Nghệ sỹ Việt với tình yêu “Biên giới, biển đảo quê hương”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/8/2012 | 7:40:09 AM

Hơn 150 tác phẩm đồ họa và hội họa và 10 tác phẩm điêu khắc với chủ đề biển, đảo của các họa sỹ Việt Nam đã hội tụ tại triển lãm “Biên giới, biển đảo quê hương”.

Ông Hồ Quang Lợi- Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và 
nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội 
trao bằng chứng nhận triển lãm cho các hoạ sỹ.
Ông Hồ Quang Lợi- Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội trao bằng chứng nhận triển lãm cho các hoạ sỹ.

Triển lãm do Hội Mỹ thuật Hà Nội, Bộ Tư lệnh BĐBP và Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2012) và kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9/2012.

Để có cuộc triển lãm này, Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức 8 trại sáng tác và các chuyến đi thực tế: Móng Cái, Hà Tĩnh, Huế, Thanh Hóa, Hòn Dấu (Hải Phòng), Tam Đảo…đưa các họa sĩ đến các đơn vị Bộ đội biên phòng, ra đảo Trường Sa… cùng trải nghiệm thực tế cuộc sống và chia sẻ sự gian khổ với những chiến sĩ biên phòng và lính đảo đang ngày đêm canh giữ và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam, tạo điều kiện để các họa sĩ lấy tài liệu, vẽ phác thảo, và sáng tạo nên những tác phẩm mới trưng bày trong triển lãm “Biên giới, biển đảo quê hương” trong những ngày mùa thu lịch sử này. 



Điều đặc biệt là tham gia triển lãm có hơn 10 hoạ sỹ cựu chiến binh. Trong chiến tranh họ cầm súng và sau này họ cầm cọ vẽ để ghi lại những ký ức, những cảm xúc của người lính thời chiến tranh ác liệt.
 
Tranh của họ có phần thể hiện cảm xúc mạnh mẽ và sâu lắng khiến người xem phải dừng lại suy ngẫm. Đó là các tác phẩm Vì biển đảo Tổ quốc của Phạm Ngô Vượng, Sống trên sóng của Nguyễn Thế Hữu, Tổ quốc trên vùng đảo nhỏ của Nguyễn Hải Nghiêm, Tuần tra của Chu Thảo, Nhớ biển của Bằng Lâm, Tưởng niệm ở Trường Sa của Trần Nguyên Hiếu…
 
Bằng những vệt bút và mảng màu chuyển động, hoạ sỹ Hải Nghiêm diễn tả hình ảnh những chiến sỹ hải quân đang vật lộn với sóng gió để neo thuyền trong cơn bão biển. Phía trên họ, lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay như biểu tượng của ý chí và lòng quyết tâm bám biển, giữ vững chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Tác phẩm sơn dầu Tuần tra của Chu Thảo diễn tả cái giá rét âm u của miền sơn cước.
 
Các chiến sỹ biên phòng vẫn vững vàng bước đi gạt lại phía sau nỗi cô đơn và nỗi nhớ nhà. Màu xanh dương của sóng biển hoà với màu máu đỏ của những chiến sỹ hải quân đã anh dũng hy sinh hiện lên đầy biểu cảm trong tác phẩm Tưởng niệm ở Trường Sa của Trần Nguyên Hiếu. Những tác phẩm của các hoạ sỹ chiến sỹ đã khiến người xem rung động và không thể không suy nghĩ về sự hy sinh thầm lặng của người lính trong thời bình hôm nay.
 


Kết quả của 8 trại sáng tác và các chuyến đi thực tế dọc bờ biển và các đảo của Việt Nam, các vùng biên cương của Tổ quốc là những tác phẩm sơn dầu, sơn mài, đồ hoạ và điêu khắc đầy tâm huyết và cảm xúc của các hoạ sỹ và nhà điêu khắc hội viên hội Mỹ thuật Hà Nội.
 
Hoạ sỹ Phạm Kim Bình, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội chia sẻ: “Biển với các trạng thái khác nhau của thời gian và ánh sáng vốn luôn là nguồn cảm hứng vô tận của nhiều thế hệ hoạ sỹ Việt Nam và thế giới xưa nay. Trong cuộc triển lãm này, biển đảo Việt Nam được các hoạ sỹ thể hiện với một tâm thế có phần đặc biệt hơn mang tính thời sự đang diễn ra với đất nước.
 
Đó là mỗi hoạ sỹ đều cảm thấy trách nhiệm khi dùng cọ vẽ để truyền đạt một thông điệp muốn gửi gắm đến người xem: Biển của chúng ta rất đẹp. Đất nước chúng ta giàu vì biển. Cha ông ta đã giữ gìn và nay chúng ta cùng thế hệ con cháu chúng ta tiếp tục gìn giữ bảo vệ".

Một vẻ đẹp hoành tráng, phơi phới đầy sức sống của những vùng biển Việt Nam được thể hiện trên các tác phẩm sơn dầu và acrylic : Biển đảo quê hương của Bùi Trung Hà, Bình yên của Phan Thị Thanh Mai, Được mùa cá biển của Nguyễn Thế Tuấn, Vùng biển Quảng Ninh của Nguyễn Duy Hùng, Biển tím của Phạm Thục Anh, Biển đảo Sầm Sơn của Đỗ Mạnh Cương, Biển chiều của Chu Ngọc Toàn, Những cánh buồm của Hà Khanh, Biển Nha Trang của Nguyễn Văn Doanh, Thuyền về của Bùi Lan Phương, Biển xôn xao của Nguyễn Đình Huống…
 
Vàng bạc thếp, đỏ son, vỏ trứng cẩn tạo nên những sắc độ lấp lánh của trời biển Việt Nam trên các tác phẩm Biển bạc biển vàng của Nguyễn Huy Vận, Biển Tĩnh Gia của Phạm Ngọc My, Tĩnh Gia - Thanh Hoá của Đào Văn Tuấn, Kéo lưới của Nguyễn Thị Thu, Sinh hoạt ở đảo của Nguyễn Anh Lanh…

 

Hình tượng người chiến sỹ hải quân được khắc hoạ với vẻ đẹp vừa mạnh mẽ khoẻ khoắn, vừa lãng mạn bay bổng trên các tác phẩm Chim hải âu và lính biển của Nguyễn Thái Hùng, Bình minh trên đảo Trường Sa của Nguyễn Doãn Sơn, Khoảnh khắc của Phạm Tuấn Minh, Người lính biển của Trịnh Bá Quát, Ánh mắt lính đảo xa của Nguyễn Hà Bắc, Vì sự bình yên biển đảo của Phạm Đắc Hiển, Tuần tra biển đảo của Trần Lãng…
 
Hoạ sỹ Nguyễn Thu Thuỷ vừa hoàn thành công trình cờ Tổ quốc gắn gốm lớn nhất Việt Nam ở Trường Sa, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc đã nhiệt tình tham gia triển lãm bằng tác phẩm sơn dầu vẽ lại chính công trình ý nghĩa này. Hơn ba trăm nghìn viên gốm mosaic tạo nên lá cờ được Thu Thuỷ thể hiện bằng những nét chấm sơn dầu nhỏ xíu thể hiện sự lấp lánh của gốm sứ dưới những tia nắng mặt trời. Bức tranh tươi sáng chan chứa niềm tự hào của tác giả truyền đến người xem tình cảm tươi vui, lạc quan và tự tin.

Vùng biên cương của Tổ quốc cũng được thể hiện đầy tình cảm trên các tác phẩm: Phong cảnh Cao Bằng của Phạm Chính Trung, Ký ức vùng cao của Khánh Châm, Phiên chợ vùng cao của Trần Vi Linh…

Biển rất hiền hoà, dịu êm, lãng mạn nhưng cũng rất dữ dội, quyết liệt luôn đối mặt với những khắc nghiệt của thời tiết cũng như những mưu đồ xâm lược luôn rình rập. Và ý chí giữ vững chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ của Tổ quốc được thể hiện trên nhiều tác phẩm tại triển lãm. Tác phẩm sơn dầu Bác vẫn cùng chúng cháu tuần tra của Lê Phi thể hiện chân dung Bác Hồ với chiều sâu của ánh mắt nhìn dõi theo những con tàu và các chiến sỹ hải quân nơi biển cả.
 
Tổ quốc nơi đầu sóng của Kiều Hải diễn tả vẻ uy nghi mang chất thép của các nhà giàn DK trên quần đảo Trường Sa. Lá cờ Tổ quốc đầy tự hào dân tộc của hoạ sỹ Nguyễn thu Thuỷ, Vì biển đảo Tổ quốc của Phạm Ngô Vượng, Giữ bình yên nơi sóng dữ của Phan Tuấn Tài, Bám biển ngày đêm của Phạm Ngọc Điệp cùng rất nhiều tác phẩm khác là những lời khẳng định đanh thép về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Sau khi thăm và dự khai mạc triển lãm, nhà báo Hồ Quang Lợi - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành Ủy Hà Nội đã nhận xét: “Cuộc triển làm này hết sức ý nghĩa, khi vấn đề biên giới biển đảo đang thu hút sự quan tâm của đồng bào trong và ngoài nước.
 
Qua triển lãm, tôi được thấy các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, trình độ nghề nghiệp cao và trên hết là tinh thần yêu nước, tinh thần công dân của các nghệ sỹ. Nhiều bức tranh làm tôi xúc động, đặc biệt là các tác phẩm vẽ về Trường Sa, Hoàng Sa và hoạt động của các chiến sỹ hải quân và bộ đội biên phòng đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc. Tôi đánh giá cao giá trị nghệ thuật cũng như ý nghĩa chính trị xã hội của cuộc triển lãm này".

Bằng các tác phẩm nghệ thuật của mình, các hoạ sỹ và nhà điêu khắc đang góp công sức sáng tạo vào sức mạnh chung của dân tộc – ý chí và nội lực tinh thần tiếp nối chất thép của truyền thống lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và gìn giữ bảo vệ Tổ quốc. Đó là tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc vẫn luôn là những ngọn lửa nuôi dưỡng và hun đúc mạch nguồn sáng tạo của các nghệ sỹ tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ năm này qua năm khác và mãi mãi.

Triển lãm tiếp tục được trưng bày từ nay đến hết ngày 28/8/2012 tại Trung tâm thông tin triển lãm Hà Nội (số 45 phố Tràng Tiền và phòng triển lãm 19 Hàng Buồm, Hà Nội).
 
(Theo HNMO)

Các tin khác
Một tác phẩm điêu khắc đồng của Nguyễn Thị Chinh Lê.

Triển lãm với sự tham gia của sáu họa sỹ cùng những tác phẩm của họ đem đến cho khán giả nước ngoài những góc nhìn về Việt Nam.

Hình ảnh trong phim Cô bé mùa đông.

Lần thứ ba liên tiếp, Viện Goethe tổ chức Liên hoan phim Đức tại Việt Nam. Sau thành công của các năm 2010 và 2011 với gần 30.000 khán giả, năm nay, Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 6/09 đến ngày 4/10.

Vẽ tranh đường phố - một hoạt động trong chương trình giao lưu văn hóa Việt - Nhật tại Hội An

20g ngày 24-8, chương trình giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần 10 sẽ khai mạc tại quảng trường Sông Hoài, bên cạnh chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam).

Nhân dịp Quốc Khánh 2/9, “Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội 2012” sẽ diễn ra từ ngày 28/8 – 2/9 nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống mang tính đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên thông qua hình ảnh, sưu tập hiện vật của các tộc người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục