Hồn quê ngày tết

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/1/2012 | 9:49:00 AM

YBĐT - Năm con mèo Tân Mão đang lùi dần vào quá khứ để nhường hiện tại cho năm con rồng Nhâm Thìn vươn mình bay trong ước mơ và dự cảm. Tuổi trẻ của tôi đón chào năm mới như đón chào tuổi thơ hằng sống trên con đường làng rơm rạ.

Sắc xuân.
(Ảnh: Hoàng Đô)
Sắc xuân. (Ảnh: Hoàng Đô)

Còn ông tôi, ông đang ngẫm ngợi về những vui buồn năm cũ và bồi hồi xúc cảm trước năm mới của đất nước kinh đô rồng bay nghìn tuổi và của làng quê khi tết đến xuân về.

Biết vậy, năm nay tôi đưa ông về quê từ sáng 29 tháng Chạp. Con đường về quê chạy dọc bờ sông Hồng, một bên là núi đồi và đồng ruộng, một phía là sông. Xe đang chạy ông tôi hỏi:

- Cháu có thấy gì không? Tiếng rá vỗ bên sông đấy, người ta đang đãi đỗ, vo gạo, rửa lá dong chuẩn bị cho nồi bánh chưng ngày tết.

Tôi đi chậm lại, nhìn con sông thao thiết chảy qua làng, thấy những bà, những chị, những em đang khúc khích nói cười hòa trong tiếng khỏa nước và tiếng rá vỗ bên sông. Những âm thanh ấy quyện vào nhau cùng cất lên khúc âm hưởng ngàn đời của làng quê thanh bình yên ả. Chừng như trong hành trình của một đời người, dù có đi đâu về đâu thì ba ngày tết cũng phải tìm đường về quê để nghe cái âm hưởng ngàn đời bên bến sông quê.

Ông tôi bảo không phải năm nào quê mình cũng được mùa, có năm nắng hạn mưa bão mùa màng thất bát nhưng tết đến nhà nào cũng phải cố sắm cho được nồi bánh chưng, có vại dưa hành, vài ba cân thịt, có tấm áo mới cho con trẻ. Nồi bánh chưng xanh là cái hồn của tết. Chiếc bánh chưng quê tôi được gói bằng lá dong xanh bóng lấy từ rừng về và được buộc bằng những cái lạt to bản mềm và dẻo chẻ từ những dóng giang được nướng chín bên bếp lửa. Tết quê vui và ấm cúng nhất là chiều 30. Cả nhà quây quần vào gói bánh chưng. Những chiếc mâm đồng được ngả ra để đặt lạt, đặt lá gói bánh.

Quê tôi cũng chỉ gói dăm cặp bánh chưng vuông để đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên, còn thì gói bánh chưng Tày. Dù là bánh vuông hay bánh Tày đều gói vo chứ không gói bằng khuôn. Gói vo mà bánh chưng vuông thì vuông chằn chặn có đủ tám góc, còn bánh chưng Tày thì hệt như những chiếc giò lụa, chỉ khác là nhỏ hơn và dài hơn.

Khi xắt bánh ra, vỏ ra vỏ, nhân ra nhân, cứ y như một bông hoa đại đóa, bên ngoài là gạo có màu xanh nhạt của lá dong non, ở giữa là đỗ xanh và thịt vàng ươm như nhụy của hoa. Ngoài bánh chưng, quê tôi còn làm bánh tẻ, bánh dợm, bánh lá gai và cả chè lam để ăn trong ngày tết. Mỗi loại bánh có cái ngon riêng và cách làm riêng nhưng cùng công phu, cẩn trọng.

Người dân quê mải miết làm đồng cho đến mãi tận chiều 28-29 tết mới rửa cày, cuốc nghỉ ngơi lo sắm tết. Tết quê được bắt đầu bằng phiên chợ cuối năm. Chợ quê được họp theo phiên nhưng phiên cuối cùng trong năm được gọi là chợ tết. Những ai xa quê mà không kịp về dự phiên chợ tết là một thiệt thòi rất lớn.

Phiên chợ tết năm nào cũng đông vui, mấy gian chợ xây không đủ chỗ, người họp chợ ngồi tràn ra cả hai bên con đê dài hàng trăm mét. Chợ quê như cái phao đo mức sống và sự phong phú của làng quê. Nhà nào có sản vật gì ngon, có hàng hoá gì đẹp đều để dành cho phiên chợ tết đem bán nên chợ tết chẳng thiếu một thứ gì mà đều là của ngon vật lạ của chính những người dân quê làm ra.

Khác với ngày thường, hình như gia đình nào cũng cả nhà đi chợ. Nhà tôi cũng vậy, ông thì đi chợ mua chậu hoa, chậu cảnh, mua tờ lịch, tờ tranh về dán nhà và mua giấy hồng điều về viết câu đối hoặc để khai bút sớm mồng Một tết, bà tôi thì đi chợ mua sắm trầu cau vàng hương và sắm mâm ngũ quả làm sao cho đủ năm màu tượng trưng cho ngũ hành: kim - mộc -thuỷ - hoả - thổ, còn mẹ tôi thì mua thịt cá, gia vị cho đủ ăn trong ba ngày tết.

Vẫn giống hệt như những ngày tôi còn nhỏ, nhiều đứa bé có lẽ đã học cấp một, cấp hai vẫn nắm gấu áo theo mẹ đi chợ tết để vòi mua những thứ mà ngày thường chúng không thấy hoặc để mẹ ướm thử vào người và mua cho bộ quần áo mới để mặc đi chơi tết. Công việc tất bật và vui nhất là vào chiều 30, người thì lo bữa cơm cúng chiều tất niên, người thì lo gói nồi bánh chưng. Sau một năm vất vả, đến chiều 30 tết làm mâm cơm cúng tổ tiên, cúng xong cả nhà ba bốn thế hệ ngồi quây quần bên mâm cơm tất niên thật thiêng liêng và ấm cúng.

Quê tôi trong ngày tết cái gì cũng vận vào điềm may, điềm rủi cho nên công việc gì cũng phải chu toàn, không được cáu gắt, cãi cọ nhau, trẻ con không được nói tục. Giữ được chu toàn vui vẻ như thế thì cả năm may mắn, tốt lành. Có phải thế không mà ông, bà cũng rộng lượng với con cháu hơn, con cháu cũng tỏ ra hiếu hạnh, ngoan ngoãn, làng xóm cũng thân thiện nhau hơn. Ấy đâu phải là mê tín, chính là tình yêu cuộc sống, yêu thương làng xóm của người dân quê tôi.

Thành phố bây giờ người ta sống theo xu hướng giản tiện, tết đến cái gì cũng mua, cũng sắm. Nhưng riêng tôi, tôi vẫn thích được vất vả hì hục cùng chị, cùng em gói bánh, ngồi canh nồi bánh chưng để được nghe tiếng nổ tí tách của củi cháy than hồng, để được lãng đãng trong âm hưởng cổ tích ngàn đời.  Nhưng vui thích nhất vẫn là lúc nồi bánh chín, từng chiếc được vớt ra rửa kỹ rồi chọn ra những cặp bánh đẹp nhất đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên đêm giao thừa sau đó được nếm bánh. Chao ôi, có phải thèm thuồng gì đâu mà sao miếng bánh lại ngon đến thế, hương vị của đất, của tấm lòng thơm thảo của mẹ, của em vất vả trên cánh đồng làng, tất cả là đây, nồng nàn tình nghĩa.

Sáng mồng Một, tôi theo cha đến lễ tết ông, bà để được nhận những đồng tiền mừng tuổi từ tay ông, tay bà, được nghe lời chúc đầu năm mới. Tôi nhớ hình như mỗi năm lời chúc của ông một khác, mỗi cháu được nhận một lời chúc riêng, đấy là nỗi lòng, là kỳ vọng của ông gửi vào mỗi cháu con. Tôi sung sướng đón nhận lời chúc của ông, của bà sáng như đón nhận một ân huệ ông bà dành cho chúng tôi.

Người dân quê tôi vẫn có phong tục “Mồng Một tết cha, mồng Hai tết chú, mồng Ba tết thầy”, sau đó rồi đi chơi đâu mới đi. Đẹp đẽ và đáng trân trọng biết bao tấm lòng của người dân quê bình dị.

Tất cả những gì thiêng liêng, ấm cúng, trong lành ấy chính là hồn quê ngày tết. Cái hồn quê ấy theo mỗi người đi suốt cuộc đời để rồi tết đến xuân về lại tìm mọi cách để về quê.

Văn Thông

Các tin khác
Thành cổ Quảng Trị vào phim “Mùi cỏ cháy”.

Thái Lan mỗi năm thu hơn 4 tỷ USD từ khách du lịch, một phần do tác động của điện ảnh. Việt Nam có tiềm năng không kém, theo đánh giá của nhiều chuyên gia nước ngoài.

Bên cạnh, sự tham gia của Doãn Tuấn và Như Thảo, Ngọc Trinh sẽ tham dự với tư cách khách mời tại Liên hoan người mẫu Châu Á.

Ngày 9-1, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Bộ Ngoại giao đã tổ chức gặp mặt báo chí thông báo chương trình Xuân Quê hương 2012, hoạt động thường niên dành cho kiều bào về đón xuân tại Việt Nam với tên gọi “Rồng thiêng tụ hội”.

Quán quân Vietnam's Next top Model 2011 - Hoàng Thùy (áo trắng) và siêu mẫu Tyra Banks.

Đêm chung kết Người mẫu Việt Nam - Vietnam’s Next Top Model 2011 - vừa kết thúc tối 8-1 tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, TPHCM với ngôi vị cao nhất thuộc về Hoàng Thùy - sinh viên năm 2 của trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục