Hoàn thiện quy hoạch khu Hoàng thành Thăng Long
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/7/2013 | 8:17:41 AM
Ngày 25/7, UBND thành phố Hà Nội đã lấy ý kiến để hoàn thiện lần cuối Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500) và Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000)
Du khách thập phương tham quan cổng Đoan môn tại Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.
|
Theo quy hoạch, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ được tu bổ, tôn tạo thành một công viên lịch sử văn hóa, nằm trong tổng thể khu Trung tâm chính trị Ba Đình, có sự kết nối với Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và Nhà Quốc hội.
Khu Trung tâm hiện có 119 công trình. Quy hoạch đề xuất bảo tồn nguyên trạng 7 công trình, giữ lại 19 công trình để cải tạo chỉnh trang chuyển đổi chức năng sử dụng. Quy hoạch cũng mở rộng vùng đệm bảo tồn lên trên 176ha theo khuyến cáo của UNESCO.
Các khu vực dự kiến được cải tạo như đường Điện Biên Phủ để tạo thành một khối thống nhất cho Cột cờ và Công viên Lênin. Không gian quảng trường từ Cột cờ đến Đoan Môn. Khu vực Đoan Môn vào đến Điện Kính Thiên sẽ di dời trụ sở làm việc của Cục Tác chiến, tạo thành một khối không gian thống nhất.
Khu Hậu Lâu sẽ quy hoạch thành không gian trưng bày và lưu trữ các cổ vật. Nền Điện Kính Thiên được mở rộng theo hướng hạ giải một số công trình xung quanh. Tại Cửa Bắc sẽ nghiên cứu phục dựng hai lối lên bằng bậc thang như Đoan Môn…
Khu vực Thành Cổ Loa, xác định thành 4 khu vực bảo tồn tương ứng với 4 vòng thành. Khu lõi là khu trung tâm của tòa Thành sẽ được bảo tồn nguyên trạng. Khu dân cư đang sinh sống, sẽ tổ chức các dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch kết hợp với bảo tồn các giá trị nhân văn.
Khu ngoại sẽ bố trí bảo tàng, các địa điểm tham quan, du lịch. Toàn bộ Khu di tích có tổng diện tích 860ha, dự kiến giai đoạn 1 sẽ có 720 hộ phải di dời.
Ý kiến phần lớn các đại biểu cho rằng, bản quy hoạch đã cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ cần thiết để bảo tồn và tôn tạo các khu di tích nhưng cần lưu ý những công trình bảo tồn, tôn tạo, hạ giải cần thống nhất với phê duyệt của UNESCO.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thế Thảo lưu ý khi quy hoạch cần phải xác định nguyên tắc mở, để vừa phát huy giá trị trước mắt, vừa có tầm nhìn lâu dài.
Quy hoạch cần cân nhắc, tính toán kỹ đối với việc bảo tồn, tôn tạo và hạ giải các công trình. Những công trình có giá trị sẽ tiến hành khẩn trương công tác tu bổ, phục dựng.
Bên cạnh việc trùng tu, việc gìn giữ và phát huy giá trị di tích phải gắn với phát triển du lịch. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được tổng hợp, chắt lọc để căn chỉnh phù hợp.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
43 năm, cuốn nhật ký đã trở thành một phần cuộc đời của thầy giáo Lý Quang Nhân. Năm 1970, một anh bộ đội ở nhờ gia đình ông tại Quảng Bình, trước khi lên đường đi B đã trao cho cậu bé Nhân cuốn sổ của một đồng đội đã hy sinh…
Triển lãm cũng là dịp Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc giới thiệu 2 phòng tranh mới được mở cửa để tổ chức các chương trình văn hóa.
Có những sự kiện ảnh hưởng lớn đến lịch sử thế giới đã diễn ra vào ngày lễ đầu năm mới, lễ Tình nhân hay Giáng sinh... khiến bước ngoặt lịch sử để lại càng trở nên đáng nhớ.
TripAdvisor.com, trang web đánh giá chất lượng điểm đến du lịch uy tín trên thế giới, vừa trao chứng chỉ xuất sắc lần thứ hai cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.