Nhớ về một lễ hội xưa
- Cập nhật: Thứ tư, 17/7/2013 | 2:54:18 PM
YBĐT - Trước đây, nhiều làng, xóm ở xã Yên Thắng (Lục Yên) đã có đình làng và tổ chức lễ hội “Cầu đình” đã thành một tục lệ cúng làng, cúng xóm lành mạnh. Lễ hội Cầu đình thường chỉ tổ chức 1 ngày vào dịp tết Nguyên đán từ mùng 3 đến ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Nhưng từ năm 1960 trở lại đây, vì nhiều lý do, các đình làng hư hỏng dần rồi đổ nát hoàn toàn, đi liền với đó, tục cúng làng cũng mai một và mất hẳn.
Đình làng phạ rách nát vẫn có người trông giữ, thắp hương.
|
Hỏi người già một số thôn như Làng Phạ, Làng Thọc, Làng Già thì các ông, các bà đều nêu nhiều khó khăn, chủ yếu là khó khăn về kinh tế nên “ngại” lập lại đình làng như xưa nhưng vẫn rất nuối tiếc…
Ký ức sâu đậm trong tôi từ thời niên thiếu là xem hát Phưn Nùng, Bụt Nùng làm vía và được tham dự các ngày Cầu đình mang đậm nét văn hóa lành mạnh ở nhiều làng, xã. Những hình ảnh đẹp, hấp dẫn về lễ hội Cầu đình xưa vẫn còn hiện hữu trong tôi. Từ sáng sớm, nhà nào nhà nấy đều sắm một mâm cơm để đem ra đình cúng làng.
Mâm cơm có thịt gà, thịt lợn, cá nhà hoàn cảnh không có thịt gà, không có cá cũng được nhưng một đĩa thịt lợn phải có, rồi có một bát rau ăn thường ngày, các loại bánh kẹo ngày tết, các loại quả, cùng một chai rượu, một âu cơm hoặc một nắm xôi… Mâm cơm của các hộ đem ra đình xếp đầy khít cả một gian nhà. Rồi có người thắp hương, có người cầu khấn (thường là ông thày, ông tạo) cầu khấn cho cả làng, cả xóm, mùa màng tốt tươi, chăn nuôi phát triển, của cải dồi dào, nhà nhà an lành, khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc, không gặp hoạn nạn, không ốm đau bệnh tật…
Thời gian cúng khoảng 2 giờ liền. Cúng xong, các mâm cơm được bưng ra đặt khắp cả 3-4 gian nhà đình. Người chủ trì tuyên bố lý do ngắn gọn, rồi mời mọi người, mọi nhà cùng ăn bữa cơm đoàn kết. Bữa cơm đoàn kết có đông đủ các ông bà già trong làng, từ trung niên đến trẻ nhỏ, nhà đông người đi nhiều, nhà ít người cũng có một đại diện.
Sau bữa cơm là các trò chơi dân gian. Rất đông các thanh thiếu niên, người trung niên, nam nữ ra sân đình đánh yến, ném còn, đánh quay, đẩy gậy, hát giao duyên; tiếng chiêng, trống, nạo múa thiên thăng, múa dậm thuông rộn rã, náo động cả một vùng đông vui.
Giữa các làng tổ chức lễ hội đều tham khảo lẫn nhau để làm chệch ngày, không trùng ngày giúp bà con có thể đến tham dự với nhau, chủ yếu tham dự các trò chơi dân gian.
Sau ngày hội, người người, nhà nhà đều tự giác bắt tay vào một mùa làm ăn mới tràn đầy lạc quan tin tưởng, phấn khởi, yêu đời…
Lễ hội Cầu đình pha chút tâm linh nhưng hoàn toàn lành mạnh, văn minh. Thiết nghĩ, nay nên khôi phục lễ hội Cầu đình làm cho ngày xuân có thêm một hoạt động văn hóa lành mạnh, để đời sống tinh thần của nhân dân ta thêm phong phú. Nhà văn hóa có thể kết hợp làm nơi tổ chức lễ hội Cầu đình hàng năm theo tục lệ cúng làng đã có từ xa xưa là một gợi ý xin được chia ra để các cấp, ngành và bà con cùng tham khảo.
Hoàng Thế Khánh (Thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, Lục Yên)
Các tin khác
Nhà thờ Kizhi Pogost của Nga là công trình được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cao nhất thế giới. Tòa nhà đã đứng vững trước sự thử thách của thời gian suốt 150 năm nay mà vẫn giữ được vẻ uy nghi, tráng lệ như ngày đầu mới được dựng lên.
Festival di sản UNESCO Việt Nam-ASEAN lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại Lâm Đồng trong 5 ngày, từ ngày 27-31/12/2013.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 11-16/10. LHP lần này dự kiến có gần 1.000 đại biểu tham dự, sẽ được truyền hình trực tiếp từ Khu du lịch Tuần Châu.