Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2013

Muôn dân hướng về nguồn cội

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/4/2013 | 8:32:09 AM

"Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm"

Hàng vạn người dân và du khách thập phương về dự Giỗ Tổ Hùng Vương.
Hàng vạn người dân và du khách thập phương về dự Giỗ Tổ Hùng Vương.

Câu ca dao đậm nghĩa tình ấy đã đi sâu vào lòng người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong thẳm sâu tâm thức của mỗi người dân đất Việt từ miền ngược đến miền xuôi, từ Nam chí Bắc đều  ý thức tìm về cội nguồn của dân tộc. Hàng ngàn năm nay, truyền thống Giỗ Tổ Hùng Vương tưởng nhớ cha Rồng, mẹ Tiên và 18 đời Vua Hùng đã trở thành biểu tượng văn hoá tâm linh, tín ngưỡng, điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nơi mà mọi người dân đất Việt dù ở nơi đâu cũng hướng về với lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên.

Một nghi lễ trong Lễ hội đền Hùng

Năm nào cũng vậy, từ ngày 1-3 đến ngày 10-3 Âm lịch, Phú Thọ - nơi quê cha đất tổ lại được đón hàng triệu lượt khách hành hương về cội nguồn. Đặc biệt trong những năm gần đây, lượng khách đến Đền Hùng rất đông và từ rất sớm. Theo sự dự đoán của các nhà lữ hành và các nhà quản lý văn hóa thì Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay có sự kiện đặc biệt quan trọng là tôn vinh di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nên lượng du khách đổ về Phú Thọ sẽ càng đông hơn.    

Trước chính hội (10/3 Âm lịch) hàng chục ngày, trên khắp mọi nẻo đường từ ngã ba hàng vào cổng Đền Hùng đã tấp nập người đi. Quang cảnh Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã nhộn nhịp, tưng bừng chẳng kém gì ngày hội mở. Du khách đến đây đều cảm nhận về sự đổi thay đến ngỡ ngàng của Khu di tích. Mọi thứ trông thật đẹp, hoành tráng, đường đi lối lại phong quang, sạch đẹp.

 Các đôi nam thanh nữ tú cười nói vui vẻ, các cụ già rảo bước khoẻ khoắn như thời trai trẻ.  Mặc dù năm nào cũng hành hương về Đất Tổ song lần nào đến đây, lòng tôi cũng dâng lên một niềm xao xuyến, bâng khuâng khó tả khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên nơi đây. Những lớp sương bồng bềnh như dải lụa trắng mềm mại, thanh khiết trải ngang dãy núi, rừng cây làm cho khung cảnh Đền Hùng trở nên kỳ ảo như giữa cõi Bồng lai.

Năm 2013, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng có sự kiện đặc biệt quan trọng là tôn vinh di sản "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì vậy, chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ - 2013 được tổ chức 7 ngày từ ngày 4/3 đến ngày 10/3 Âm lịch với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch được tổ chức với qui mô rộng khắp từ thành phố Việt Trì cho đến Trung tâm Lễ hội Đền Hùng và các vùng phụ cận.

Trong không khí náo nhiệt, đông vui, dòng người đi như nước chảy, tiếp nối nhau không dứt đang bước lên cổng Đền. Cố len vào dòng người đông đúc, tôi làm quen với bạn Nguyễn Thị Quỳnh Hoa quê ở Hải Dương. Hiện Hoa đang là sinh viên khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Hoa đang cầm trên tay cuốn sách “Đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của tác giả Phạm Bá Khiêm, vui mừng nói : “Mình đã nhiều lần đến Đền Hùng và như một thói quen, mỗi lần đến mình lại mua 1 cuốn sách mới liên quan đến Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Vì mình rất thích nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là lịch sử cội nguồn của dân tộc”.

Chia tay Hoa, tôi bắt gặp ánh mắt say mê chăm chú xem những cuốn sách giới thiệu về Khu Di tích lịch sử Đền Hùng của 2 thiếu nữ dân tộc Tày. Em Ma Thị Toản đến từ tỉnh Tuyên Quang tâm sự: “Chúng em sinh ra và lớn lên ở trên vùng núi cao, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên chưa có điều kiện tìm hiểu rõ về lịch sử cội nguồn của dân tộc. Hôm nay được đến đây, em mới có cơ hội được hiểu rõ hơn về nguồn gốc của dân tộc mình, được gặp gỡ nhiều người trên khắp mọi miền tổ quốc. Em rất vui, tự hào về truyền thống cha ông dựng nước và càng thấy yêu quê hương mình hơn”. Những lời tâm sự của Toản đã thể hiện được những ước muốn thật đẹp của người vùng cao hướng về miền Đất Tổ - nơi hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Dừng chân ở đền Trung là 2 người bạn Việt kiều. Anh Nguyễn Văn Quyền, 30 tuổi quê ở Bắc Giang hiện đang làm việc tại Nhật Bản, cho biết: “Lần này mình xin về nước nghỉ phép 1 tháng mục đích chính là đưa vợ con đi thăm viếng Đền Hùng, để được thắp nén hương thơm lên Mộ Tổ linh thiêng, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và để các cháu tự hào khi biết mình có nguồn gốc là con Rồng cháu Tiên. Ở bên Nhật, ngày nào mình cũng xem tin tức của Việt Nam, khi nghe ti vi đưa tin Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, mình mừng rỡ và tự hào đến rơi nước mắt”.

Các bạn thanh niên thì hồ hởi, phấn chấn, các cụ già cũng vui mừng không kém. Cụ Đặng Quế Lâm quê ở Ninh Bình, năm nay đã gần 70 tuổi, đang rảo bước cùng con cháu lên Đền Thượng. Cụ Lâm nói: “Tôi rất vui mừng khi biết tin Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì thế lần này, tôi đưa cả gia đình hành hương về thăm Mộ Tổ, để thắp nén hương tri ân công đức tiền nhân, giáo dục con cháu truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình mình”.

Người Việt Nam vốn có truyền thống đạo lý sâu sắc về cách ứng xử với các bậc tiền nhân, với thế hệ đi trước bằng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”… Chính vì vậy mà các thế hệ nối tiếp nhau luôn tôn kính và biết ơn những người đã có công khai sinh ra đất nước, dân tộc.

Về với cội nguồn không chỉ có những người con dân đất Việt mà còn có rất nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau. Tôi tình cờ gặp một nhóm bạn đến từ đất nước Phần Lan đang mải ngắm tấm bia đá ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Anh Iogana cho biết: “Đến Việt Nam, nhất là đến với Đền Hùng, tôi cảm nhận được sự tôn kính của các bạn đối với các bậc tiền nhân và sự đoàn kết của các bạn thật lớn. Có lẽ đó là đặc điểm riêng biệt mà chỉ có ở Việt Nam. Đó cũng chính là lý do vì sao tôi yêu mến Việt Nam và muốn có những chuyến công tác dài ngày tại đất nước các bạn”.

Tôi thực sự cảm động trước những tình cảm chân thành của một người ngoại quốc. Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sự giao lưu giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đang mở rộng và rồi sẽ còn có rất nhiều du khách từ năm châu bốn bể đến với Việt Nam nói chung và Đền Hùng nói riêng.

Có thể nói, Đền Hùng là nơi hội tụ của mọi tầng lớp, mọi dân tộc Việt Nam. Dù ở phương trời nào họ cũng vẫn hướng về Đền Hùng với lòng thành kính, nhớ ơn công lao dựng nước của các vua Hùng. Về Đền Hùng, chúng ta có dịp được gặp những người anh em cùng “bọc trăm trứng”, được sống trong không khí hào hùng của dân tộc.

Thời đại của chúng ta - con cháu các Vua Hùng - đang gắng sức tô điểm và phát huy sức sống trường tồn của truyền thống Giỗ Tổ Hùng Vương. ý nghĩa tâm linh của cuộc hành hương về với cội nguồn đã trở thành nếp sống, nét văn hoá truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi người Việt Nam. Đó là truyền thống văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Tất cả mọi người dân đất Việt đều có quyền tự hào mỗi khi về dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.

 Quách Thị Sinh

Các tin khác
Nhân dân rước kiệu lên Đền dịp Giỗ Tổ.

Đúng 7 giờ sáng nay (19/4, tức 10/3 âm lịch), Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng được tổ chức long trọng tại núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Đây là năm thứ ba, ngày hội Sách và Văn hóa đọc diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2013 với chủ đề “Cuốn sách làm thay đổi cuộc đời” sẽ diễn ra vào ngày 20/4/2013 tại Trung tâm hoạt động văn hoá - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội.

Bộ ba giám khảo được đánh giá là duyên dáng và hài hước hơn ở mùa giải thứ hai

Thông tin không lâu lắm được ban tổ chức Vietnam’s Got Talent công bố từ số liệu tổng kết của TNS, Vietnam's Got Talent tiếp tục là chương trình truyền hình thực tế có lượng người xem (rating) trên cả nước cao nhất so với các chương trình truyền hình thực tế khác trên VTV3 trong 4 năm trở lại đây.

Quang cảnh lễ rước nước tại lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư năm 2013.

Tối 17/4 (tức 8/3 Âm lịch), Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư năm 2013 đã chính thức khai mạc nhân kỷ niệm 1.045 năm (968 - 2013) Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, xây dựng nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên tại Việt Nam và hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục