Cơ hội cho phim ngắn Việt Nam
- Cập nhật: Thứ hai, 29/10/2012 | 2:27:16 PM
Tôi cho rằng tổ chức LHP quốc tế trên “sân nhà” thế này sẽ dần tạo được “chất kích thích” sự sáng tạo, thậm chí đánh vào tự ái nghề nghiệp của các nhà làm phim, TS Ngô Phương Lan - Giám đốc LHP quốc tế Hà Nội lần hai - Cục trưởng Cục Điện ảnh nhấn mạnh.
TS Ngô Phương Lan.
|
Diễn ra từ 25 đến 29/11, Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần hai hứa hẹn thu hút một số lượng phim dự thi và tham gia trình chiếu thuộc hàng kỷ lục. Dự kiến có khoảng 1.000 đại biểu cả quốc tế lẫn trong nước tụ về Hà Nội trong ngày hội lớn của giới điện ảnh. Đưa Liên hoan thành một thương hiệu mang tầm thế giới và qua đó quảng bá hình ảnh Thủ đô, giới thiệu với bạn bè về một nền điện ảnh Việt Nam đang chập chững hội nhập là tham vọng được người trong cuộc ấp ủ, đúng như chia sẻ của TS Ngô Phương Lan - Giám đốc LHP - Cục trưởng Cục Điện ảnh:
PV: Mới tổ chức lần thứ 2, nhưng Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã thu hút được một lượng lớn sự tham gia của các phim nước ngoài, trong đó có nhiều cái tên đình đám như: We need to talk about Kevin (Chúng ta cần nói chuyện về Kevin). Điều này chứng tỏ nhà tổ chức phía Việt Nam đã tạo dựng được uy tín, sự đảm bảo và LHP quốc tế Hà Nội tràn trề hy vọng trở thành một thương hiệu sáng giá?
TS Ngô Phương Lan: Đúng là chất lượng phim quyết định đến hơn một nửa thành công của Liên hoan. Phần còn lại là công tác tổ chức để tạo sự hưởng ứng của công chúng và niềm hứng khởi cho những vị khách quốc tế cùng giới nghề nghiệp điện ảnh. LHP lần này thu hút được nhiều phim hay nên chúng tôi đã phần nào thấy yên tâm.
Tôi muốn nói thêm rằng ban tổ chức xác định từ đầu là phải chọn được cả những phim đỉnh cao của điện ảnh thế giới lẫn những phim mới của các nền điện ảnh chúng ta chưa có dịp tiếp cận nhiều. Phim “đình đám” để khán giả có cơ hội thưởng thức, còn phim mới mà được khẳng định tại LHP thì bản thân LHP sẽ ghi dấu ấn nghề nghiệp vì có công phát hiện tài năng. Tuy nhiên, để xây dựng một thương hiệu thực sự cho thì còn công phu lắm! Phải “dựng” được một bản sắc - nói đơn giản là một nét riêng cho LHP - thì mới mong thế giới biết đến mình, nhớ đến mình.
PV: Nét mới của Liên hoan lần này so với lần tổ chức thứ nhất là gì, thưa bà?
TS Ngô Phương Lan: LHP quốc tế Hà Nội đúng theo thông lệ quốc tế là gắn với địa danh. Đây cũng là lần đầu tiên có chức danh Giám đốc LHP (còn gọi là Trưởng Ban tổ chức). Số lượng phim tham dự tăng gần gấp đôi so với lần thứ nhất (lần trước tổng cộng có 67 phim cả dài lẫn ngắn), chất lượng phim thì chúng ta vừa nói rồi. Phim dự thi được mở rộng ra toàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong khi lần trước chỉ hạn chế trong các nước Đông Nam Á.
Ngoài phim truyện, phim ngắn dự thi lần này bao gồm cả 3 thể loại là truyện ngắn, tài liệu ngắn và hoạt hình ngắn chứ không chỉ gói gọn vào phim tài liệu như trước. Bên cạnh phim dự thi, khu vực chiếu giới thiệu (Panorama) được xây dựng rất phong phú, gồm nhiều chùm phim theo các chủ đề như: Chùm phim hay của điện ảnh thế giới, Chùm phim tài liệu châu Á, Chùm phim hoạt hình Nhật Bản, Chùm phim truyện của các vị giám khảo, Chùm phim tài trợ của Quỹ Điện ảnh thế giới…).
Đặc biệt mới mẻ nữa là Trại sáng tác trẻ - một chương trình diễn đàn, trao đổi nghề nghiệp giữa các giáo sư, các nhà điện ảnh danh tiếng thế giới với các nhà làm phim trẻ tài năng của Việt Nam và quốc tế. Nhưng chắc chắn dễ nhận ra nhất sự đổi mới là Lễ khai mạc và Lễ bế mạc - trao giải. Tôi không muốn nói trước, để các bạn theo dõi sẽ thú vị hơn, chỉ muốn nói một điểm mới là phim chiếu khai mạc sẽ là một bộ phim Việt Nam mới tinh, vừa “ra lò” và hy vọng rằng mọi người sẽ ở lại xem đến tận cuối phim chứ không ra về sau 10 phút!
Cảnh trong bộ phim Anh hay nhất năm 2011 “Chúng ta cần nói chuyện về Kevin”. |
PV: Theo bà, điện ảnh Việt Nam sẽ thu được lợi thế gì sau những LHP quốc tế ngay trên sân nhà như thế này?
TS Ngô Phương Lan: LHP bao giờ cũng là cơ hội quảng bá rất tốt, không chỉ cho điện ảnh mà cho thành phố đăng cai, cho đất nước tổ chức. Điện ảnh Việt Nam chưa được thế giới biết nhiều, khán giả Việt cũng nhiều người sính phim ngoại nên cùng lúc chúng ta giới thiệu liên tục mấy chục tác phẩm chọn lọc của điện ảnh thì quả là có ý nghĩa. Bản thân tôi gần đây rất buồn vì chủ yếu phim Việt chiếu rạp là phim giải trí, thương mại. Một số phim bị gọi là “thảm họa”, là “siêu nhảm”… Tôi cho rằng tổ chức LHP quốc tế trên “sân nhà” thế này sẽ dần tạo được “chất kích thích” sự sáng tạo, thậm chí đánh vào tự ái nghề nghiệp của các nhà làm phim.
PV: Công chúng có cơ hội xem các bộ phim trình chiếu tại Liên hoan không và nếu muốn được tham gia vào sự kiện này, người hâm mộ điện ảnh phải làm gì?
TS Ngô Phương Lan: Đương nhiên tổ chức đến hơn 200 buổi chiếu phim là để phục vụ công chúng mà. Phim Việt Nam chủ yếu sẽ không bán vé mà vào cửa tự do... Còn phim nước ngoài nếu có bán vé thì giá vé chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 giá thông thường. Lịch chiếu phim sẽ được công bố trên trang web của LHP www.haniff.vn trước khai mạc LHP từ 1 đến 2 tuần hoặc tại các cụm rạp.
PV: Với tư cách là Cục trưởng Cục Điện ảnh, lại là một nhà phê bình uy tín, bà hy vọng gì ở các phim được chọn dự thi của Việt Nam tại Liên hoan lần này?
TS Ngô Phương Lan: Tôi cho rằng nếu được giải thưởng thì rất đáng mừng. vì phim dự thi của các nước chất lượng khá cao. Có vẻ như phim ngắn Việt Nam nhiều hy vọng hơn vì chúng ta có nhiều phim được chọn dự thi, do vậy xác suất thành công có thể sẽ cao hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn TS Ngô Phương Lan!
(Theo CAND)
Các tin khác
Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang vừa ban hành quyết định công nhận biểu trưng cây đa Tân Trào làm logo của tỉnh.
Nhằm hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Công ty TNHH An Hảo phối hợp NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật và Công ty DT Books thực hiện bộ lịch bloc 2013 siêu đại về Hồ Chủ tịch (bìa khổ 66 cm x 25,5 cm; bloc khổ 41 cm x 24 cm).
Ngày 27/10, chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 23 đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Á hậu 2 Đỗ Hoàng Anh, đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Trái đất (Miss Earth 2012) tại Philippines.