Tuổi thơ xưa và nay
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/8/2012 | 9:59:41 AM
YBĐT - Tuổi thơ chúng tôi được hong bởi cái nắng chói chang giữa hạ, được đong bằng những rùng mình trước cái rét cuối đông. Mái tóc vàng hoe, đôi chân chai sần và làn da nâu sậm, cóc cáy chẳng khiến chúng tôi buồn phiền.
Thương nhớ tuổi thơ.
(Ảnh: Lê Thu Trang)
|
Những ngày mẹ cha bận việc lo kiếm ăn cho gia đình, hai chị em tôi đứa lớn 8 tuổi đứa bé 6 tuổi tự trông nhau, tha thẩn chơi quanh vườn rau, bờ chuối. Ngôi nhà của chị em tôi là 4 que củi chống liêu xiêu, bao quanh một màu xanh ngắt của lá chuối. Lá chuối làm vách, lá chuối làm mái, lá chuối làm chiếu. Mát mắt, mát da lưng. Chúng tôi hạnh phúc khi chính tự tay mình dựng được ngôi nhà cho riêng mình.
Cái cảm giác được sở hữu khiến cho chị em tôi lâng lâng. Nằm lăn lộn trên lá chuối nhìn những tia nắng xanh non tròn có, dài có, lục lăng có xiên qua mái lợp đậu trên vạt áo vá của hai chị em khiến chúng tôi có cảm giác mình đang là vua một nước với áo bào lấp lánh hào quang. “Vua quá đi chứ, này nhá, nhà của mình, bầu trời là của mình, không gian là của mình, chẳng ai xâm phạm, chẳng ai có quyền xâm phạm”. Ừ thì là vua. Là vua thì phải có vương miện, phải có ngai vàng. Thế là tôi và nó lại vui vẻ dắt nhau đi làm vương miện.
Đầu trần, chân đất dưới cái nắng bỏng rẫy gan bàn chân nhưng là vua thì phải chịu đựng, chúng tôi đi nhặt lá mít, đi chẻ que tre. Thằng Tuấn nhận làm vua nên vương miện của nó được tết rộng hơn, bằng hai vòng lá mít, lá xanh xen kẽ lá vàng, trên trán đính thêm cái lá bàng dựng đứng, vàng lấm chấm nâu đỏ, giống như cái mũ của Lang Liêu trong truyện mà tôi từng được xem. Còn tôi, là mẫu hậu, mũ được tết thêm một dải dài sau gáy, chấm đến ngang lưng, thế mới yểu điệu, da dáng con gái chứ. Nhà vua phải có cái ăn, phải nhiều của ngon vật lạ.
Lại dắt díu nhau leo lên cây mít đập đập vỗ vỗ tìm quả chín, moi ra đặt lên đĩa. Còn quả thì vẫn bỏ nguyên trên cây, bé thế làm sao mà mang xuống được, đợi mẹ về mẹ hái. Lạ là chẳng ai dậy nhưng chúng tôi lại biết trèo. Như khỉ. Bà lo lắng: “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo”. Lo thì lo nhưng bà cũng chẳng quản nổi, công việc cuốn bà vào.
Lại trèo lên cây ổi, chín hái, ương hái, xanh cũng hái, bữa tiệc phải có nhiều sơn hào hải vị chứ. Lại cắt ra, đặt cạnh đĩa muối tiêu, đĩa màu trắng mỡ, đĩa màu hồng nhạt, ngọt mát đưa vào cánh mũi hai đứa, làm ứa nước miếng. Thêm được một món. Bưởi, phải có cả bưởi, cái giống bưởi mà tẽ ra chẳng giống tôm là gì. Tôm riu, lấy ra từ loại bưởi đào, ngà ngà màu gạch non lại trong suốt nhé. Hảo hạng. À còn cả rau thơm nữa, bà chẳng bảo ăn mà không có gia vị thì thú vị giảm đi một nửa.
Lại hò nhau hái rau thơm, rau mùi tía góc vườn được chúng tôi chiếu cố vặt vài ngọn. Thằng Tuấn hăng hái đòi đi hái rau húng. Tôi giật mình ngăn lại, cái giống rau húng này khó tính lắm, phải biết chiều những yêu cầu dở hơi của nó. Tôi bảo: “Phải ngồi hẳn xuống mà hái, không mai nó bay hết đấy”. Thằng Tuấn bĩu môi: “Biết thừa rồi”. Vài món nữa được bày ra, thành mâm cơm thịnh soạn.
Hí hửng thằng Tuấn chạy sang nhà mấy đứa mời chúng đi dự tiệc. Những đứa trẻ trong cái xóm nghèo lại hồ hởi túm năm tụm ba quanh "mâm cơm" sang trọng. Thằng Tuấn dạng hai chân, hai cái khuỷu tay khuỳnh rộng ra vẻ rất đường hoàng, trịnh trọng: “Hôm nay Trẫm mời các quan đại thần đến dự tiệc. Các khanh xem toàn những sơn hào hải vị, nào mời các khanh thưởng thức.”.
Thằng Sơn cũng không kém, nó khom lưng, chụm hai tay vào nhau giơ trước ngực, lễ phép: “ Chúng thần xin cảm tạ”, rồi cổ vươn cao, hất cái đuôi áo trong tưởng tượng ra sau để ngồi xuống ghế giả lả: “Mời các vị. Mời các vị”. Chúng tôi cười ngả nghiêng, bá vào vai nhau mà cười, mà ăn, mà thưởng thức cái hương vị đồng quê. Cái hương vị giờ đây tôi khó có thể tìm thấy, có chăng là những hương vị chết khự trong mỗi cái kẹo trái cây. Nó thơm như thật, nhưng lại không phải là thật. Rõ cái hương ổi đào ngày thơ bé nhưng không mềm, không ngập chân răng, mà giòn tan, nhộn nhạo trong miệng. Đến tôi còn khó tìm lại được thì các con tôi tìm đâu có dễ.
Chúng tôi sống trong nồng nàn hương vị đồng quê, trong đa dạng sắc màu thiên nhiên ban tặng. Và không thể thiếu được giọng kể chậm rãi mà ấm áp của bà mỗi lúc ăn cơm tối xong. Hai chị em tôi và cả những đứa bạn hàng xóm ngồi quây quanh bà, nghe như nuốt từng lời bà kể.
Những câu chuyện cổ tích, những bài vè, những câu ca từ xửa xưa mà ông cha ta truyền miệng từ đời này sang đời khác và giờ đang thấm vào tâm trí chúng tôi. Cho chúng tôi một thế giới trong tưởng tượng mà ở đó người với người đối xử với nhau trong tình yêu thương, sự đùm bọc và lòng vị tha nhân hậu. Và rồi chẳng cần nhiều lời giáo huấn xa xôi, khó hiểu, chúng tôi, đứa nào đứa ấy đều tâm tâm niệm niệm sẽ sống, sẽ đối xử với nhau chân thành, giầu lòng nhân hậu để được hưởng cái phúc mai sau mà người ác sẽ không thể nào được hưởng.
Nếp nghĩ ấy, cách sống nhân hậu ấy lại được bố mẹ, ông bà tôi rèn giũa mãi rồi cũng thành nhân cách, thành bản chất của con người. Thế mới biết cái nhân cách con trẻ được tôi luyện bởi văn hoá gia đình, bởi những tấm gương của cha, của mẹ, của cô dì chú bác và của rất nhiều nhân vật trong những câu chuyện cổ tích bà kể hằng đêm.
Trưởng thành từ đồng đất quê mình, từ áo sờn chân lấm, chúng tôi thấm thía hơn ai hết mặn mòi mồ hôi của mẹ, chai sần bàn tay lao động của cha và cái buốt mông không thể quên được bởi xương be của bà chọc vào mỗi khi bà vẹo lưng cắp nách ra cổng đón mẹ.
Thấm thía thế để rồi lớn lên không đứa nào dám coi khinh người lao động. Họ đang phải vất vả vì những người thân, đang vất vả cống hiến sức lực của mình cho xã hội. Họ đáng được trân trọng, đáng được cảm thông chia xẻ. Giờ con cháu chúng ta quen sống trong sạch sẽ, sung sướng, ai dám chắc chúng sẽ không lè lưỡi, rụt cổ khi thấy mùi hôi bốc lên từ một nông dân gánh phân ra đồng?
Đôi khi bỗng giật mình nhìn lại, cuộc sống, cơm áo gạo tiền đang cuốn tôi đi, nuốt hết thời gian quý giá để tôi ở bên con kể lại những điều mà bà tôi đã từng kể để lại mong muốn bồi đắp một chút gì đó lòng nhân hậu trong tâm hồn non nớt của con. Có thể tôi đang trượt trong cái vòng quay chỉ có tiền và danh vọng nhưng tôi không muốn con mình lại lâm vào cảnh đó. Vì nó chưa có cái gốc nhân hậu như tôi ngay từ khi còn bé dại. Không có cái gốc tốt rất dễ lai căng những cái xấu.
Những đứa trẻ bây giờ, đang sống trong hiện đại, trong vô vàn tiện nghi lại chẳng có nhiều cơ hội để làm cho trí tưởng tượng bay xa. Những ngày hè chúng bị nhốt trong bốn bức tường với hoạt hình trên ti vi, với những trò chơi bạo lực trên vi tính. Chỉ có đấm và giết, máu và nước mắt. Chẳng có lý do gì cũng đấm, vui cũng bắn, buồn cũng bắn. Mục đích cuối cùng là giết cho thật nhiều, đấm cho bằng chết, ấy là thắng, là vinh quang. Thế rồi cái lòng vị tha, cái khả năng tự kiềm chế, cái bản tính hay sợ hãi rất trẻ con dần bị biến mất. Khi người ta không biết sợ, hậu quả sẽ là không lường.
Sự trẻ hoá ở mọi lĩnh vực đều đáng mừng nhưng trẻ hoá tội phạm lại là một hiểm hoạ.
Hoàng Kim Yến
Các tin khác
Bộ VH,TT&DL vừa chính thức công bố Chương trình Giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng biên giới Việt – Lào 2012 sẽ diễn ra trên quy mô toàn tuyến giữa các tỉnh có chung biên giới giữa Việt Nam – Lào.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I sẽ trưng bày những văn bản bằng giấy dó đã lưu trữ từ hàng trăm năm qua, có bút tích của các vua Gia Long, Minh Mạng, Thành Thái, Duy Tân... tại Hà Nội từ ngày 15-8 đến 31-12.
Chiều 8.8, nhiều người dân ở TP.Đà Lạt đã đổ về nhà ông Lê Cao Tánh trên đường Bùi Thị Xuân (TP.Đà Lạt) để chiêm ngưỡng chiếc chiêng mà theo nhiều người là lớn nhất từ trước tới nay tại Lâm Đồng.
Với những ai không thể đến London để theo dõi trực tiếp Olympic 2012 đang diễn ra, những hình ảnh và video về sự kiện là đã đủ. Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia David Bergman lại nghĩ rằng chưa đủ, và ông đã cho ra mắt bức ảnh “khổng lồ” đến 3,1 tỷ pixel về Olympic.