“Yên Bái xưa và nay” qua 3 số đầu
- Cập nhật: Thứ tư, 15/2/2012 | 9:43:08 AM
YBĐT - Mấy năm nay, một tập san mang tính nội bộ, còn mới mẻ xuất hiện ở tỉnh Yên Bái, đó là Tập san “Yên Bái xưa và nay” do Hội Khoa học lịch sử tỉnh Yên Bái ấn hành. Trong buổi ban đầu, mỗi năm Hội mới in được một số. Số 1 được in năm 2009, số 2 in năm 2010 và số 3 năm 2011.
Tuy mới khai sinh, còn lưu hành nội bộ nhưng “Yên Bái xưa và nay” khá chững chạc, đáng danh tờ tạp chí của một hội có kiến thức, có trách nhiệm với dân, với Đảng, chính quyền ở địa phương cấp tỉnh. Tập san này cần và khá hấp dẫn đối với bạn đọc.
Số đầu tiên, theo lệ thường, Tập san dành trang giới thiệu quyết định thành lập Hội, quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Khoa học lịch sử Yên Bái, báo cáo chính trị đại hội lần thứ nhất, danh sách ban chấp hành và hội viên... Dù vậy, nội dung vẫn phong phú, hấp dẫn. Cả 3 số có nhiều bài rất nên đọc và quan tâm. Trong đó có những bài đáng chú ý: “Địa danh, địa giới Yên Bái trong lịch sử”, “Nguyễn Phúc – tấm gương của người cộng sản”, “Hệ thống di tích ở Yên Bái”, “Cổng Đục – một di tích cần được bảo tồn”...
Chỉ qua 3 số cũng thấy có nhiều nội dung hay, tin cậy không những với người làm công tác lịch sử, yêu lịch sử địa phương mà còn cần với cả các cây bút và cả với người đang sinh sống trên đất Yên Bái, nhất là thế hệ trẻ. Đó là bài về các địa danh, địa giới tỉnh Yên Bái trong lịch sử (Nông Thụy Sỹ), “Hệ thống di tích ở Yên Bái” (Trần Xuân Ca), “Nguyễn Thái Học cuộc đời và sự nghiệp” (Nguyễn Văn Quang), “Phong trào thanh niên đoàn ở Yên Bái” (Hà Thị Ngọc Lan), “Thị xã Yên Bái một thời” (Ngọc Bái), “Phế tích thời Trần ở Pú Tre” (Lý Kim Khoa), “Chánh tổng Lương Ca Trần Đình Khánh trong cách mạng tháng 8 năm 1945” (Hà Lâm Kỳ), “Hà Chương và ngôi đền thờ ở Châu Quế Hạ” (Nguyễn Hòa), “Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở thị xã Yên Bái” (Hoàng Việt Quân)...
Trong khuôn khổ của bài viết, xin trích một đoạn trong bài “Thị xã Yên Bái một thời” (Yên Bái xưa và nay số 3): “Thị xã Yên Bái được sông Hồng bao bọc theo hình vòng cung (như nửa vầng trăng). Từ dốc Đài Thiên văn tới chùa Bách Lẫm dài chừng 3km. Đối diện bên kia sông là các làng Lũ Điền, Bảo Hưng, Giới Phiên. Thị xã chia làm 4 phố, theo trình tự từ thượng nguồn xuôi xuống là các phố Yên Lạc, Yên Hòa, Yên Bình, Yên Thái.
Phố Yên Lạc từ đầu tỉnh lỵ tới nhà máy đèn, phố Yên Hòa từ đền cây Sữa đến hết chợ Yên Bái (đây là khu chợ cũ, nay là địa điểm trường Lý Thường Kiệt), phố Yên Bình (sau đổi thành phố Hội Bình) từ đền Vọng qua Chùa Am, tiếp đó là phố Yên Thái qua ga tới Bách Lẫm”... Những tư liệu như vậy không ít người đang ở Yên Bái chưa hẳn đã biết. Một cụ ông tuổi ngoài 80, sống từ nhỏ ở Yên Bái, gặp tôi cung cấp cho tư liệu thế này: Sau khi thành lập tỉnh Yên Bái, tết năm Canh Tý, tri phủ Trấn Yên cho mời các cụ cao tuổi đến phủ, lấy ý kiến đặt tên cho 4 phố.
Các cụ đã nhất trí đặt tên theo thứ tự từ dưới lên, đều lấy chữ “Yên” (của Yên Bái) làm gốc, ghép với câu “thái - bình - hòa - lạc” thành tên các phố: Yên Thái, Yên Bình, Yên Hòa, Yên Lạc. “Thái bình hòa lạc” là mong muốn cho mọi người dân được sống trong thái bình, hòa thuận, an lạc. Riêng phố Yên Bình trùng tên với phủ Yên Bình (đã có, ở gần kề) nên đổi thành phố Hội Bình. Tên 4 phố này tồn tại đến năm 1946. Như vậy, xuất hiện “Yên Bái xưa và nay”, các kiến thức, thực tế về lịch sử địa phương sẽ dần được bổ sung cho đầy đủ, chi tiết hơn.
“Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Trong đổi mới, hội nhập làm ăn, kiến thức lịch sử càng cần phổ biến, gìn giữ. Lịch sử địa phương rất gần gũi quanh ta, là một bộ phận của lịch sử dân tộc, cũng rất cần thiết. Nên chăng “Yên Bái xưa và nay” được xuất bản tăng kỳ, rộng rãi hơn.
Trần Cao Đàm
Các tin khác
Nhiều thiên tình sử đã xảy ra từ rất lâu trong quá khứ, nhưng một số chuyện tình ấy trở nên nổi tiếng nhiều thế kỷ sau đó và đến giờ chúng ta vẫn nói về họ. Những tình yêu trong văn chương cũng thu hút được trí tưởng tượng và trở nên bất tử trong phim ảnh...
Mấy ngày qua, giới truyền thông liên tục đăng thông tin về bộ ảnh “Áo dài khoe nét xuân thì” của hoa hậu Mai Phương Thúy. Trong số đó, có một số bức ảnh theo quan niệm của nhiều người là phản cảm, “gợi dục”, thậm chí có ý kiến còn cho rằng nên tước danh hiệu hoa hậu của Mai Phương Thúy vì bộ ảnh nói trên.
Hàng nghìn người có mặt trong đêm trao giải 12/2 tại Los Angeles, Mỹ, không cầm được nước mắt khi xem lại những hình ảnh của diva bạc mệnh tại Grammy năm 1993, khi Whitney phiêu linh với 'I Will Always Love You'.
Với nhiều thay đổi lớn, mùa giải Grammy năm nay được đánh giá là một trong những mùa giải gây nhiều tranh cãi nhất từ trước đến nay.