Đình Lương Nham - Dấu ấn của một vùng đất thiêng

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/4/2012 | 3:07:28 PM

YBĐT - Đình Lương Nham còn có tên gọi khác là đình Cả hay đình Trắng, tọa lạc tại tổ 31, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái. Vùng đất này xưa kia thuộc khu Đồng Ngật, trang Lương Nham, tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Lương Nham là tên làng. Đình Lương Nham có từ thời Hùng Nghi Vương thứ 17. Đình được chọn dựng trên một cuộc đất quý, phía trước có núi nằm ngang làm tiền án; hai dòng sông chảy hai bên làm vạt áo; phía sau  có Long cung làm hậu chẩm, lại có dòng nước chảy ngược vào giữa cuộc đất. 

Năm 1938, ngôi đình này được dựng lại, những kiến trúc ở mặt tiền vẫn còn được bảo tồn nguyên bản đến ngày hôm nay.

Đình thờ 7 vị đại vương. Truyền tích về ngôi đình này được quản giám tri điệm thuộc bộ Lễ triều Lê phụng sao từ bản Ngọc bảo cổ truyền ghi rõ: Sắc phong cho Đột Ngột Cao Sơn Thánh vương là Thượng đẳng phúc thần - người thời 18 đời các vua Hùng của nước Việt cổ.

Sắc phong cho Thành hoàng Cao Sơn Nông Cả Đại vương; Thành hoàng Cao Sơn Bảo Hưng Đại vương. Ba vị trên là bậc Thánh vương. Lại sắc phong cho: Thành hoàng Thạch Linh Thần Đại vương và Thổ Lệnh Linh ứng Tôn thần. Hai vị trên là bậc Tôn thần.

5 vị đại vương này được thờ tại hậu cung. Ban tam bảo thờ Thái tử Nguyễn Công Rước Đại vương, sắc phong là Rực Thánh Minh Đức Trung đẳng thần và Công chúa Quế Hoa, sắc phong là Liệt nữ Trinh Thục Công chúa, tặng phong là Huệ Hòa Gia Hạnh Trinh Nhất Từ Tướng phu nhân.

Tích xưa kể rằng, đời vua Hùng thứ XVII là Hùng Nghi Vương làm vua. Một ngày nhàn rỗi tuần du núi Tam Đảo, nhà vua gặp Quế Hoa Xuân Dung là tiên nữ được Thượng đế sai giáng trần giúp cứu nước, yên dân.

Vua cho đưa nàng về kinh thành rồi lập làm người đứng đầu cung phi trong hậu cung. Vào ngày 2 tháng 2 năm Quý Hợi, bà mộng thấy thần nhân đưa cho hai quả đào, từ đó bà hoài thai và mang thai tới 14 tháng.

Đúng ngày mùng 10 tháng 2 năm Giáp Tý, sinh hạ một đứa trẻ diện mạo phi thường, hình dung quý phái, thiên chất kỳ dị, vẻ đẹp hơn người nên đặt tên là Thạch Linh.

4 năm sau, vào ngày 11 tháng 8 năm Đinh Mão, bà sinh hạ một người con trai diện mạo đẹp đẽ nên đặt tên là Thổ Lệnh. Hai ông trưởng thành, tài kiêm văn – võ, giỏi đàn sáo, thông hiểu âm luật.

Thời bấy giờ trong nước có loạn, Vua Thục ngầm định chiếm đoạt đất nước. Triều đình cử hai ông đánh giặc, phong là Lạc tướng và Bố chính, lãnh 5 vạn quân cùng dân trong 5 giáp do hai ông sai phái.

Quân Thục đại bại, hai ông được nhà vua giao quyền coi giữ các trang ấp thuộc châu Quy Hóa được 7 năm. Ngày 18 tháng 11 năm Giáp Ngọ, mộng thấy Thiên sứ của Thượng đế mời về triều đình, đến ngày 11 tháng 11 năm ấy, hai ông không ốm mà qua đời, di hài được đưa về thang mộc ấp (là thái ấp nhà vua ban cho công thần) thuộc kinh thành Thăng Long để mai táng.

Đến ngày mùng 10 tháng Giêng năm Bính Thân, vua Hùng hội triều, sắc phong cho hai ông và 3 vị đại vương trên. Tri điệm bộ Lễ nhận sắc phong đưa về trang Lương Nham để phụng thờ, đồng thời truyền lập 47 ngôi đền thờ phụng ở khắp nơi.

Hiển linh trong việc giúp nước, yên dân, dẹp trừ tai họa, tự tiền cổ đến nay việc thờ phụng tại đình vẫn được duy trì theo 5 tiệc chính trong năm là ngày mùng 10 tháng Giêng, ngày 11 tháng 12 Âm lịch với lễ thay mũ áo, thay chiếu cùng các tiệc lễ theo ngày sinh và ngày hóa của Thạch Linh Thần Đại vương và Thổ Lệnh Linh ứng Tôn thần.

Ngưỡng vọng đức lớn của thần, vào những dịp lễ chính trong năm, nhân dân trong vùng và du khách thập phương lại tụ hội về đây để ngưỡng vọng, tưởng nhớ đức lớn của các bậc thánh nhân, hương nhang chiêm bái.

Đình Lương Nham hiện còn lưu 4 chữ Hán đại tự trên nóc là: Chiêm giả khởi kính và đôi câu đối: An địa doanh thành cơ chỉ cựu/ Nham sơn đặc lập đống lương tân (dịch nghĩa là: Đất tốt thành doanh còn dấu cũ/ Núi Nham riêng lập miếu thờ thần).

Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, đình Lương Nham đã và đang dần mất đi những nét kiến trúc cổ xưa.

Việc quy hoạch và tôn tạo lại ngôi đình này đang được chính quyền địa phương nỗ lực thực hiện nhằm gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh của một vùng đất thiêng một thời lưu dấu như đôi câu đối xưa còn tạc ngoài cửa đình:

Hộ quốc tý dân, vạn cổ anh linh truyền thắng địa
Trừ tai, hãn hoạn, thiên thu phúc huệ ấm tư dân.

P.V

Các tin khác
Thỉnh ẩm bộ Bác chung Đặc khánh.

Hàn Quốc đã chuyển giao cho Thừa Thiên-Huế hai bộ nhạc khí phục chế gồm Bác chung (chuông đồng lớn), Đặc khánh (khánh đá lớn).

Kiều Văn Thanh bất ngờ vượt qua những ứng viên nặng ký như Xuân Lân, Xuân Trung, Thái Sơn để cùng giọng ca nhạc kịch của Hương Thảo tiến thẳng vào chung kết.

Di sản cồng chiêng Tây Nguyên sẽ được trình diễn trong không gian văn hóa của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ngày 18-4, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây - Hà Nội), đồng bào các dân tộc có thêm một cơ hội để giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình thông qua các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4).

Dưới đây là 10 bức họa đẹp nhất mọi thời đại của các họa sĩ lừng danh thế giới do Guardian bình chọn. Vẻ đẹp duyên dáng đến mê mẩn, ý nghĩa biểu tượng…là những điểm độc đáo của các tuyệt phẩm này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục