Nghề làm đàn môi tỏ tình ở Hà Nam

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/7/2012 | 2:12:13 PM

Là nhạc cụ đặc trưng của dân tộc thiểu số tưởng chỉ có ở vùng cao phía Bắc, vậy mà những chiếc đàn môi xinh xắn, phát ra những âm thanh réo rắt tỏ tình lại được “ra lò” ngay tại một làng nghề bắc bộ - thôn Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam.

Chiếc kèn tự tình của người Mông được anh Tiến sáng tạo ra rất nhiều loại khác nhau.
Chiếc kèn tự tình của người Mông được anh Tiến sáng tạo ra rất nhiều loại khác nhau.

Ông Chu Thế Canh, Chủ tịch UBND xã Đọi Sơn phấn khởi: “Làm đàn môi là nghề mới của địa phương chúng tôi, nó góp phần không nhỏ vào việc làm đa dạng ngành nghề tại chỗ và tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống cho người dân…”.

Nâng niu trên tay chiếc đàn môi nhỏ nhắn, xinh xinh dài chừng 5 - 6 cm, chị Nguyễn Thị Thoa, 38 tuổi, một nghệ nhân ở thôn Đọi Tam cho hay, nghề làm đàn môi du nhập về làng từ năm 1999 - 2000, do một người đem mẫu về đặt làm.

“Xưa nay người trong làng chúng tôi chỉ quen tay búa tay đục làm những chiếc trống truyền thống, nay làm thêm cả đàn môi - một nghề đòi hỏi sự cầu kì, tỉ mỉ tới từng chi tiết, nghề rất kén thợ tài đã làm cho không ít người bỏ cuộc…”, chị chia sẻ.

Chị Thoa đang tỉ mỉ gia công từng chi tiết cho chiếc đàn môi.

Chiếc đàn môi chỉ bé bằng đầu ngón tay, được cấu tạo bởi lá đồng mỏng có lưỡi gà nhỏ dao động được ở phía tâm, đầu đàn nhọn. Thoạt nhìn đàn môi trông giống như chiếc kim thêu cỡ lớn, có người còn lầm tưởng là chiếc phi tiêu của mấy trò chơi dân gian…. Tuy nhiên khi hoàn thiện, người nghệ sĩ đưa chúng lên miệng thổi, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những âm thanh khi du dương, lúc réo rắt lay động lòng người.

Khi chơi đàn, người ta giữ đui đàn cố định bằng tay trái, đặt đàn cách môi một khoảng đủ không chạm vào răng. Ngón cái của tay phải bật vào đầu đàn khiến lưỡi gà trong đàn rung lên, truyền rung âm đến miệng và vang lên trong khoang miệng. Người nghệ sĩ dùng sự khéo léo điều khiển khoang miệng sao cho âm phát ra là những giai điệu của một bản nhạc, bài hát.

Làm xong đàn có người thẩm âm ngay, những cái không đạt lập tức bị loại bỏ.

Chất liệu làm đàn môi là đồng luyện đủ độ, được dập thành lá. Các nghệ nhân tại làng cho biết hiện họ đã tạo ra 30 loại đàn khác nhau. Mỗi loại có âm thanh khác nhau, tùy thuộc vào người thổi và nhu cầu biểu diễn.

Để tiện cho khâu bảo quản và dễ phân biệt, đàn được cho riêng từng loại vào ống đựng. Những chiếc ống đựng đàn cũng phải được luộc qua nước vôi để vô trùng, đảm bảo vệ sinh mỗi khi đưa đàn lên miệng thổi.

Anh Lê Ngọc Tiến, người đưa nghề làm đàn môi về làng cho biết “Trong nghề này, khó nhất là khâu xẻ rãnh để lấy tiếng (tức thẩm âm), người thợ phải căn chỉnh từng li, xử lý sao cho âm thanh của đàn có độ nẩy, độ ngân, độ dao động lâu. Vì vậy đòi hỏi người thợ ngoài tay nghề, phải có đôi tai thẩm âm tốt, bởi chỉ thay đổi độ dày mỏng một li của rãnh đàn, âm thanh phát ra đã rất khác nhau…”.

Là nghề đòi hỏi sự khéo léo, tài hoa cao nên cả xã cũng chỉ điểm được 5 - 6 thợ lành nghề, còn lại làm việc phụ. Với giá 3.000 - 4.000 đồng một chiếc đàn thành phẩm, một ngày thợ lành nghề làm được 50 - 70 cái cũng cho các gia đình nguồn thu nhập đáng kể.

Trao đổi thêm về xuất xứ của loại nhạc cụ độc đáo này, anh Tiến cho hay đàn môi là một loại nhạc cụ xuất xứ của người H’Mông, song hiện nay sản phẩm làm ra chủ yếu xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ, và một số nước châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, số ít bán tại Việt Nam…và trên thế giới hiện có khoảng 30 quốc gia chơi loại nhạc cụ này. Bình quân mỗi năm công ty anh Tiến xuất ngoại 1 - 2 vạn chiếc đàn môi.

Cũng theo anh Tiến thì ở Việt Nam hiện nay có tới 10 loại đàn môi khác nhau, trong đó loại đàn môi của người H’Mông được giới thạo nhạc trong nước và thế giới đánh giá rất cao về chất lượng âm thanh. Tiếng đàn cất lên được ví như tiếng gọi bạn tình giữa mùa xuân. Dựa vào những am hiểu đó anh đã nghiên cứu và tạo ra nhiều loại đàn môi có tiếng du dương đủ cung bậc từ mẫu đàn gốc của người dân tộc.

Hiện anh Tiến giao phôi hàng thường xuyên cho gần 50 hộ trong làng sản xuất, với thu nhập bình quân 2 - 3 triệu đồng mỗi người một tháng.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Bảo tháp Liên Hoa.

Bảo tháp lớn nhất nước tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang) sắp được đưa vào phục vụ.

Hoàng My đã có mặt tại Ordos, Nội Mông, Trung Quốc để dự cuộc thi HHTG 2012

Sau chặng bay dài, Á hậu Hoàng My đã có mặt tại Ordos, Nội Mông, Trung Quốc để tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2012 (Miss World).

>>Tối 17/7, Hoàng My lên đường dự thi Hoa hậu Thế giới

Các cổ vật ông Đạt vừa phát hiện.

YBĐT - Vừa qua, trong quá trình đào đất làm gạch, ông Cao Tuấn Đạt ở thôn Đức Tiến, xã Đông An, huyện Văn Yên đã phát hiện một số cổ vật bằng đồng và bằng đá, gồm: hai lưỡi rìu đồng to, hai lưỡi rìu đồng nhỏ, một mũi tên lao bằng đồng, một lưỡi rìu đẽo và một lưỡi rìu bằng đá.

Hai mẫu tem được phát hành ngày 18/7.

Chiều 18/7, tại trụ sở Bưu Điện thành phố Hà Nội, Bộ Thông tin Truyền thông, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ phát hành đặc biệt bộ tem “Tem phát hành chung Việt Nam - Lào: Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục