Miên man Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/9/2012 | 10:03:51 AM

YBĐT - Tây Bắc với những cánh đồng lớn “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”; với chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”; rồi con sông Đà hung dữ đã bị chế ngự để sản sinh ra dòng điện sáng đang ngày càng hấp dẫn du khách. Những khu rừng Đại tướng

Phố bản tái định cư thủy điện Sơn La ở thị xã Mường Lay.
Phố bản tái định cư thủy điện Sơn La ở thị xã Mường Lay.

Theo quốc lộ 37, vượt đèo Lũng Lô sang huyện Phù Yên của tỉnh Sơn La và từ đó lên huyện Bắc Yên, dọc đường có một tấm biển chỉ dẫn du lịch ghi dòng chữ “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Trước đây, khi chưa mang tên là Rừng Đại tướng, khu rừng này vốn có tên rừng đèo Nhọt. Rừng rộng ngót 250ha với những cây chò, cây sấu, cây sâng cổ thụ gốc cỡ 3-4 người ôm không xuể, ngọn cao chót vót vươn lên trong mây trời. Người già ở đây kể rằng trước trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân giải phóng có đi qua đèo Nhọt để chuẩn bị cho chiến dịch.

Ngày ấy, máy bay Pháp thường bay rất thấp, dòm ngó khu vực này để tìm dấu vết lực lượng ta. Do đó khi Đại tướng cùng đoàn quân đi từ Nghĩa Lộ qua đây để lên Điện Biên đã phải vào rừng trú ẩn để tránh. Ông nghỉ ở đây khá lâu và có làm lễ tuyển trai tráng địa phương làm lính Cụ Hồ.

Đại tướng cũng khuyên bà con cần biết giữ rừng. Lúc ấy mọi người chỉ thấy tác dụng “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” chứ chưa hẳn đã thấy hết giá trị phòng hộ như bây giờ. Nhớ lời dạy của Đại tướng, sau này người dân địa phương đã cắm biển “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp” và kiên quyết bảo vệ rừng già đèo Nhọt đến hôm nay.

Cũng từ khi khu rừng mang tên Rừng Đại tướng, chính quyền địa phương từ cấp bản, xã tới huyện đã có những chính sách rất thiết thực để chăm sóc, bảo tồn khu rừng, nghiêm cấm hiện tượng chặt phá rừng. Tất cả người dân huyện Phù Yên cũng đều chung tay bảo vệ tốt Rừng Đại tướng.

Còn ở Mường Phăng tỉnh Điện Biên, rừng Phiêng Nặm trên núi Phăng cũng được mang tên “Rừng Đại tướng” vì sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ khi xưa được đặt dưới tán rừng cổ thụ này.

Do ý thức của người dân coi đây là chốn rừng thiêng cần phải giữ gìn nên không được chặt phá. Cùng với gọi khu rừng này là “Rừng Đại tướng”, mọi người còn gọi vị tổng tư lệnh  của quân đội ta thuở ấy là “Già bản Võ Nguyên Giáp”; gọi căn hầm, cái lán nơi Đại tướng làm việc là “Nhà của già bản Võ Nguyên Giáp”. Ở đây vẫn lưu truyền câu ca: “Ai muốn lấy vợ Mường Phăng thì phải biết hầm Đại tướng”.

Đi dưới ánh điện lờ mờ xuyên dọc căn hầm, tôi có cảm giác như đang ở địa đạo Củ Chi hay Vĩnh Mốc vậy. Nhỏ thôi nhưng cũng có đủ phòng làm việc, phòng họp và cả chỗ cho những người giúp việc. Từ căn hầm này có lối thông sang hầm của Phó tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và các bộ phận khác.

Tại sở chỉ huy ở Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi tới quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của ông là thay đổi phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nhờ sự quyết đoán đó mà ta đã giảm tổn thất lực lượng, tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm của Pháp trang bị đến tận răng.

Theo chân đoàn khách thăm quan có mấy cháu nhỏ người địa phương, vừa đi chúng cứ líu ríu kể bằng cái giọng đặc sệt chất Thái. Chỉ cây bưởi lúc lỉu quả trước hầm Đại tướng, một cháu cho biết: “Vào dịp Tết Giáp Ngọ, tỉnh Phú Thọ có cử đoàn đại biểu lên mặt trận động viên tặng quà dân công, chiến sĩ và biếu Đại tướng 3 quả bưởi Đoan Hùng. Mọi người cùng ăn, ai cũng khen bưởi thơm ngọt. Đại tướng đã cho thu nhặt những hạt bưởi và bảo ông Đỗ Hải, Đại đội trưởng cảnh vệ đem gieo xuống chỗ đất tốt để các thế hệ sau sẽ được ăn quả. Mấy cây bưởi hôm nay chính là được mọc lên từ những hạt giống ngày ấy”. Nghe mà càng cảm phục người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, bậc khai quốc công thần với tấm lòng thương dân, yêu nước.

Lung linh dòng điện sông Đà

Đến với Tây Bắc không ai không biết dòng sông Đà huyền thoại. Bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc), chảy qua các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ và đổ vào sông Hồng, là một trong ba phụ lưu chính của hệ thống sông Hồng, chiếm 55% lượng nước, sông Đà từng gây nên bao thảm họa nhất là trong mùa mưa lũ.

Con sông này từng được nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả như một quái vật hung dữ mà con người dũng cảm cần chế ngự. Và bằng tài năng, trí tuệ của mình, các kỹ sư và công nhân Việt Nam đã bắt sông Đà hung hãn phải khuất phục nhả ra dòng vàng trắng. Nhà máy thủy điện đầu tiên được xây dựng ở đây chính là Nhà máy Thủy điện Hoà Bình. Nhà máy do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và vận hành, công suất sản sinh điện năng theo thiết kế là 1.920 MW, gồm 8 tổ máy, sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ KWh.

Trên đà thắng lợi, Nhà máy Thủy điện Sơn La - nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á đã được khởi công xây dựng hoàn toàn bằng năng lực của con người Việt Nam. Với diện tích hồ chứa là 224km2; dung tích toàn bộ hồ chứa 9,26 tỉ mét khối nước; công suất lắp máy 2.400MW, gồm 6 tổ máy; điện lượng bình quân hằng năm đạt 10,2 tỉ KW. Đến thăm từ những ngày đầu xây dựng, tới nay nhà máy đã cơ bản hoàn thành và phát điện hòa vào lưới quốc gia.

Tổ máy số 6 cũng đang được gấp rút lắp đặt hoàn thiện, chạy thử để chính thức phát điện vào tháng 12 này. Nhìn con đập cao lừng lững vắt ngang sông và những cột điện, đường dây cao thế từ khu vực nhà máy vượt lên các triền núi tải dòng năng lượng về xuôi mà lòng thấy nao nao một niềm vui khó tả.

Đất nước của mình đây, Tây Bắc hòn ngọc của Tổ quốc đây đang ngày càng tỏa sáng. Và cũng trên sông Đà, năm 2011 công trình trọng điểm quốc gia Việt Nam - Thủy điện Lai Châu được khởi công.

Công trình này được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà. Nhà máy Thủy điện Lai Châu gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu KWh, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, góp phần trị thủy sông Đà mà còn tạo cơ hội phát triển - kinh tế xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh - quốc phòng khu vực Tây Bắc.

Là người dân của vùng quê có Nhà máy Thủy điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của ngành Thủy điện Việt Nam, tôi càng thông cảm với sự hy sinh lớn lao của đồng bào các dân tộc Tây Bắc vì dòng điện sáng. Bao gia đình người dân của các huyện Mai Châu, Đà Bắc tỉnh Hòa Bình đã phải di dời chỗ ở; Thủy điện Sơn La cũng có 17.996 hộ dân phải di chuyển; còn Thủy điện Lai Châu có khối lượng di dân, tái định cư không lớn nhưng cũng khoảng 1331 hộ.

Di rời tái định cư, rất nhiều khó khăn mà phải một thời gian dài mới mong cuộc sống bình thường trở lại. Những hộ đồng bào dân tộc thiểu số mà tôi gặp ở các huyện Mường La, Quỳnh Nhai của tỉnh Sơn La được sự hỗ trợ của nhà nước đã có nhà cửa khang trang và trở thành công nhân của các công ty cao su với thu nhập ổn định.

Còn thị xã Mường Lay của tỉnh Điện Biên cũng có tới 360 hộ tái định cư từ Thủy điện Sơn La. Nơi ngã ba sông Mường Lay bây giờ đang định hình những khu phố bản với hàng trăm mái nhà sàn san sát, làm nên cái đặc trưng riêng của một đô thị miền núi. Dòng điện sông Đà đã tỏa sáng nơi nơi, hừng lên bộ mặt Tây Bắc ngày càng thay da đổi thịt.

Lời kết

Tây Bắc từ lâu đã trở thành đề tài cho bao văn nghệ sĩ sáng tác những bài thơ và bản nhạc có sức quyến rũ lòng người. Lên Tây Bắc, bên tai tôi cứ văng vẳng lời bài hát “Đường lên Tây Bắc”của nhạc sĩ Văn An: “Đường lên Tây Bắc quanh co, tiếng chim rừng đây đó. Đằng xa tiếng hát đồng xanh, lúa reo trên đồi cao…”. Không chỉ có lúa có chim, những cánh rừng cao su đang trồng mới bên cạnh bạt ngàn đồi chè, nương ngô và bao công trình mới dựng xây – thành quả của chủ nghĩa xã hội đang chào đón bước chân ai nặng lòng cùng Tây Bắc.

Thế Quynh

Các tin khác
Tiết mục của Cụm thi đua số 5 giành giải Nhất thể loại tốp ca .

Thiết thực hưởng ứng các phong trào thi đua do công đoàn viên chức tỉnh phát động và chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), chiều 18/5, tại rạp Hồng Hà, Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan “Tiếng hát công chức, viên chức, lao động (CCVCLĐ)” năm 2024.

Việc lựa chọn công nghệ thực tế ảo tương tác 3D trong một không gian di sản đã được thực hiện tại một khu phòng trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân dân

Nhiều bảo tàng ở Việt Nam hiện không chỉ đơn thuần là nơi diễn ra trưng bày, triển lãm theo kỳ/cuộc mà hướng tới cung cấp trải nghiệm toàn diện cho du khách từ không gian thực cho đến không gian “ảo”.

Cựu thanh niên xung phong tham dự triển lãm cùng thắp hương cho đồng đội từng tham gia mở đường Trường Sơn

80 bức ảnh tư liệu khơi gợi niềm tự hào, kiêu hãnh trong những năm tháng mở đường Trường Sơn vừa được Trung ương Đoàn tổ chức triển lãm tại Quảng Bình.

Ba cuốn tiểu thuyết trong bộ tiểu thuyết

Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục