Ở đây cũng phố “làng nghề”

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/3/2013 | 7:18:52 PM

YBĐT - Lâu lắm rồi tôi mới có một ngày bớt bận. Gió se se gợi nhớ cái Tết sum vầy tha thiết. Lòng bâng khuâng nhìn ngắm phố phường, chợt ngờ ngợ ra một điều gì đó.

Dãy phố kinh doanh hoa tươi trên đường Điện Biên.
(Ảnh: Thanh Ba)
Dãy phố kinh doanh hoa tươi trên đường Điện Biên. (Ảnh: Thanh Ba)

ừ, hình như Yên Bái cũng sắp có những phố “làng nghề”, gợi nhớ tới Hà Nội với băm sáu phố phường ngày xưa cùng những Hàng Than, Hàng Thiếc, Hàng Đường, Hàng Bạc… dọc ngang, ngang dọc như mắt lưới…

Có phải không nhé? Cứ ngẫm mà xem… Các anh muốn mua hoa cho người phụ nữ của mình nhân ngày 20/10, 8/3 ư? Địa điểm mà các anh nhớ đến đầu tiên sẽ là gần ngã tư Nam Cường! Ở đó có mấy hàng hoa kề nhau, tha hồ cho các anh chọn lựa. Không biết ai là người mở hàng đầu tiên để rồi những người khác học theo, cho hoa kia theo sinh kế của con người mà cứ thắm tươi mãi..

Còn nữa nhé! Đặc sản của Yên Bái là gì? Nhắc đến táo mèo với các sản phẩm chế biến từ táo mèo như rượu, mứt, dấm, ô mai… thì sẽ nhớ ra phải mua ở đâu là dễ nhất, tiện nhất? Ai đó sẽ mách cho chị, cho em là phải vào cây 3, gần chỗ khách sạn Suối Mơ hay gần chỗ nọ, chỗ kia… Không tin ư? Cứ ra đó mà xem, có mấy hàng liền với đầy đầy vơi vơi các kệ, các lọ. Đứng ở đó sẽ thấy ngào ngạt mùi đường, mùi mứt; thấy ngây ngất mùi rượu, mùi men. Hãy chọn lấy vài thứ để làm quà cho người xa quê và người quê xa Yên Bái, cho đặc sản quê mình theo tấm tình thơm thảo của người bản xứ đi khắp muôn nơi.

Khi tôi nói ra cái ý nghĩ ngộ ngộ của mình về những phố “làng nghề” ở Yên Bái cho những người bạn của mình nghe thì mới thấy rằng hóa ra có nhiều người cũng như mình, cũng hay “mắt la mày lém” để ý để tứ nhìn ngắm phố phường mỗi khi ra đường. Và họ cung cấp cho tôi thêm một loạt những địa điểm tập trung những cửa hàng cùng buôn bán những mặt hàng giống nhau khiến tôi chỉ biết “ờ nhỉ”, “ờ nhỉ” xác nhận đầy thán phục. Này nhé, muốn rửa xe, bọc dán nilon, trang trí xe máy ư? Ra cây 2, đoạn gần UBND phường Yên Ninh ấy.

Muốn thuê áo dài, đặt lễ ăn hỏi, chụp ảnh cưới à? Đến dốc cây 2, qua ngã ba Cao Lanh một đoạn! Muốn ăn nem rán, bún nem buổi trưa hoặc sau giờ tan  công sở buổi chiều không? Vào chỗ gần ngã ba rẽ đi đường Hòa Bình. Nem ở đó ngon lắm, ăn nóng vào lúc đói bụng thì thật tuyệt! Và có một hôm thèm ăn nem rán nóng rẫy tay, đi ngang qua đó, tôi mới thấy gần đấy, chưa đến đường rẽ vào Bệnh viện thành phố đâu, lại mọc lên mấy hàng bán bưởi Năm Roi. Và thế là lại ghé vào, chọn mấy quả về làm món nộm bưởi thịt bò khô mà lần trước trổ tài làm thử mẹ chồng cứ khen tấm tắc…

Muốn “giải ngố” không? Cứ đến đường Trần Phú – khu Trường Cao đẳng Sư phạm, Nguyễn Du – gần rạp Hồng Hà mà hát karaoke xả stress nhé! Quả thật ở đó các hàng karaoke cứ nối liền với nhau; bình dân có, VIP có, khiến cho những ngày nghỉ lễ, những dịp họp mặt cũng thêm tưng bừng, xôm tụ… Rồi còn nhiều nữa: bỏng ngô, ngô luộc, mía hấp – gần Đài tưởng niệm; gối bông, thú nhồi bông, đệm ghế - gần Tòa án tỉnh; quần áo trẻ em – cổng chợ Yên Bái cũ; quán ăn, nhà nghỉ - bên kia cầu Yên Bái; shop quần áo thì đường nào, phố nào cũng có…

Dãy phố làm nghề cho thuê áo dài, đặt lễ ăn hỏi trên đường Điện Biên.

Đi loanh quanh và nghĩ ngợi miên man mãi thì rồi tôi cũng về đến dãy phố nơi mình ở: phố Bùi Thị Xuân, gần rạp Hồng Hà, gần chùa Am – phải nói thế cho mọi người dễ hình dung. Có thể coi phố đó là một “làng nghề” thực sự. Người trong phố bảo nhau rằng: phố mình đầu năm thì lênh láng nước, cuối năm thì ngun ngút khói.

Quả thế thật! Đầu năm thì có đến nửa phố làm bột sắn dây. Nhà nào cũng một lô xô chậu, nong nia, mẹt rổ. Rồi ì nhào bóp bột sắn, thau nước, cắt chân bột… Đến khi bột lên mẹt thì trắng sáng lấp lánh những lan can tầng hai, tầng ba, những mái nhà, nóc bếp… Đến tháng Ba, tháng Tư thì nồng nàn mùi hoa bưởi ướp bột. Tôi về phố làm dâu mới được hai năm nên vẫn còn lóng ngóng với những công việc đó. Rồi “nghề” cũng dần theo những người con của phố đi khắp nơi và cũng được nhân lên mãi ở phố, thêm nhà nọ nhà kia làm nghề, trước mắt vì sinh kế, cơm áo...

Đến cuối năm, khi gió đã se se thì phố lại vào mùa làm lạp sườn, thịt sấy. Dọc hai bên đường vào phố sẽ thấy những thùng phi sấy lạp sườn ngui ngút khói. Khói tạt vào cay mắt chị, mắt em những lại thấy nôn nao vị tết, thấy bâng khuâng nhớ mùi khói trấu, khói mùn cưa từ những tháng năm xa của quê nhà diệu vợi. Chẳng biết ai là người khởi xướng những nghề này ở phố, vì đến giờ thì ai cũng nhận mình là người đầu tiên, còn những nhà khác là “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”! Tôi cũng học lỏm được chút ít, chỉ nghĩ làm để ăn và biếu những người quen thân vào dịp tết mà thôi, chứ không bán buôn gì..

Nhìn rộng ra thì lại nhớ những nơi mình từng đi qua cũng thế, có biết bao “làng nghề” dọc những con đường, dãy phố! Nhưng trên hết, mỗi khi nhớ về thành phố quê hương lại thấy nôn nao những tên hàng, tên quán đã in vào tâm khảm bởi những kỉ niệm khi tụ tập bên bạn bè, khi lang thang cùng một cố nhân nào đó… Bạn có như tôi không hay mải miết chạy xe, vội vã tan sở đón con mà chẳng hề để ý?

Nguyễn Thị Thu Hiền (Trung tâm GDTX-HNDN Trấn Yên)

Các tin khác
Đình Lương Nham ở tổ 39, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái còn có tên gọi khác là đình Trắng.

YBĐT - Đình Lương Nham ở tổ 39, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái còn có tên gọi khác là đình Trắng. Đình là nơi thờ tự các vị đại vương làm Thành hoàng như: Đột Ngột cao sơn thánh vương, Cao Sơn Nông Cả đại vương, Cao Sơn Bảo Hưng đại vương, Thạch Linh thần đại vương, Thổ Lệnh thần đại vương, Hồng Dũng đại vương, Thái tử Nguyễn Công Rước và Quế Hoa liệt nữ...

Album

Là một trong những nhạc sĩ có nhiều ca khúc viết về Trường Sa, mới đây nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp tiếp tục giới thiệu một album gồm các ca khúc viết về người lính hải quân. Album mang tên “Nghe em hát ở Trường Sa” qua sự thể hiện của ca sĩ Dương Quốc Hưng.

Cảng Dầu khí PTSC- thành phố Vũng Tàu.

Đơn vị đăng cai tổ chức Festival Cảng biển quốc tế Công ty cổ phần Truyền thông Toàn cầu Long Mai (LOMA) cho biết, Festival Cảng biển quốc tế sẽ được tổ chức từ ngày 17-19/5, với chủ đề "Việt Nam-Thương cảng hòa bình và phát triển" tại thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Đạo diễn Phong Lan phỏng vấn nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Staley Kanow trong phim tài liệu “Mậu thân 1968”

Ghi nhận thành công của hai bộ phim tài liệu ''Hiệp định Pari 1973'' và ''Mậu thân 1968”, đạo diễn Lê Phong Lan vừa được trao tặng bằng khen của Đài truyền hình Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục