trăn trở trên tấm bản đồ lòng chảo Điện Biên, một ngọn đèn leo lét, bên ngoài cửa lán ánh trăng chênh chếch báo hiệu trời chuyển dần về sáng...

Hai nghệ sỹ Việt Nam lưu diễn cùng Dàn nhạc trẻ châu Á.

Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 20h tối nay (15/8) với sự tham gia của nghệ sĩ violin Stefan Jackiw và hai chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng là James Judd và Richard Pontzious.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục