Những câu thơ viết từ trong tâm khảm

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/2/2013 | 8:56:25 AM

YBĐT - Đó là câu thơ đầu tuyển tập thơ của tác giả Bích Thư do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái tuyển chọn và phát hành cuối năm 2012 vừa qua.

Bìa cuốn “Nẻo đường nỗi nhớ”.
Bìa cuốn “Nẻo đường nỗi nhớ”.

Cuốn sách được in xong đúng vào dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, như một món quà xuân thể hiện tấm lòng trân trọng của Hội đối với tác giả - một hội viên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hoàng Liên Sơn và tỉnh Yên Bái từ năm 1976; cũng là món quà tinh thần quý giá tác giả Bích Thư tặng cho những người yêu thơ và luôn quý mến bà.

Đọc tuyển thơ “Nẻo đường nỗi nhớ”, chúng ta dễ dàng nhận thấy cuốn sách có hai phần nội dung rõ rệt. Phần thứ nhất là tuyển chọn 50 tác phẩm của tác giả Bích Thư từ năm 1962 đến nay, vừa vặn 1/2 số lượng trang sách. Nửa cuốn sách còn lại là những bài thơ, bài viết, bài bình luận tác phẩm, thể hiện tấm lòng của đồng nghiệp, bạn đọc với bà. Về hình thức, người tuyển chọn đã thể hiện được sự khá hợp lý về số lượng trang, tạo cảm giác cân bằng cho người đọc.

Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần 49 bài thơ trong tuyển tập và dừng lại rất lâu ở trang sách thứ 58. Đó là một đoạn văn ngắn đăng trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái số 5 năm 1993 có tựa đề “Viết cho ai? Viết để làm gì?”. Đoạn văn chỉ có một câu hỏi về những suy tư với nghiệp văn chương; và câu trả lời của tác giả Bích Thư là: “... Mỗi sáng tác dù nhỏ, đều ký tên rất rõ ràng, nhưng tên tuổi thì chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Cái ước muốn lớn nhất là ký thác được gì trong mỗi bài viết của mình ! Cuộc sống, tình yêu, niềm vui, nỗi buồn... Để bạn đọc, hay nói khác đi, xã hội chấp nhận được. Đó chính là hạnh phúc của những người sáng tác.

Tôi viết còn ít và thấy mình còn hạn hẹp lắm, mà cuộc sống thì vô cùng. Viết thế nào đây? Và tôi lúc nào cũng day dứt: Viết cho ai? Viết để làm gì?”
Nhìn vào thời điểm của bài viết thì năm đó, tác giả Bích Thư đã bước sang tuổi 63. Hai mươi năm trôi qua nhanh như một giấc mơ, ở độ tuổi hơn 80, bà vẫn là một người hoàn toàn minh mẫn với một cá tính rất riêng.

Thực sự, tôi rất ấn tượng và đồng tình với niềm day dứt của bà khi nói đến giá trị đích thực mà tất cả những ai theo nghề viết đều tâm niệm và hướng tới theo lời dạy của Bác Hồ là “viết cho ai? viết để làm gì?”. Tôi đã từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí và có một thời gian công tác ở trong ngành tuyên giáo, nên càng thấu hiểu sâu sắc những lời dạy của Bác đối với những người cầm bút chân chính.

Tuy tuổi đã cao nhưng tác giả Bích Thư vẫn còn minh mẫn và sáng suốt. Đặc biệt với những gì mình viết ra, bà rất cẩn trọng, kỹ càng. Khi tặng tôi cuốn “Nẻo đường nỗi nhớ”, bà vui nhưng không giấu nổi vẻ chạnh buồn khi nói về những lỗi sai trong quá trình biên tập và chế bản. Không cần giở sách, bà đọc cho tôi nghe từng chữ đánh máy nhầm tạo nên những lỗi sai hết sức ngớ ngẩn, thậm chí có câu thơ trở nên phản cảm, làm sai dụng ý của bà trong mỗi câu thơ.

Đồng cảm với tâm trạng của tác giả, tôi cho rằng, trong nghề viết, nghề biên tập, nghề in ấn không có chỗ cho sự cẩu thả và sự cẩn thận không bao giờ thừa cả. Với tấm lòng quý trọng và yêu mến đối với bà, tôi xin dẫn ra một vài ví dụ như một sự đính chính như sau:

Ở bài thơ “Chiều” có câu: “Gửi hương đồng nội cho em trong lành dịu ngọt” nhưng sách lại in là: “Gửi hương nội dành cho em trong lành dịu ngọt”.
Ở bài thơ “Vô đề” có câu: “Hình em in bóng hồ chiều”, sách lại in là: “Hình em in dáng hồ chiều”.

Bài thơ “Lời ru” có câu: “Dáng hình sâu nặng nước non”, sách lại in là: “Dáng hình sâu nặng nước cùng non”.

Bài thơ “Bàn tay xinh xinh” tác giả viết tặng một bé gái tên Quyên, cũng muốn nói em bé như chim quyên, có câu: “Bàn tay xinh xinh/ Cầm viên phấn nhỉ/ Quyên vẽ búp bê”, sách lại in là: “Quên vẽ búp bê”.

Bài thơ “áo em màu trắng” tác giả viết tặng các nữ bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái có những câu: “Ai dám quên mình có một quê hương ?/Tà áo trắng - cả đời em như thế/ Rất từ tâm cứu sự hiểm nghèo”, sách lại in là: “Ai dám quên mình không có một quê hương ?/… Rét từ tâm cứu sự hiểm nghèo”.

Bài thơ “Khúc tâm giao” có câu: “áo quân xanh đẫm chân trời/ Theo lời Bác dạy là lời nước non”, sách lại in là “áo quần xanh đẫm chân trời”…
Vâng, thời gian trải dài vô tận, cuộc sống muôn vẻ, muôn màu, nhưng cuộc đời mỗi con người thì chỉ có một mà thôi. Mọi thứ sẽ trôi qua, chỉ tình người và tình thơ là còn ở lại mãi với thời gian.

Trở lại với nỗi day dứt của tác giả Bích Thư: “Viết cho ai? Viết để làm gì?”, qua những tác phẩm của bà, tôi đã tự tìm ra một phần câu trả lời cho câu hỏi đầy suy tư và trách nhiệm đó. Hơn 50 năm cầm bút, gửi gắm lòng mình qua từng con chữ thì trước hết, bà viết cho chính mình, cho cuộc sống, tình yêu, niềm vui, nỗi buồn... của mình, để hy vọng mỗi bài viết, mỗi vần thơ, mỗi con chữ là một sự ký thác, làm sao để người đọc chấp nhận được. Con chữ thể hiện liêm sỷ của người cầm bút, vì “dù nhỏ, đều ký tên rất rõ ràng” nên viết để được chấp nhận chính là cái đích vươn tới, là niềm hạnh phúc lớn nhất của những người sáng tác.

Xin được kính chúc tác giả Bích Thư luôn có một sức khỏe tương đồng với tâm hồn của một người phụ nữ hoàn toàn minh mẫn, khoẻ khoắn và không nguôi trăn trở với những vần thơ!

Và để kết thúc bài viết, xin được mượn chính hai câu thơ mở đầu trong bài thơ mang tên tuyển tập “Nẻo đường nỗi nhớ”:

“Những câu thơ viết từ trong tâm khảm
Khắc nỗi niềm vào năm tháng - còn đây”.

Hồng Thanh Tâm

Các tin khác
Ca sỹ Thái Thùy Linh trong một chương trình

Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhằm tôn vinh ngày truyền thống của các y, bác sĩ trên cả nước chương trình Mang âm nhạc đến bệnh viện quyết định đem món quà tinh thần đến với tập thể các y bác sĩ ở cả hai miền Nam, Bắc.

Một góc Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Tối 25/2, Lễ đón nhận Bằng công nhận di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám là Di tích Quốc gia đặc biệt và Bằng công nhận 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới, đã diễn ra trang trọng tại Nhà Thái học, Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Tranh màu Lục Vân Tiên lần đầu tiên ra mắt công chúng bản thảo khắc gỗ

Bản khắc gỗ đặc biệt này sẽ được trưng bày tại triển lãm và hội thảo chủ đề “Tranh dân gian Việt Nam – Tranh bộ ba” tại TP.HCM.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dâng hương tưởng niệm Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương mở nước tại khu lăng mộ ở làng Á Lữ, xã Đại Đồng, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

Sáng 25/2, tại Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo một số Bộ, ngành đã dâng hương, tưởng niệm Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương mở nước và dự lễ khởi công dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục