Bảo tồn Di tích lịch sử Gò Cọ làng Chiềng
- Cập nhật: Thứ tư, 13/6/2012 | 4:08:35 PM
YBĐT - Di tích lịch sử Gò Cọ làng Chiềng xưa kia thuộc làng Chiềng, nay là thôn Trung Mỹ, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái).
Di tích Gò Cọ làng Chiềng, xã Cường Thịnh.
|
Vùng đất này thời Hùng Vương thuộc bộ Tân Hưng, nước Văn Lang. Năm Minh Mạng thứ 17 đặt lưu quan là trang Cường Nỗ, thuộc tổng Bách Lẫm, phủ Quy Hóa.
Là địa danh ghi dấu ấn lịch sử cách mạng địa phương, Di tích lịch sử Gò Cọ làng Chiềng được biết đến là địa điểm diễn ra Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ hai họp từ ngày 10 đến ngày 15/1/1949.
Được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng từ tháng 6 năm 2007, song hiện Di tích lịch sử Gò Cọ làng Chiềng chỉ còn là dấu tích, rất cần được đầu tư tôn tạo và gìn giữ cho xứng tầm một di tích mang đậm dấu ấn lịch sử của tỉnh.
Làng Chiềng theo tích xưa có tên là làng Thành. Vì phạm vào tên húy của người khai ấp lập làng nên người dân địa phương không ai dám đặt tên con là Thành và làng Chiềng có tên từ đó.
Theo lịch sử Đảng bộ địa phương và những cứ liệu công nhận Di tích lịch sử Gò Cọ làng Chiềng ghi lại thì ngay từ trung tuần tháng 12 năm 1948, công tác chuẩn bị phục vụ Hội nghị đại biểu lần thứ hai của Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã diễn ra tại Gò Cọ làng Chiềng, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên.
Lực lượng bảo vệ Hội nghị do Trung đoàn 115 Liên khu 10 và lực lượng du kích xã Cường Thịnh đảm trách. Phòng họp dùng nhà của cụ Vũ Văn Cầm (tức bủ Tạ). Đình làng Cường Thịnh dùng làm nơi tiếp đón đại biểu; làm thêm 4 nhà sàn, đào 1 giếng nước, làm thêm 1 phòng triển lãm, nhà điện, nhà để radio, làm 3 cổng chào.
Tham dự Hội nghị có đại biểu của Tỉnh ủy, huyện Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Văn Bàn, Than Uyên, đại biểu Liên chi một, Liên chi hai và 6 đại biểu Trung đoàn 115.
Đúng 14h ngày 10 tháng 1 năm 1949, khai mạc Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ hai tại làng Chiềng, xã Cường Thịnh. Hội nghị tổng kết mọi mặt công tác, trọng tâm là tình hình công tác 6 tháng cuối năm 1948, vạch phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 1949; đồng thời tiến hành bầu ra Ban chấp hành chính thức.
Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ hai đã làm tròn nhiệm vụ của một đại hội, vì vậy được xác định là Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ tỉnh Yên Bái. Sự kiện này đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ tỉnh trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Những chủ trương và biện pháp đúng đắn của Đại hội có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ cuộc kháng chiến của quân và dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tiếp tục giành nhiều thắng lợi to lớn.
Đưa chúng tôi thăm lại di tích này, ông Hoàng Đình Thinh, Trưởng ban quản lý đình Cả xã Cường Thịnh và những bậc cao niên am tường về sự kiện lịch sử này cho hay, ngôi nhà của cụ Vũ Văn Cầm trước đây là ngôi nhà sàn 3 gian có một chái đặt cầu thang gỗ, kết cấu 4 hàng chân, 4 cột cái, 8 cột hiên và 8 cột phụ; các cột đều được làm bằng gỗ chò nâu, bào trơn. Kiến trúc gồm 3 vì kèo chính, sàn và vách nhà làm bằng diễn, tre, nứa, mái lợp cọ. Cùng với thời gian, ngôi nhà này bị hư hỏng nên đã tháo dỡ từ lâu, hiện chỉ còn lại dấu tích phần nền nhà.
Nằm trong quần thể Di tích lịch sử Gò Cọ làng Chiềng, đình Cả cũng là nơi gắn với nhiều sự kiện trọng đại của địa phương trong quãng thời gian từ năm 1945 đến năm 1949. Không mang nặng màu sắc tôn giáo như nhiều lễ hội khác, lễ hội đình Cả Cường Thịnh diễn ra vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm được xem như sinh hoạt văn hóa đầu xuân của cả cộng đồng, mang đậm nét văn hóa làng xã của người dân Việt.
Người trong vùng tụ hội về đình làng không chỉ để được thể hiện tấm lòng thành kính của mình với các bậc hiền tài đã có công khai ấp lập làng, với các anh hùng liệt sỹ - những người con của quê hương đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, mà còn để được vui với những trò chơi dân gian đậm chất quê.
Đình Cả mới được phục dựng lại theo lối chữ Nhất, gồm 4 gian đại bái và 1 gian hậu cung. Việc làm này không chỉ xuất phát từ tâm nguyện của người dân địa phương và nhân dân trong vùng mà nó thể hiện rõ sự nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm phục hồi và bảo tồn các di tích mang đậm dấu ấn của lịch sử và các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống sinh hoạt tinh thần của cộng đồng.
Ông Lương Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cường Thịnh bộc bạch: “Điều mong muốn nhất của địa phương đó là sớm quy hoạch, phục hồi và bảo tồn được các di tích lịch sử, đặc biệt là việc phục dựng lại ngôi nhà sàn của bủ Tạ – địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại của Đảng bộ tỉnh tại địa phương, lấy đó làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, để làm được việc này, Cường Thịnh rất cần có sự chung tay góp sức của các ngành chức năng, sự quan tâm tạo điều kiện của huyện, tỉnh và ngành văn hóa trong việc đầu tư tôn tạo và bảo tồn Di tích lịch sử Gò Cọ làng Chiềng cho xứng tầm giá trị của một di tích mang đậm dấu ấn lịch sử của địa phương và của tỉnh Yên Bái.
Phạm Minh
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, Hà Nội. Tổng diện tích khu đất là 45.380m2. Trong đó, diện tích xây dựng nhà trưng bày khảo cổ là 13.674m2; khu vực trưng bày mô phỏng, hầm kính 3.438m2...
Chương trình "Những bông hoa nhỏ" sẽ trở lại với các em thiếu nhi trong hè này trong phiên bản gameshow “Vạn vật quanh ta”.
Đúng 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11/6/1912 - 11/6/2012), Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành bộ tem bưu chính "Kỷ niệm 100 năm sinh Phạm Hùng" gồm 1 mẫu tem khuôn khổ 43 x 32 mm, giá mặt 2.000 đồng.
Thực chất, Dolby Laboratories Inc đã ký hợp đồng 20 năm để thay đổi tên của nhà hát Kodak – nơi đã tổ chức lễ trao giải Oscar kể từ năm 2002 thành Dolby.