Tục cúng Bàn Vương của người dao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/10/2012 | 2:58:32 PM

YBĐT - Người Dao ở Việt Nam có nhiều ngành Dao khác nhau. Các ngành Dao này thể hiện sự khác biệt rõ nhất ở trang phục và tiếng nói. Bên cạnh đó, tín ngưỡng, các loại hình văn hoá dân gian, kiến trúc nhà ở… giữa các ngành Dao cũng có những nét tương đối khác biệt.

Lễ cúng tạ ơn tổ tiên trong gia đình người Dao đỏ ở xã Nậm Lành (Văn Chấn).
Lễ cúng tạ ơn tổ tiên trong gia đình người Dao đỏ ở xã Nậm Lành (Văn Chấn).

 Tuy nhiên, trong tất cả các ngành Dao lại có một điểm chung trong tín ngưỡng, đó là tục thờ cúng Bàn Vương “Piền Hùng”, cho dù quan niệm về Bàn Vương có những điểm khác nhau. Chẳng hạn, một số ngành Dao cho rằng, Bàn Vương vốn là một vị vua tài giỏi, mưu lược nhưng lại là vua của một nước nhỏ nên luôn bị nước của Cao Vương áp bức và có nguy cơ bị tiêu diệt. Nhưng nhờ vào sự mưu lược của mình, Bàn Vương đã sai tướng Bàn Hộ hóa thành long khuyển mình rồng ngũ sắc lẻn vào thành của Cao Vương, lợi dụng lúc Cao Vương mất cảnh giác, Bàn Hộ đã giết chết Cao Vương để loại bỏ hiểm họa người Dao bị tiêu diệt.

Đối với người Dao đại bản (Dao đỏ, Dao quần chẹt) thì lại cho rằng, Bàn Vương là người đã có công cứu người Dao bằng việc đưa họ đi lánh nạn trên 7 chiếc thuyền vượt qua biển lớn đầy sóng dữ, thủy quái xuôi về phương Nam định cư yên ổn. Người Dao quần trắng thì quan niệm Bàn Vương giống như một người đứng đầu trong một dòng họ…

Cách thức tổ chức lễ cúng Bàn Vương ở mỗi nơi, mỗi ngành Dao cũng có những nét khác nhau, phổ biến ở 3 kiểu. Kiểu thứ nhất là làm lễ lớn “Tồm Đàng”do người Dao trong một xã cùng đứng ra mổ trâu, lợn tổ chức như một lễ hội. Thời gian tổ chức lễ hội thường vài năm làm một lần và kéo dài tới vài ngày gồm cả lễ và hội. Thông thường, lễ hội này diễn ra vào cuối năm khi công việc nhà nông ít bận bịu và chuẩn bị bước sang năm mới.

Đàn cúng tế Bàn Vương được lập bằng sàn tre, gỗ ở nơi trung tâm làng bản có địa thế đẹp, cao nhưng phẳng rộng, bảo đảm các yếu tố phong thủy do các thầy mo lựa chọn. Trên đàn tế có trang trí giấy nhiều màu, tranh thờ cúng, vải, nhiều đồ vật trang trí kết từ tre nứa, những lễ vật từ nông nghiệp như lợn, gà, trâu bò, thóc lúa.

Khi mọi thứ chuẩn bị xong, thầy mo tiến hành nghi lễ cúng tế tạ ơn Bàn Vương đã phù hộ cho người Dao luôn được bình yên, không bị giặc dã, bệnh dịch, ma quỷ hoành hành và làm ăn phát triển. Sau lễ cúng tạ ơn, thầy mo cùng dân làng hát 36 đoạn ca xướng và 7 tập khúc tử ca tụng công đức của Bàn Vương.

Kiểu cúng tế thứ hai là “Đàng Ton” nghĩa là nghi lễ nhỏ được tổ chức trong quy mô dòng họ. Thông thường, lễ này được tổ chức đối với các dòng họ coi Bàn Vương là ông tổ của mình và tự tập hợp nhau lại tổ chức cúng tế  theo truyền thống của các dòng họ. Vì là nghi lễ nhỏ nên thời gian diễn ra cũng ngắn hơn và sau phần cúng tế tạ ơn của thầy mo, người trong các họ thường chỉ hát 24 đoạn ca xướng, 7 tập khúc tử.

Kiểu cúng tế thứ 3 là cúng tế Bàn Vương trong từng gia đình. Nghi lễ này được tiến hành kết hợp trong các lễ cúng khác của gia đình như lễ cấp sắc, lễ cúng cơm mới, cúng vía lúa, làm chay… Phần thực hiện nghi lễ không phải mời thầy mo vì người đàn ông chủ nhà hầu như đều đã được làm lễ cấp sắc nên họ đủ khả năng thực hiện các nghi lễ trong quy mô gia đình.

Với quan niệm và cách thức tổ chức nghi lễ như trên, có thể nói rằng, lễ cúng Bàn Vương là nghi lễ mang đậm tính nhân văn. Nó hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội và con người luôn được trấn an tinh thần bởi bên cạnh mình đã có tổ tiên là Bàn Vương linh thiêng đầy sức mạnh bảo trợ. Đồng thời, nghi lễ này còn là sợi dây liên kết cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản tạo nên sức mạnh để bảo vệ và xây dựng cuộc sống.

H.N

Các tin khác
Nghệ thuật Hát Then, đàn Tính.

Trong cuộc họp báo giới thiệu về Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ 4 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức sáng 25-10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn cho biết liên hoan lần này sẽ hội tụ đông đảo các nghệ nhân, diễn viên hát then, đàn tính, người cao tuổi nhất 90 tuổi.

Tác phẩm ảnh “Tỏa sáng” – Đinh Mạnh Tài.

Ngày 23/10 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã công bố các tác phẩm giành chiến thắng tại cuộc thi ảnh CGAP 2012 tổ chức ở Washington, D.C., tác phẩm “Tỏa sáng” của nhiếp ảnh gia Đinh Mạnh Tài đã đoạt giải Tác phẩm được chú ý đặc biệt.

Nửa còn lại của lô cốt cũng đang có nguy cơ sập nốt bất cứ lúc nào

YBĐT - Được Bộ Văn hóa –Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996, Khu di tích lịch sử văn hóa Căng – Đồn Nghĩa Lộ chứa đựng những giá trị lịch sử to lớn. Vậy nhưng, ảnh hưởng của cơn bão số 5 hồi trung tuần tháng 8 năm 2012 đã gây sạt lở nghiêm trọng, một phần của lô cốt bị sập vỡ, nửa còn lại cũng đang có nguy cơ sập nốt bất cứ lúc nào.

Hoạt động báo chí tại Việt Nam.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88/2012/NĐ-CP quy định về hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục