Gìn giữ trang phục truyền thống của người Mông
- Cập nhật: Thứ hai, 16/4/2012 | 2:38:00 PM
YBĐT - Trang phục truyền thống của người Mông được làm bằng vải dệt từ sợi lanh nhuộm màu chàm, có trang trí bởi những đường kim, mũi chỉ và nét vẽ bằng sáp ong tạo nên những hoa văn đẹp. >>>Nét nghệ thuật trong trang phục dân tộc Mông
Váy áo may sẵn được bày bán rất nhiều ở các chợ huyện vùng cao.
|
Với trang phục dành cho nữ giới gồm có khăn cuốn đầu hay còn gọi là mũ đội đầu với áo đuôi dài, váy thùng, tạp dề, dây lưng và xà cạp.
Nếu là trang phục của phụ nữ Mông hoa và Mông trắng thì trên lưng áo thường thêu nhiều hoa văn hình học như: hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật, hình quả trám và hình xoáy ốc…
Ngoài ra, còn có những đường viền xung quanh với nhiều màu chỉ khác nhau làm cho chiếc áo có màu sắc sặc sỡ, mang đậm bản sắc của dân tộc.
Còn nếu đó là trang phục của phụ nữ Mông đen và Mông đỏ thì các họa tiết trang trí chỉ tập trung trên hai ống tay áo và phía trước ngực. Các hoa văn thường là hình bông hoa, hình vuông, hình chữ nhật và hình tam giác…
Váy của phụ nữ Mông thường dùng 3 mảnh vải dài theo chiều ngang từ 2 đến 3 mét nối lại với nhau thành tấm vải có chiều rộng gần 1 mét tùy thuộc vào độ tuổi của người sử dụng.
Với tấm vải này sẽ tạo ra một chiếc váy hoàn hảo. Người ta khâu phần cạp váy gập thành nhiều ly để ngắn lại làm sao cho vừa vòng bụng của người sử dụng.
Khi mặc vào người, tạo ra những lớp sóng rung rinh áp sát vào thân, khi ngồi xuống thì xòe rộng ra thành vòng tròn như bông hoa nở. Chiếc váy được chia thành 3 phần để sắp xếp, trang trí các họa tiết hoa văn theo từng phần từ trên cạp váy xuống chân váy.
Phần giáp cạp váy thông thường đồng bào chỉ dùng vải nhuộm màu chàm, ít khi được trang trí bằng hoa văn, nếu có thì cũng không nhiều. Phần giữa váy, các họa tiết thường là những hình vuông, hình tam giác nhỏ và đường kẻ liền thẳng với các nét đứt chấm bút dùng sáp ong tạo ra trên mặt vải.
Phần chân váy là phần tập trung các họa tiết và được trang trí tinh xảo nhất. Màu sắc được trang trí trên váy thường là: xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, đen… Mỗi hoa văn, họa tiết đều ẩn chứa ý nghĩa nhân sinh gần gũi, gắn liên với đời sống tâm linh và tinh thần của người Mông.
Sự khéo léo được thể hiện trên từng đường thêu, mũi chỉ tạo nên những họa tiết tinh xảo đẹp mắt ấy là cả một quá trình sáng tạo cần mẫn trong lao động, sản xuất của người phụ nữ Mông.
Không rực rỡ như trang phục của nữ giới, trang phục dành cho nam giới cũng có những đặc điểm độc đáo riêng của nó. Áo của nam giới ngắn, chỉ dài đến thắt lưng, cổ áo có một cánh nhiều cúc để cài và kéo chéo từ trên cổ xuống nách bên phải.
Nếu là nam giới người Mông hoa và Mông trắng thì áo thường là màu đen, không trang trí hoa văn và được may với hai lớp vải. Lớp bên ngoài màu đen nhuộm chàm, lớp bên trong áo là vải màu xanh da trời hoặc màu xanh nước biển, khi mặc vào họ gập ở cổ tay áo lật lên 2 vòng để lộ màu từ trong ống tay áo ra ngoài, làm nổi bật sự khỏe với dáng vóc của các chàng trai.
Nếu nam giới là người Mông đen thì hai ống tay áo và phía trước ngực được trang trí bằng nhiều hoa văn với nhiều màu sắc khác nhau làm cho chiếc áo nổi bật lên.
Quần của nam giới dân tộc Mông thường là màu đen nhuộm chàm, ống rộng để thông thoáng cho việc leo trèo đồi núi và múa khèn dễ dàng. Trang phục của cả nam và nữ dân tộc Mông đều là do đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc Mông làm ra.
Với sự cần cù và trí tưởng tượng phong phú, người phụ nữ Mông đã trở thành nghệ sĩ tinh hoa tạo nên những tác phẩm nghệ thuật làm say đắm lòng người. Do đó những bé gái khi mới lên 6 - 7 tuổi đã được mẹ truyền dạy cách trồng lanh, dệt vải, thêu thùa, tập may trang phục truyền thống của mình.
Bà Giàng Thị Súa ở bản Thào Chua Chải, xã Nậm Có (Mù Cang Chải) cho biết: "Thời còn nhỏ tôi đã được mẹ dạy cách trồng lanh, dệt vải, nhuộm màu rồi thêu, may áo váy và tôi học rất say sưa nhưng lớp trẻ hiện nay thì khác, một số cháu không thích thêu thùa mà chỉ đua nhau theo mốt mới nửa truyền thống, nửa hiện đại...".
Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, diện mạo ở vùng cao đã đổi thay về mọi mặt, đời sống tinh thần được nâng lên, việc trao đổi giao lưu văn hóa được mở rộng.
Lớp trẻ Trạm Tấu đang ăn mặc theo xu hướng nửa truyền thống, nửa hiện đại.
Tuy nhiên, cùng với sự đổi mới ấy, những bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Mông ngày càng mất dần đi, trong đó có trang phục truyền thống của người Mông.
Từ váy áo của nữ giới đến quần áo của nam giới không còn được may bằng vải lanh như trước kia mà được thay bằng vải láng.
Điều đáng suy ngẫm là nếu như trước đây, khi đến vùng đồng bào Mông chúng ta đều thấy nam nữ người Mông từ già đến trẻ đều mang trên mình những bộ trang phục truyền thống có nét đặc trưng riêng của dân tộc, thì nay những bộ trang phục truyền thống ấy ở vùng đồng bào Mông đã thưa dần.
Trong đó, trang phục của nam giới hầu như không còn, đặc biệt là ở lớp trẻ. Ở các hộ gia đình, mỗi nam giới chỉ có duy nhất một bộ quần áo truyền thống để mặc trong lễ tết, hội hè và thậm chí có những người chỉ may cho mình đúng một chiếc áo theo kiểu truyền thống, còn quần là quần âu được may sẵn mua ở chợ về.
Hình ảnh người đàn ông mặc quần áo sơ mi, áo phông khi tiết trời nắng ấm hoặc mặc những chiếc áo khoác từ miền xuôi mang lên đã trở thành phổ biến ở vùng cao.
Đối với phụ nữ Mông, tuy sự mai một về trang phục không diễn ra mạnh mẽ như ở nam giới, nhưng thực tế cũng đang ở mức báo động. Nhiều phụ nữ ngày nay chỉ còn mặc mỗi chiếc váy, còn áo cũng là áo phông hoặc áo sơ mi.
Váy cũng vậy, nhiều người không còn dùng váy do mình tự thêu dệt mà là những chiếc váy may sẵn (hàng của Trung Quốc) được bày bán ở chợ, các họa tiết hoa văn trên váy không phải là thêu bằng sợi chỉ mà là những họa tiết được in ấn bằng mực với máy hiện đại lên mặt chất vải.
Bà Giàng Thị Nu ở xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) cho biết: "Hiện nay ở quê tôi, lớp trẻ đua nhau với mốt áo váy hiện đại vì nó nhẹ và mua đơn giản, tuy không đẹp bằng váy truyền thống nhưng lại không kỳ công chút nào, chỉ mất 80.000 đồng đến 100.000 đồng thì có thể mua được một chiếc váy về dùng".
Sự mai một về trang phục truyền của người Mông không chỉ có ở huyện Mù Cang Chải hay Trạm Tấu mà hiện nay hầu như ở tất cả các vùng người Mông sinh sống trên đất nước ta.
Nay đến với vùng người Mông, ít gặp được những hình ảnh các chị phụ nữ người Mông bước trên đường, chân vừa đi tay vừa se lanh và cũng hiếm thấy những cô gái má hồng ngồi trên khung cửi dệt vải, phơi lanh, thêu thùa trước hiên nhà.
Chị Lý Thị Sua ở bản Nậm Pản, xã Nậm Có (Mù Cang Chải) cho biết: "Chỉ vào những ngày giáp tết thì chị em mới làm cho mình một bộ trang phục truyền thống để dự ngày hội xuân, còn ngày thường thì có thể mặc quần áo đơn giản".
Nguyên nhân khiến cho trang phục của người Mông có sự mai một là do tác động hội nhập về văn hoá giữa các vùng miền, lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước.
Những bộ trang phục sản xuất hiện đại được mang từ Trung Quốc sang đang tràn ngập thị trường vùng cao với giá bán rất rẻ, chỉ cần bỏ ra từ 80.000 đến 100.000 đồng là đã có thể mua được chiếc váy như ý.
Trong khi đó, việc dệt vải để may những bộ trang phụ truyền thống chỉ làm theo hình thức thổ công và lại rất công phu cho nên không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong thời nay.
Ngoài ra, một bộ váy áo truyền thống thì lại bán với giá khá cao từ 3,5 đến 4 triệu đồng. Bên cạnh đó, quan điểm về chuyện ăn mặc cũng bắt đầu bộc lộ sự đơn giản hơn trong suy nghĩ đối với lớp trẻ người Mông hiện nay.
Trước thực trạng về sự mai một đối với trang phục truyền thống của người Mông như hiện nay, nên chăng các cơ quan chức năng cũng như các địa phương thuộc vùng đồng bào sinh sống cần có những giải pháp tuyên truyền vận động đồng bào bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa đặc trưng độc đáo của mình.
Đồng thời, có định hướng sản xuất để đưa ra thị trường bán để tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào, đó cũng là cách bảo tồn và gìn giữ trang phục truyền thống của dân tộc.
Vàng Mai
Các tin khác
Ngày 16-4, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh vừa có chỉ thị về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trong đó có nhấn mạnh việc kiên quyết không cấp phép biểu diễn, tiếp nhận giấy phép biểu diễn đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn, các ca sĩ đã có sai phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
YBĐT - Thế Lữ tên khai sinh là Nguyễn Thế Lữ, quê ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (sau này là huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc). Ông là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Ông còn có bút danh khác Lê Ta.
Tối ngày 14/4, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, số 19 phố Albert, trung tâm Thủ đô Paris (Pháp) diễn ra lễ khai mạc Triển lãm tranh, ảnh và nghệ thuật sắp đặt của họa sĩ Việt kiều, Vương Pat Cam, mang tên “Hà Nội, 36 phố phường.”
Tối 15-4, lễ bế mạc Festival Huế 2012 đã diễn ra ở sân khấu dưới chân kỳ đài Huế. Ngay từ chiều tối, hàng vạn du khách và người dân đã tập trung chật kín khu vực sân khấu, các con đường lân cận để hưởng ứng Festival Huế 2012 thành công tốt đẹp.