Thế Lữ với vở kịch “Chiến thắng Nghĩa Lộ”

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/4/2012 | 11:18:37 AM

YBĐT - Thế Lữ tên khai sinh là Nguyễn Thế Lữ, quê ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (sau này là huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc). Ông là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Ông còn có bút danh khác Lê Ta.

Trung tâm thị xã Nghĩa Lộ ngày nay.
(Ảnh: Thanh Thủy)
Trung tâm thị xã Nghĩa Lộ ngày nay. (Ảnh: Thanh Thủy)

Trước cách mạng Tháng Tám, trong lĩnh vực văn học, ông là tác giả của nhiều cuốn chuyện đường rừng bí hiểm và truyện trinh thám. Ông đặc biệt thành công với tập “Mấy vần thơ” (1935).

Bài thơ “Nhớ rừng” ai nấy một thời đều thuộc lòng vì ông thông qua tâm sự u uất của con hổ trong vườn bách thú để nói lên tâm sự chung của một lớp người đang sống “nhục nhằn tù hãm” trong cảnh nô lệ. Trong “Mấy vần thơ, tập thơ” (1940) ta gặp một Thế Lữ chán trường, tuyệt vọng.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công đã giúp Thế Lữ trở thành nghệ sĩ cách mạng, có những đóng góp vào phong trào văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lĩnh vực sân khấu.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông lên Việt Bắc, là ủy viên thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam. Sau đó, ông lần lượt phụ trách đoàn kịch chiến thắng (Quân đội), chỉ đạo nghệ thuật Đoàn văn công nhân dân Trung ương.

Các vở diễn trong giai đoạn này là: “Cụ Đạo và sư ông” (kịch ngắn), Tin chiến thắng Nghĩa Lộ (kịch ngắn). Nhiều vở chưa có điều kiện xuất bản và dàn dựng như: Ông giáo Quán (kịch dài), Đợi chờ (kịch dài), Người chiến sĩ chồng tôi (kịch thơ), Tin chiến thắng Điện Biên (kịch ngắn).

Từ năm 1957 ông là Chủ tịch Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, có nhiều cống hiến tích cực vào việc xây dựng ngành sân khấu hiện đại Việt Nam.

Vở kịch ngắn “Tin chiến thắng Nghĩa Lộ” được Thế Lữ viết trong và ngay sau khi chiến dịch Lý Thường Kiệt màn II giải phóng Nghĩa Lộ (10/1952) thành công, tạo điều kiện để quân ta tiến vào bao vây tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc.

Vở kịch được mau chóng dàn dựng, biểu diễn, làm nức lòng quân dân cả nước. Vở kịch sau đó được rút gọn tít, gọi là “Chiến thắng Nghĩa Lộ”, đoạt giải Ba giải thưởng văn nghệ 1951 - 1952 - giải thưởng đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam. Vở kịch còn được đưa vào in trong Tuyển tập Thế Lữ.

Vở kịch diễn tả xoay quanh gia đình một “mế già” người dân tộc thiểu số ở Nghĩa Lộ sống trong vùng địch hậu với bối cảnh bộ đội đang tiến vào giải phóng Nghĩa Lộ.

Thế Lữ đã không miêu tả trực tiếp trận đánh mà chỉ tập trung vào miêu tả tâm trạng, niềm vui và tấm lòng của nhân dân hậu địch đối với kháng chiến, đối với bộ đội đang tiến vào giải phóng Nghĩa Lộ.

Lời thoại ngắn, kịch tính nhanh với tin vui chiến thắng dồn dập bay về khiến lòng người phấn khởi, rạo rực. Gia đình bà “mế” và bà con dân bản đã hăng hái tham gia ủng hộ kháng chiến, giúp đỡ bộ đội, tạo thành một thế trận quân dân đoàn kết, nhất trí, đánh tan phân khu quân sự của địch ở Nghĩa Lộ, giải phóng đồng bào thoát khỏi ách kìm kẹp của giặc.

Có lẽ đây là vở kịch ngắn đầu tiên thành công viết về đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp, giải phóng Nghĩa Lộ, giải phóng Tây Bắc.

Vở kịch tuy còn hạn chế do các nhân vật là đồng bào dân tộc ở vùng Nghĩa Lộ vẫn có nét na ná giống với đồng bào Tày - Nùng ở Việt Bắc (do tác giả đã quá quen khi sống ở chiến khu Việt Bắc, vả lại do hoàn cảnh chiến tranh diễn ra dồn dập, mau chóng, tác giả ít có dịp tiếp xúc, tìm hiểu kỹ về người Thái trong vùng hậu địch Văn Chấn - Nghĩa Lộ) nhưng vẫn được đông đảo công chúng đón nhận hào hứng, có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời công cuộc kháng chiến.

Việc lần đầu tiên xuất hiện trân sân khấu nước nhà các nhân vật là người dân tộc thiểu số ở Nghĩa Lộ, ở Tây Bắc tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp là một đóng góp đáng quý cho nền nghệ thuật sân khấu hiện đại Việt Nam, là một mốc son đáng ghi nhận, đáng biểu dương đối với Thế Lữ.

Hoàng Việt Quân

Các tin khác
Họa sĩ Việt kiều Vương Pat Cam

Tối ngày 14/4, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, số 19 phố Albert, trung tâm Thủ đô Paris (Pháp) diễn ra lễ khai mạc Triển lãm tranh, ảnh và nghệ thuật sắp đặt của họa sĩ Việt kiều, Vương Pat Cam, mang tên “Hà Nội, 36 phố phường.”

Bế mạc Festival Huế 2012 lộng lẫy và sâu lắng.

Tối 15-4, lễ bế mạc Festival Huế 2012 đã diễn ra ở sân khấu dưới chân kỳ đài Huế. Ngay từ chiều tối, hàng vạn du khách và người dân đã tập trung chật kín khu vực sân khấu, các con đường lân cận để hưởng ứng Festival Huế 2012 thành công tốt đẹp.

Trang phục Cung đình Huế - di sản đặc sắc trong kho tàng văn hóa Huế.

Những bộ trang phục triều Nguyễn đã trở thành di sản đặc sắc, ẩn chứa sử liệu bất thành văn trong việc nghiên cứu và phát triển văn hóa Huế.

Theo tin từ Bộ VH,TT&DL, thời gian qua, CNN đã phối hợp rất tốt với Bộ quảng bá các hoạt động văn hóa, du lịch của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Trong năm 2012, Bộ VH,TT&DL và tỉnh Ninh Bình sẽ hợp tác để quảng bá hình ảnh quần thể danh thắng Tràng An trên kênh CNN.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục