Cánh diều mơ ước trong thơ Nông Quang Khiêm

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/5/2013 | 8:46:55 AM

YBĐT - Tập thơ “Cánh diều tuổi thơ” của Nông Quang Khiêm, NXB Kim Đồng, năm 2011mở ra một không gian rộng lớn, chắp cánh cho những ước mơ tuổi thơ bay cao, bay xa. Điều nổi bật trong tập thơ của Nông Quang Kiêm là tình yêu tha thiết với quê hương, với ông bà, với cha mẹ…

Mỗi bài thơ không chỉ sâu nặng tình người mà còn như một bức tranh với những gam màu tươi sáng. Cái tôi trữ tình của tác giả hóa thân vào từng câu chữ, hóa thân vào thế giới mộng mơ như huyền thoại của trẻ thơ, gợi bao điều kỳ thú, sâu nặng tình người.

Không phải ngẫu nhiên mà bài thơ đầu tiên là bài “Mở toang cửa sổ”. Đây không chỉ là cánh cửa sổ cụ thể của ngôi nhà mà còn là cánh cửa tâm hồn trong veo của trẻ thơ mà khi: “Mở toang cửa sổ/ Cho gió ùa vào/ Thơm hương hoa cỏ/ Gió đồng mát sao”. Rồi còn những hình ảnh: “Em ngồi đếm sao/ Lung linh mười sáu/ Trăng tròn trên cao” … “Chợt bừng tiếng chim/ Lao xao cây lá/ Nắng vàng dịu êm…/ Bao la đất trời/ Có bầy trẻ nhỏ/ Rộn vang tiếng cười”.

Trong 70 bài của tập thơ có nhiều bài viết về ông bà, về cha mẹ… với tất cả lòng biết ơn với bậc sinh thành khiến người đọc rưng rưng và như những hạt mưa xuân thấm dần, khơi dậy những hạt mầm tốt đẹp trong tâm hồn trẻ thơ như bài “Chiều tối mùa ngô”. Tác giả khắc họa hình ảnh người bà thân yêu của mình cả đời vất vả, cần cù, cả khi đã đến tuổi “nghỉ ngơi”, “vẫn đòi lên nương”. Người đọc chợt lặng đi trước hình ảnh: “Cháu ra bờ suối/ Đợi trái ngô thơm/ Bản vắng bình yên/ Chiều đi lặng lẽ”, thời gian đâu có chờ đợi ai và hình ảnh của bà còn mãi trong tâm tưởng cả khi bà đã mãi đi xa: “Vẫn chiều bình lặng/ Nhớ bà không thôi/ Bếp than vẫn đỏ/ Mùa ngô đâu rồi…”. Câu hỏi trống ở cuối bài sao mà xa xót, khơi dậy phần “người” trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi.

Trong bài: “Tiếng rao” người đọc đồng cảm với tác giả khi nghe: “Tiếng rao ai lạc lõng/ Hút cuối con phố dài/ Giật mình ngỡ tiếng mẹ/ Vẫn ra hàng sớm mai” và lặng đi khi thấy: “Có khi hàng lại ế/ Mẹ gánh về heo may”. Thương mẹ, cảm thông với nỗi vất vả của mẹ nên dù khi: “Tiền học con hết rồi/ Viết thư về hỏi mẹ/ Có cái gì khe khẽ/ Vỡ òa vào hư không”. Những kỷ niệm ấy đồng hành cùng tác giả ngay cả khi người mẹ qua đời: “Mẹ ơi một chiều đông/ Con chẳng còn mẹ nữa/ Tiếng rao ai qua phố/ Con ngóng theo tần ngần”.

Tiếng rao xuyên suốt bài thơ như một nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi. Trong tập thơ của Nông Quang Khiêm có nhiều bài viết về mẹ, mỗi bài có một sắc thái biểu cảm riêng, khi là: “Quà của mẹ”, “Bước chân đến trường”, “Con ơi”, khi lại là: “Chiếc gùi của mẹ”…  Hình ảnh người mẹ, tình cảm của mẹ hiện hữu trong từng hơi thở của tác giả, nâng bước và tiếp sức cho tác giả trên con đường đời.

Tác giả dành nhiều bài viết về quê hương yêu dấu, nơi anh sinh ra và lớn lên, mỗi kỷ niệm đều gắn bó như một phần đời không thể thiếu. Đấy là những buổi theo mẹ “Lên nương”: “Theo mẹ lên nương/ Đầu gối chạm tai/ Mũi thở/ Mồm cũng thở”… và bằng cảm cảm quan tinh tế, anh thấy: “Cái nương/ Nhìn đã thấy nghèo/ Mẹ gieo/ Sự sống nẩy mầm trong hốc đá…”. Hay trong bài: “Lùa trâu ra đồng cỏ” như một bức tranh sống động tràn đầy màu sắc, âm thanh và tình yêu thơ trẻ: “Lùa trâu ra đồng có/ Nắng thơm vào tóc em/ Đồng xa xanh vời vợi/ Tiếng mõ khua vang rền…/ Lùa trâu ra đồng cỏ/ Sẽ gặp toàn trẻ con/ Cả khung trời náo nức/ Chúng cười nghe rất giòn”.

Còn bài: “Biển mây” lại đầy sự liên tưởng ngộ nghĩnh của trẻ thơ: “Cũng gọi  là biển/ Không ai ngăn lại/ Không chảy về đâu/ Cứ mênh mông mãi/ Biển mây không có/ Tàu thuyền ngược xuôi/ Cũng không tôm cá/ Buồm căng rợp trời…/ Sáng ra ngập bản/ Trưa trút xuống thung/ Như thủy triều đấy/ Ôi! Biển quê mình”.

Và khi đọc bài: “Bù nhìn”, người đọc lặng đi trong sự cảm thông sâu sắc với cái nghèo của mảnh đất bao đời khốn khó, bằng cảm quan tinh tế và sự nhạy bén, tác giả đã nhân hóa một vật vô tri mang ý thức của con người hết lòng vì làng bản: “Cả đời không áo lành để mặc/ Cả đời dãi nắng dầm mưa/ Một mình/ Bù nhìn rung rung/ Cầy cáo chạy mất/ Chim chóc bay xa/ Tay bù nhìn dang ra/ Như muốn ôm cả trời đất…”.

Thật độc đáo khi đọc những câu thơ kết bài mang cái đức của người vùng cao quê hương của tác giả: luôn hy sinh vì mọi người không đòi hỏi cho riêng mình: “Tôi lớn lên/ Thấy bù nhìn vất vả/ Bản được mùa lúa/ Bản được mùa ngô/ Người người no ấm/ Chỉ riêng bù nhìn áo rách…/ Có phải bù nhìn thương bản ta còn khó”.

Trong tập thơ, tác giả có nhiều bài thơ mang đậm dấu ấn trẻ thơ, ẩn sâu trong đó là những bài học giáo dục nhẹ nhàng và sâu sắc: “Nói với Cuội”: “Trăng treo sáng tỏ/ Cuội ngồi buồn tênh/ Xưa hay nói dối/ Cuội phải xa trần…/ Cung trăng bé tẹo/ Một mình chơi xa/ Ai phạt chú Cuội/ Làm gương cho ta/ Đừng ai nói dối/ Như Cuội nữa nghe”. Hay như bài: “Trách xuân” : “Xuân cho nhiều, sao không cho tất cả/ Cứ nhăn nheo khuôn mặt ông bà/ Mùa xuân trẻ sao đời không trẻ/ Cứ bạc hoài mái tóc mẹ cha”.

Tác giả dành nhiều bài viết về cảnh vật và con người của quê hương, những cái đã ăn sâu vào tâm khảm của tác giả, với cái nhìn thơ trẻ, hồn nhiên. Đây là ngọn “Gió” quê hương: “Tôi là cánh rừng thẳm/ Tiễn gió về xa xôi/ Có đi qua bản vắng/ Tiễn khói lam lên trời./ Gió đi qua đồng cỏ/ Ru cánh diều tuổi thơ/ Con sông dài lăng lẽ/ Sông vỗ êm đôi bờ… Gió gom ánh mây trời/ Hóa cơn mưa tươi mát/ Ai mồ hôi nặng hạt/ Gọi gió về gió ơi!...”.

Bài “Con đường nhỏ” thân quen lại đầy sự phát hiện mới lạ thế giới của tuổi thơ: “Một lối mòn nho nhỏ/ Đưa ta ra đồng làng/ Chân trần nhanh nhanh bước/ Mầu đất nâu mịn màng/ Ven đường cỏ xanh non/ Cào cào đang tập võ/ Cây lao xao gọi gió/ Đưa cánh diều vi vu…/ ấy là con đường mòn/ Tuổi thơ tôi gắn bó/ Hồn nhiên cùng cây cỏ/ Và bầu trời bao la”. Con đường đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ ấy luôn hiện hữu trong ký ức, nối với những con đường rộng lớn trên đường đời không chỉ của tác giả.

Thơ của Nông Quang Khiêm viết cho thiếu nhi đầy ắp chất liệu của vùng cao quê anh, nhẹ nhàng, dí dỏm, vui tươi, hồn hậu gần gũi với cách nghĩ, cách nói của trẻ thơ, những bài học giáo dục nhẹ nhàng, sâu sắc và vô cùng thấm thía, góp phần xây dựng nhân cách trẻ. Đa phần các bài đều dùng câu ngắn, mang hơi hướng của truyện cổ tích, như những lời thủ thỉ tâm tình, vừa miêu tả vừa tự sự, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người.

Những thông điệp cuộc đời, những bài học giáo dục vì vậy cũng nhẹ nhàng, tự nhiên không hề gượng ép như bài “Sợi rơm” : “Sợi rơm! Sợi rơm!/ Vàng như sợi nắng/ Đời oằn cõng nặng/ Gặt… rồi thành rơm/ Sợi nào vàng ươm/ Cho ông bện chổi…/ Sợi nào đồng xa/ Hóa mình cho đất/ Sợi theo về nhà/ Thành “cây” cao ngất/ Cục ta cục tác/ A! Đầy trứng rồi/ ổ rơm mẹ lót/ Gà ơi ấp thôi”. Cả những rung cảm đầu đời của tuổi hoa niên cũng được tác giả khắc họa vô cùng hồn nhiên, trong sáng: “Bên cửa sổ làng giềng/ Sáng trong đôi mắt biếc/ Em nghĩ gì chẳng biết/ Mắt xa xăm cuối trời…/ Biết không láng giềng ơi/ Tôi ngóng hoài mắt biếc/ Và từ đấy tôi biết/ Mình rất thèm ngắm trăng”.

Tác giả Nông Quang Khiêm sinh ra và lớn lên ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, nơi có bề dầy lịch sử về văn hóa Tày. Từ lúc còn trong nôi, những câu “sli” cùng thiên nhiên tươi đẹp nuôi dưỡng tâm hồn anh, để lại trong anh bao kỷ niệm không bao giờ quên, để rồi tất cả đi vào trong thơ nhẹ nhàng, sâu lắng như suối nguồn tươi mát dưới ánh mặt trời. Cách diễn đạt thẳng thắn với những thủ pháp nghệ thuật ví von, so sánh, nhân hóa… được sử dụng nhuần nhuyễn tạo những hiệu quả thẩm mỹ không nhỏ.

Tuy đôi chỗ, đôi bài còn thô ráp, bài học giáo dục còn “lộ” nhưng “Cánh diều tuổi thơ” của Nông Quang Khiêm đã có những thành công đáng ghi nhận. Và không phải ngẫu nhiên mà Nhà xuất bản Kim Đồng lần đầu đã xuất bản tới 24.212 bản. Tác giả Nông Quang Khiêm sinh năm 1984, là biên tập viên của Tạp chí Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của anh mới ở chặng đường đầu tiên. Chúng ta hy vọng và đón đọc những tập thơ viết cho thiếu nhi hay hơn nữa của anh.

Trần Vân Hạc

Các tin khác
Tác phẩm

Liên chi hội sinh viên Việt Nam các tỉnh Tây Bắc của Pháp, thuộc Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) tổ chức cuộc thi nhiếp ảnh “Một thoáng Việt Nam trên đất Pháp,” dưới sự hỗ trợ của Ban thường trực trung ương Hội.

"Đồ Rê Mí” - sân chơi âm nhạc cho các em nhỏ đã chính thức quay trở lại vào mùa hè năm 2013 với tên gọi mới - Đồ Rê Mí Đôi.

NSND Lệ Thủy và ca sĩ Dương Đình Trí

NSND Lệ Thủy cùng 16 nghệ sĩ khác sẽ cùng góp mặt trong tiết mục Thế giới màn nhung mở màn chương trình Bước chân hai thế hệ 10 tại Nhà hát Bến Thành (TPHCM) đêm 10-5.

Dàn diễn viên trẻ của “Giọt nước rơi”.

Giọt nước rơi, phim hình sự tiếp theo của đạo diễn trẻ Bùi Quốc Việt - trước đó làm Đầm lầy bạc, nằm trong sêri Cảnh sát hình sự.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục