Người đàn bà hát dân ca
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/1/2012 | 4:01:14 PM
YBĐT - Người phụ nữ Thái ấy có giọng ca mượt mà, truyền cảm, lời hát gần gũi mà thân thương, bay bổng và lãng mạn. Những lời hát khắp của chị bản trên xóm dưới ai cũng biết và khen ngợi. Chị là Điêu thị Siêng ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ - một người Thái say mê dân ca.
Mọi người càng biết đến chị nhiều hơn khi chị đạt giải C với bài Ỉn sao Thẩm Lé tại Hội thi tiếng hát dân ca các dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2007 và giải A bài khắp Thám khảo Hội diễn nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2008.
Chị kể, chị học Khắp Thái từ khi mới 5 tuổi, 8 tuổi đã đi biểu diễn, 15 tuổi nhiều người biết đến. Cả tuổi thơ của chị lớn lên cùng với tiếng khèn, tiếng pí, trong vòng xòe nồng say và câu khắp thiết tha. Thủa nhỏ chị được nghe các bà, các mẹ, các chị, các anh hát “hảng cống” trong ngày tết, “khắp báo sao” tức là hát giao duyên trong những đêm tình Hạn Khuống hay những đêm trăng đẹp, những mùa hội. Tâm hồn của chị được nuôi dưỡng trong điệu khắp, điệu pí để bây giờ hát khắp không thể thiếu được như thức ăn, nước uống trong cuộc sống của chị.
Là một thể loại hát dân ca, dân gian nên các điệu khắp, lời khắp truyền từ đời này sang đời khác, thế hệ con cháu phát triển thêm nhiều bài thơ, bài khắp mới làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc mình và cũng để biểu lộ nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Hát khắp được chia thành 2 làn điệu riêng gồm điệu Hà ơi và điệu Hăn nê, trong đó điệu Hà ơi phổ biến ở tất cả các vùng dân tộc Thái sinh sống nhưng riêng điệu Hăn nê là đặc trưng riêng có của vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò.
Lời hát khắp là những bài thơ, câu nọ vần với câu kia hoặc thể loại văn vần được diễn đạt trên 2 làn điệu nói trên, nội dung để ca ngợi những nét đẹp của quê hương, đất nước, những công việc lao động thường ngày, thăm hỏi, chúc tụng và đặc biệt là hát giao duyên. Các bài khắp cổ do cha ông truyền lại phổ biến nhất là các bài dựng nhà mới, cưới hỏi, thăm hỏi, mừng vía, ra cữ, tiễn dặn người yêu…
Các bài hát hầu hết đều được sáng tác thêm nhưng riêng khắp báo sao giờ đây không sáng tác được nữa mà chỉ hát theo những bài hát cổ như bài Xống trụ xôn xao, Tiễn dặn người yêu, Chuyện kể bản mường.
Băn khoăn lớn nhất của chị Điêu Thị Siêng là trong vùng Mường Lò trước kia hầu hết ai cũng biết khắp, bởi khắp mới thể hiện được tình cảm và cái tài đối đáp, họ hát khi lao động sản xuất trên nương, dưới ruộng, hát khi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của nhau. Vì thế các bài khắp dù chỉ được truyền miệng nhưng vẫn trường tồn qua thời gian. Ở mỗi vùng qua truyền khẩu lời khắp tuy có đôi chỗ khác nhau nhưng về nội dung thì cơ bản giống nhau.
Qua hát khắp mà biết bao đôi trai gái đã mến nhau và xây dựng hạnh phúc trăm năm cùng nhau. Nay thì khác do cuộc sống bận rộn, lớp trẻ có cơ hội đón nhận và giao lưu với văn hóa hiện đại nên phần nào hình thức khắp cũng bị mai một. Chị luôn suy nghĩ phải làm gì đó để giữ gìn những làn điệu dân ca của dân tộc mình.
Cứ thế gần 20 năm qua, những lúc rảnh rỗi chị lại sáng tác những bài khắp ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đất nước, những công việc lao động sản xuất, xây dựng thôn bản văn hóa. Hiện nay trong sổ tay của chị đã có hàng trăm bài khắp, trong đó có nhiều bài hát cổ chị thuộc lời mà chép lại cùng trên 100 bài do chị sáng tác.
Chị Hoàng Thị Phượng - Phó bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An cho biết thêm, bằng nhiệt huyết của mình chị Điêu Thị Siêng đã vận động các nghệ nhân tham gia truyền dạy niềm say mê hát khắp, các làn điệu và bài khắp cho lớp trẻ. Ban đầu, lớp học chỉ có mấy người là vài chị em cùng chung sở thích, mấy cháu gái tò mò nhưng sau bằng những hoạt động, phong trào sôi nổi như đứng ra tổ chức văn nghệ trong các buổi ra mắt thôn bản văn hóa hay phối hợp với các nhà trường trong các dịp khai giảng... nhiều người dân đã biết đến, yêu mến và tự giác tham gia luyện tập.
Hiện nay đội khắp của xã Nghĩa An đã thu hút người dân từ bản Đêu, bản Vệ, Nà Vặng rồi Nậm Đông tham gia. Nhờ có chị mà 8/8 thôn bản của xã Nghĩa An đều có đội văn nghệ múa xòe giỏi, hát hay.
Mong sao những đam mê của chị Điêu thị Siêng sẽ được thế hệ trẻ tiếp nhận nhiệt tình để những câu khắp còn mãi với thời gian.
Nguyễn Nhật Thanh
Các tin khác
Vị trí đặt Rồng đối xứng với Phủ Tây Hồ, đối xứng với trục Hồ Tây-Ba Vì và trục Hồ Tây-Cổ Loa; tạo sự gắn kết chặt chẽ với các địa danh văn hóa.
Theo tin từ Bộ VH,TT&DL, năm 2012, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch và liên hoan nghệ thuật các dân tộc thiểu số.
Vốn là lính biên phòng, gắn bó với núi rừng nên các ca khúc của nhạc sĩ Dương Nhâm sáng tác luôn đắm mình vào đề tài miền núi, biên cương, trong đó ông dành phần nhiều tình cảm cho quê hương Yên Bái!
Người đẹp Trần Thị Thanh Thức (sn 1992, đến từ An Giang, số đo 3 vòng: 82 – 60 - 90) đã vượt qua 18 thí sinh trong vòng chung kết, đoạt giải Nữ hoàng trang sức lần 5.