“Bến không chồng”- Bức tranh thê lương thời hậu chiến
- Cập nhật: Thứ năm, 26/7/2012 | 12:57:44 PM
Từ tiểu thuyết của Dương Hướng, những Nguyễn Vạn, những Nghĩa… đã bước lên màn ảnh với đủ cơ cực, đắng cay của số phận người lính bước ra cuộc chiến. Họ cô độc trên chính mảnh đất, với chính những con người- họ đã từng đổ máu để bảo vệ…
|
Tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng được trao giải thưởng của Hội nhà văn năm 1991. Tiểu thuyết đặt câu chuyện của mình trong bối cảnh làng Đông- một làng quê được đặc tả với những nét văn hóa điển hình Bắc Bộ. Không gian bao phủ trong lũy tre, mái đình, cây đa, bến nước. Thời gian bao phủ trong những ngày miền Bắc hối hả vừa lo xây dựng nông thôn vừa chi viện cho chiến trường miền Nam.
Bị thương nặng sau một cuộc chiến, Nguyễn Vạn trở về làng Đông với tất cả thương yêu, nhung nhớ. Vai khoác ba-lô, ngực áo đính đầy huân chương, từ trên đê Nguyễn Vạn phanh ngực nhìn về làng Đông. Nguyễn Vạn đã nghĩ, sự bình yên nằm chính ở nơi đây, nơi anh đã sẵn sàng đổ máu để bảo vệ.
Vì những hủ tục, những lề thói đã tồn tại cả trăm năm ấy, Nguyễn Vạn không dám sống thật với mình. Ý thức mãnh liệt nhất trong anh là… “giữ gìn hình ảnh”. Anh không thể vượt qua dư luận để… yêu, để được sống như một người bình thường với mưu cầu bình thường nhất về hạnh phúc. Nguyễn Vạn sống trong sự kìm nén bất hạnh. Anh không dám đến với chị Nhân- dù bản năng thôi thúc. Chị Nhân cũng không thể đến với Nguyễn Vạn, chị không thể đến với bất kỳ ai, lý do chỉ vì… chị là vợ Liệt sỹ. Chồng hy sinh khi chị Nhân còn quá trẻ. Chị ở vậy thờ chồng, nuôi con. Chỉ một lần nghĩ về Nguyễn Vạn, chị Nhân đã day dứt không thôi, chị sẽ sống ra sao nếu xóm làng biết chuyện?
Đã có thời như thế, những lề thói cổ hủ nghiệt ngã giết chết những mưu cầu hạnh phúc giản đơn nhất của con người.
Song song với cuộc đời của Nguyễn Vạn là tình yêu bất hạnh của Nghĩa và Hạnh. Cuộc chiến đã cướp đi những người đàn ông khỏe mạnh, cường tráng của làng quê. Chỉ để lại sau lũy tre những người đàn bà mòn mỏi vì chờ đợi. Chỉ để lại trên bến nước mỗi chiều những người phụ nữ, già có, trẻ có, ngồi bên nhau lặng thinh…
Cuộc chiến đã cướp Nghĩa ra khỏi tay Hạnh. Cuộc chiến để lại những cuộc tình duyên cay đắng cho những thiếu nữ xinh đẹp như Cúc, như Thắm… Một đứa con thụ thai vội vã. Một lễ cưới vá víu với người đàn ông bị tâm thần. Hay, một anh chàng thợ ảnh hèn hạ, sở khanh, bỗng trở nên đắt giá ở làng quê…
Trong những bước ngoặt cùng cực của cuộc đời, Hạnh đã bị xô đẩy vào bế tắc cùng với Nguyễn Vạn. Hạnh có thai. Sau khi sinh con, Hạnh trở về làng. Nguyễn Vạn- người đàn ông đã sống thoi thóp trong lề thói làng xã bao năm, nay biết tin mình có con với Hạnh(con gái của chị Nhân), sự sững sờ đủ để anh quyết định… treo cổ tự vẫn trên cầu Đá.
Cuốn tiểu thuyết của Dương Hướng là bức tranh buồn thê lương ở làng Đông- một làng quê miền Bắc thời hậu chiến. Ở đó, đã không có sự bù đắp nào, không có hạnh phúc nào dành cho những người lính trở về sau cuộc chiến.
Bến không chồng vẫn được đánh giá là bộ phim thành công nhất của đạo diễn Lưu Trọng Ninh tính đến thời điểm hiện tại. Bến không chồng cũng là bộ phim có sức ám ảnh dai dẳng nhất về số phận người lính thời hậu chiến.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Ngày 25-7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao tặng cuốn sách "Nửa thế kỷ một nỗi đau" và phim "Chất độc da cam nỗi đau còn đó" cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Sáng 25.7, TS Mai Hồng đã hiến tặng Bảo tàng Lịch sử quốc gia tấm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”. Theo tấm bản đồ của chính người Trung Quốc này, đảo Hải Nam là điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc, chứng minh các quần đảo ở biển Đông nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc
YBĐT - Người Thái có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ (ngoài lễ hội). Những sinh hoạt như thế là dịp để mỗi cộng đồng, đặc biệt là nam nữ thanh niên gặp gỡ, ca hát giao duyên.
Cuộc thi Hoa hậu thế giới chính thức khai mạc tại Nội Mông, Trung Quốc ngày 24-7. Hơn 40.000 khán giả đã có mặt tại SVĐ Dongsheng để chứng kiến phần trình diễn ra mắt của 120 người đẹp đến từ khắp nơi trên thế giới