Phim 3D về đại tướng Võ Nguyên Giáp: 2 năm cho 20 phút
- Cập nhật: Thứ hai, 15/8/2011 | 2:05:34 PM
Bàn tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đầy trăn trở trên tấm bản đồ lòng chảo Điện Biên, một ngọn đèn leo lét, bên ngoài cửa lán ánh trăng chênh chếch báo hiệu trời chuyển dần về sáng...
Cảnh kéo pháo trong phim.
|
Đạo diễn Hà Bắc |
Xem kỹ và trọn vẹn bộ phim mới hiểu tại sao đạo diễn Hà Bắc “nắn nót” làm 20 phút phim trong hai năm trời. Hai năm đó bao gồm cả khảo sát thực địa ở Điện Biên, vẽ bối cảnh, tạo hình các nhân vật... Sự cầu toàn của người làm phim không chỉ thể hiện ở những khuôn hình cận cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà cả ở những cảnh kéo pháo, gùi hàng... Người lính kéo pháo trong đêm có trăng, áo trấn thủ ra sao, dép cao su đi như thế nào đều được chú ý kỹ lưỡng.
* Ông có nói rằng mất công nhất vẫn là tạo hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cận cảnh. Từ diễn biến tâm lý, những giằng xé nội tâm đến thần thái thật sự là một thử thách đối với bộ phim. Vậy ông đã tạo hình như thế nào?
- Đạo diễn Hà Bắc: Đúng là tạo hình đại tướng rất khó. Tên thường gọi của đại tướng là Văn, lại theo nghiệp võ, đó lại là thời điểm đại tướng phải đưa ra một quyết định trọng đại liên quan đến sinh mệnh của nhiều bộ đội đang chiến đấu trên chiến trường. Tạo hình trong bộ phim phải thể hiện được nét nho nhã của một thầy giáo, cái quyết liệt của người chỉ huy. Năm 1954, đại tướng còn trẻ nhưng tạo hình vẫn phải cố gắng thể hiện được thần thái của một vị tướng.
Thời điểm làm tạo hình đại tướng chúng tôi phải thay kỹ thuật viên đồ họa. Họ còn quá trẻ, tất cả đều dưới 30 tuổi, bên cạnh tay nghề chưa vững vàng còn là vốn sống, vốn hiểu biết nữa. Tuy nhiên, cũng có những người biết nén mình lại để theo đến cùng bộ phim. Giờ có cho tôi tiền tấn cũng khó kiếm một đội ngũ như thế. Bởi chỉ để có mấy giây xuất hiện nhưng chúng tôi đã phải “đỏ mày cay mắt” thật sự. Khi phim được chiếu cho gia đình đại tướng và một số đồng nghiệp thì họ tỏ ra hài lòng với tạo hình này.
* Một chi tiết rất thu hút người xem đó là hình ảnh đại tướng chống tay trên bàn trong đêm quyết định chuyển hướng chiến dịch Điện Biên Phủ. Chi tiết đó là sự thật hay hư cấu?
- Tôi đã tìm gặp một số người thân cận với đại tướng. Họ nói rằng những lúc căng thẳng ông thường có thói quen đứng dậy, chống tay lên mặt bàn và suy nghĩ. Tôi cũng phải đọc rất kỹ hồi ký đại tướng. Bộ phim Quyết định lịch sử này tôi cố gắng dựa sát vào lịch sử với những sự kiện, nhân vật có thật. Tiến trình của phim theo đúng tiến trình lịch sử, ví dụ như thời điểm đầu của chiến dịch chỉ có xe cút kít, nhưng giai đoạn sau bắt đầu có xe tải... Tôi cùng đoàn làm phim đã lên tận Điện Biên, chụp lại từng chi tiết căn hầm của De castries, nơi làm việc của đại tướng, hầm chứa pháo... Thậm chí, hình chụp bức tường bằng nứa ép nơi làm việc của đại tướng được cắt ra và “dán” lên khuôn hình khi làm đồ họa.
* Một bộ phim trung thực với lịch sử, nhưng chiến dịch Điện Biên Phủ trong phim ông lại rất ít cảnh đổ máu?
- Chiến tranh đương nhiên có đổ máu, mất mát nhưng cũng không cần thiết phải cho vào những cảnh bắn giết lẫn nhau. Tôi cố gắng lựa chọn những hình ảnh đổ máu sao cho nhân văn. Từ hình ảnh Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng hay ở bên kia chiến tuyến là Piroth tự tử... đều có thể nói lên cái khốc liệt của chiến tranh.
* Mất hai năm cho một bộ phim 3D cầu kỳ và công phu, điều gì khiến ông làm một việc mà chính ông cũng tự nhận là “cả gan” như vậy?
- Tôi từng làm phim hoạt hình 3D Giấc mơ của ếch xanh từ năm 2005. Đến năm 2008, tôi tham gia một công ty chuyên làm vật liệu cho các game của Mỹ như tạo hình súng, đạn, xe tăng... bằng hình ảnh 3D. Lúc đó, chúng tôi đã nuôi ước mơ làm phim 3D về chiến tranh ở VN. Phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên Phủ là một sự hiện thực hóa mơ ước đó. Nói là sự “cả gan” vì tôi biết làm phim về những nhân vật như đại tướng sẽ vấp phải nhiều thử thách rất lớn, người chê người khen khi so sánh với nguyên gốc. Hơn nữa, làm phim 3D không giống với phim khác, tôi cứ ví như là công việc trồng dưa, không biết ruột đỏ hay vàng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một triển vọng rằng những câu chuyện lịch sử VN như chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh và các chiến thắng trong lịch sử là những tư liệu thú vị để làm nên những bộ phim hoạt hình rất hay.
* Nói đến làm phim hoạt hình từ tư liệu lịch sử, ông có nghĩ đây là một con đường tốt dẫn trẻ em đến với lịch sử dân tộc hay không?
- Hoàn toàn có thể hi vọng. Trẻ em xem phim về đại tướng của tôi thích lắm. Chúng hào hứng bảo: phim cũng có đánh nhau như game. Một cảnh chiến đấu nhưng cũng có tính nhân văn, hơn nữa những trận đánh đó rõ ràng là niềm tự hào của dân tộc.
Đạo diễn, NSƯT Hà Bắc là người đầu tiên làm phim hoạt hình 3D ở VN với phim Giấc mơ của ếch xanh. Gắn bó với nghề làm phim hoạt hình suốt 35 năm, phim của ông đã giành nhiều giải Bông sen vàng và bạc. Bộ phim Quyết định lịch sử được thực hiện từ năm 2008 kết hợp với Tổng công ty HIPT và hoàn thành vào cuối năm 2010. Theo đạo diễn Hà Bắc, phim hiện nay vẫn chưa phát hành nhưng đã được gửi tặng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
(Theo TTO)
Các tin khác
Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 20h tối nay (15/8) với sự tham gia của nghệ sĩ violin Stefan Jackiw và hai chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng là James Judd và Richard Pontzious.
YBĐT - Làm gì để giới trẻ có được niềm yêu thích đối với hát dân ca? Có ý kiến cho rằng, dân ca cũng là một “món ăn” - một món ăn dân dã. Khi đã chán đặc sản thì chắc chắn người ta sẽ quay lại tìm những món ăn dân dã như thế.
YBĐT - Việc phát hiện lư hương thời Trần là thêm một vật chứng sống động đặc biệt, một nét phát triển lên chuỗi lịch sử của một khung đoạn dòng chảy lịch sử.
Đêm chung kết toàn quốc cuộc thi Sao mai 2011 dòng nhạc Thính phòng diễn ra tại Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế vào tối ngày 14/8 đã tìm ra 3 gương mặt xuất sắc nhất vào đêm xếp hạng cuối cùng (diễn ra vào ngày 4/9).