Vườn hoa Nhà kèn nhìn từ góc độ văn hóa, lịch sử
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2013 | 10:46:20 AM
YBĐT - Vườn hoa Nhà kèn - trước rạp Hồng Hà ngày nay - gắn liền với sự hình thành, xây dựng và phát triển một giai đoạn dài của thị xã Yên Bái khi Toàn quyền Pháp ở Đông Dương Đơ-la-nét-xăng ký Nghị định thành lập tỉnh Yên Bái ngày 11/4/1900.
Trung tâm Thành phố Yên Bái hôm nay.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Vườn hoa Nhà kèn là vườn hoa duy nhất và nằm ở trung tâm thị xã thời Pháp thuộc. Vườn hoa Nhà kèn được xây dựng gần Dinh Tuần phủ, trại Giám binh, trại lính khố xanh, đề lao, sân Căng, chợ Yên Bái và xung quanh là các phố Hội Bình, Yên Thái, Yên Hòa. Vườn hoa được trồng các loại cây long não, nhội, hoa sữa, nhiều cây to đường kính tới 60 - 70cm. Vườn hoa được chia nhiều ô để trồng cỏ với nhiều lối đi dạo.
Đặc biệt trên vườn hoa có xây một ngôi lầu bát giác nổi bật giữa vườn hoa. Nền lầu bát giác cao gần một mét so với vườn hoa, đường kính 6m, trụ cao khoảng 3m, xung quanh có lan can, một bên sườn có lối lên. Tại lầu bát giác này, lính Pháp thường ra tập thổi kèn, vì vậy người dân thị xã gọi là Vườn hoa Nhà kèn. Vườn hoa Nhà kèn còn là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng trong quá trình diễn ra cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công ở thị xã Yên Bái.
Đêm 16 rạng ngày 17/8/1945, được lệnh của Ủy ban Quân sự Cách mạng tỉnh, 4 trung đội vũ trang từ các bến đò Âu Lâu, Ngòi Chanh, Bảo Hưng vượt sông Hồng đánh chiếm thị xã Yên Bái. Giao tranh ác liệt giữa quân khởi nghĩa với quân Nhật đã diễn ra ở các phố Hội Bình, Yên Thái, Yên Hòa và Vườn hoa Nhà kèn. Chi bộ Đảng thị xã mới được thành lập hơn 3 tháng và chỉ có 3 đồng chí (Mai Văn Ty, Nguyễn Minh Đăng, Nguyễn Chí Dũng) nhưng đã lãnh đạo lực lượng quần chúng cách mạng đông đảo thị xã nổi dậy từ bên trong, làm hậu thuẫn cho quân khởi nghĩa đánh vào giải phóng thị xã.
Ngày 20/8/1945, Ban cán sự Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa đã huy động nhân dân ở Chiến khu Vần, Trấn Yên, Yên Bình và các xã lân cận tập trung ở Vườn hoa Nhà kèn thị uy. Trước áp lực mạnh mẽ của lực lượng khởi nghĩa và nhân dân, quân đội Nhật phải đầu hàng. Ngày 21/8/1945, lực lượng cách mạng tiếp quản thị xã Yên Bái.
Ngày 22/8/1945, tại Vườn hoa Nhà kèn, Ban cán sự Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa đã tổ chức mít tinh chào mừng khởi nghĩa Yên Bái thắng lợi với gần một vạn người tham gia (Lịch sử Đảng bộ thành phố Yên Bái trang 93), chấm dứt ách đô hộ của chế độ thực dân, phong kiến ở Yên Bái. Tại vườn hoa này cũng chứng kiến lễ ra mắt chính quyền cách mạng thị xã Yên Bái.
Sau ngày đất nước độc lập, lá cờ đỏ sao vàng được treo trên nóc Nhà kèn và sáng thứ hai hàng tuần, nhân dân thị xã lại tập trung ở vườn hoa chào cờ và hát quốc ca. Khi Quốc dân Đảng theo quân Tưởng chiếm thị xã, bắt treo cờ Quốc dân Đảng và hát bài của Quốc dân Đảng nhưng nhân dân phản đối. Thanh niên Lê Đức (sau này là giáo học) nói với Quốc dân Đảng: "Chúng tôi là người dân Việt Nam độc lập, chỉ chào cờ đỏ sao vàng và hát "Tiến quân ca". Thanh niên Lê Đức đã bị Quốc dân Đảng đưa về Sở Liêm phóng tra hỏi.
Ngày 28/2/1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết. Tháng 6, quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam. Đầu tháng 7, lực lượng vũ trang Yên Bái bắt đầu tấn công bọn phản động Quốc dân Đảng và đến ngày 13/7, bọn Quốc dân Đảng ở thị xã Yên Bái bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhân dân thị xã bắt tay xây dựng cuộc sống mới của người dân một nước tự do, độc lập. Nhân dân thị xã Yên Bái vừa giành được chính quyền và lúc này, ngân khố quốc gia không còn gì.
Hưởng ứng Sắc lệnh của Chính phủ về thành lập "Quỹ độc lập" và "Tuần lễ vàng", chính quyền thị xã đã mượn kiệu Long Đỉnh của Đền Vọng, trên đặt hũ quyên vàng cùng đoàn thiếu nhi đánh trống diễu hành quanh thị xã, hô vang các khẩu hiệu: "Hãy đem vàng rửa hận cho Tổ quốc", "Hãy đem vàng đổi lấy tự do" và khuyên những người có vàng ủng hộ vàng cho Nhà nước: "Đeo hoa chỉ tổ nặng tai, đeo kiềng nặng cổ hỡi ai có vàng".
Sau diễu hành, hũ quyên vàng được đặt giữa lầu bát giác để mọi người mang vàng, bạc, tiền ủng hộ cách mạng. Trong cuộc vận động "Tuần lễ vàng", nhân dân thị xã đã ủng hộ cách mạng được 7 lạng vàng và hàng chục vạn đồng Đông Dương.
Hòa bình lập lại năm 1954 trên miền Bắc, thị xã Yên Bái thực hiện chủ trương hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Trụ sở các cơ quan của tỉnh và thị xã đều được xây dựng không xa khu vực vườn hoa. Khu vực nhà điều dưỡng cán bộ tỉnh hiện nay là trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh; khu vực phía dưới nhà điều dưỡng là các cơ quan: Ty Giao thông, Kiến trúc, Thủy lợi, Văn hóa, Giáo dục, Trường cấp II, III; khu bệnh viện 103 là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh; khu vực Chi cục Quản lý thị trường là trụ sở Thị ủy, UBND thị xã, Ngân hàng Nhà nước tỉnh; khu vực Trường Tiểu học Hồng Thái là Ty Tài chính, Tỉnh đoàn.
Xung quanh Vườn hoa Nhà kèn đã xây dựng 3 khu cửa hàng bách hóa tổng hợp, chợ trung tâm tỉnh, rạp chiếu bóng, hiệu sách nhân dân, sân vận động tỉnh. Khu vực này trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất thị xã thời đó đồng thời cũng là điểm sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của nhân dân thị xã. Vườn hoa là điểm hoạt động văn hóa, văn nghệ duy nhất của thiếu nhi thị xã.
Nhiều người dân khu phố I, II, III thường ngồi quanh vườn hoa lắng nghe tin tức của Đài Tiếng nói Việt Nam phát trên loa công cộng treo quanh vườn hoa và buổi tối thứ 7 hàng tuần, mọi người ngồi đông kín quanh vườn hoa nghe chương trình sân khấu truyền thanh, kể chuyện cảnh giác. Nét văn hóa này kéo dài đến khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân năm 1965.
Vườn hoa Nhà kèn đã nhiều lần bị máy bay Mỹ ném bom và nhà bát giác - biểu tượng của Vườn hoa Nhà kèn cũng bị bom Mỹ phá. Vườn hoa Nhà kèn cũng là nơi Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương năm 1958 lên biểu diễn tại Yên Bái với các nghệ sỹ nổi tiếng của đất nước như Quý Dương, Trần Khánh, Khánh Vân...
Sau khi đất nước thống nhất rồi thị xã Yên Bái được nâng cấp lên thành phố và sau những lần quy hoạch phát triển dân cư, thành phố Yên Bái kéo dài giáp huyện Yên Bình như ngày nay. Vườn hoa Nhà kèn đã thu nhỏ lại so với trước, đôi lần được cải tạo, nhưng vai trò chứng nhân lịch sử đã và đang mờ dần theo thời gian.
Người dân thị xã Yên Bái đã từng chứng kiến những bước thăng trầm của thị xã hơn một thế kỷ dù công tác hoặc làm ăn ở đâu, kể cả xa xứ, mỗi khi nhớ về quê hương Yên Bái, có Vườn hoa Nhà kèn với biểu tượng ngôi lầu bát giác luôn hiện lên đậm nét trong tâm tưởng.
Trần Thi
Các tin khác
Báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam vừa công bố kết quả cuộc thi Truyện ngắn 2011-2013. Sau hai năm diễn ra cuộc thi, Ban biên tập đã nhận được hơn 2.000 tác phẩm tham dự của các tác giả khắp mọi miền đất nước, có 315 tác phẩm được tuyển chọn, in trên Báo Văn Nghệ và Văn Nghệ Trẻ
Đó là cuốn ký sự Những mảnh đời được ban tặng vừa được NXB Trẻ ra mắt tháng tư này, của nữ tác giả Mỹ Dana Sachs.
Bắt đầu sơ tuyển từ ngày 1/5, Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc – giải Sao Mai sẽ tiếp tục cuộc hành trình tìm ra giọng hát xuất sắc nhất.
Bộ Văn hóa Thái Lan cho rằng bộ phim “Boundary” (Biên giới) của đạo diễn Nontawat Numbenchapol là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và mối quan hệ quốc tế”. “Boundary” trước đó đã là đại diện của điện ảnh Thái tại Liên hoan phim Berlin 2012.