Biển lòng sóng dậy ngày đêm
- Cập nhật: Thứ hai, 29/7/2013 | 9:43:24 AM
YBĐT - Tác giả Hoàng Bảo vừa cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Biển và bờ”- Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Ba mươi ba bài thơ là những con sóng lòng của một tâm hồn thi sĩ nặng tình yêu biển cả hòa trong tình yêu con người và niềm tự hào về quê hương đất nước.
Đọc tập thơ ta thấy hàng loạt bài thơ với tiêu đề Biển: “Quà tặng của biển”, “Nửa ngày với biển”, “Về với biển”, “Với biển”, “Tâm sự với biển”, “Biển và nỗi nhớ”, “Biển xanh hỡi”, “Sóng”… Bất kể lúc nào, kể cả khi sống bên biển hay chia xa thì “Trong lòng anh có biển/Sóng dội suốt ngày đêm”. Biển trong thơ Hoàng Bảo là một cuộc hành trình khám phá với bao điều mới mẻ.
Biển - bức tranh kỳ vĩ, quà của thiên nhiên ban tặng con người “Kia mặt trời/Biển nâng đỡ dần lên/sắc đỏ non tơ/ tròn đầy/run rẩy/vũ trụ/tinh khôi/thành tâm ban đấy”. Biển - thế giới còn nhiều điều bí ẩn mà con người cần tìm hiểu, khám phá “Biển bề ngoài giông gió thế thôi/Giấu tầng sâu bao điều kỳ ảo” (Với biển). Song quan trọng hơn cả biển chính là nỗi niềm, suy tư về cuộc đời mà tác giả từng gửi gắm:
Dẫu biết rằng lắm nỗi nông sâu
Thì biển hỡi cũng đừng gầm gào thế
Dẫu lênh đênh chân trời góc bể
Đừng cậy chi tung con sóng bạc đầu
(Tâm sự với biển)
Có thể nói Biển và Bờ còn là chuyện của hai nhân vật trữ tình Anh và Em - đề tài quen thuộc trong văn học mà bây giờ ta gặp lại ở tập thơ này. Cố thi sĩ Xuân Diệu từng viết “Anh không xứng là biển xanh/Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng” để “hôn mãi mãi bờ em”. Còn Hoàng Bảo “Ước mãi mãi bên nhau/ sóng cuộn vào trong gió/ biển bồi hồi nhịp thở/ dào dạt vỗ xô bờ”. Phải chăng vậy mà đứng trước biển thi sĩ luôn có cảm giác “Sóng chạy hoài vỗ mãi về đâu/đến bạc đầu vẫn cô đơn thế ”, để rồi tự tìm thấy câu trả lời “Sóng biển là tại gió/ sóng lòng anh tại em”.
Yêu biển, bước chân tác giả đến với bao vùng quê nổi tiếng: Hạ Long, Trà Cổ, Hải Phòng, Nha Trang, Cà Mau, Hà Tiên, Phú Quốc và gửi gắm lòng mình đến tận Trường Sa. Có đi mới thấy đất nước rộng dài và tình yêu Tổ quốc càng được nhân lên cháy bỏng “Ở đây/thấy mình bỗng cao hơn/bóng đổ dài theo triền cát/ kia là nơi điểm đầu chữ S/ tuổi học trò thi nhau vẽ bản đồ không cần giấy kẻ ô”. Thế nên vấn đề thời sự nhạy cảm về chủ quyền biển đảo cũng được tác giả kịp thời nắm bắt để khái quát thật giản dị “đảo gần đảo xa/xa bao nhiêu hải lý/vẫn trong vùng dự báo nắng mưa”.
Về với biển còn là “Theo ngư thuyền đi biển” cùng “Câu đêm” để hiểu cuộc sống còn nhiều vất vả, khó khăn của ngư phủ. Với tấm lòng cảm thông, chia sẻ tác giả đã khái quát hóa cuộc sống muôn vàn gian nan, hiểm nguy ấy bằng cách nói thật giản dị mà độc đáo “Bát cơm ăn/trộn với bão giông/ trộn sóng bể mồ hôi nước mắt/trộn khói hương/thờ người đã khuất”. Cho nên với những người mưu sinh trên biển, nỗi khát khao, niềm hạnh phúc nhất là khi an toàn về bến trong sự mong đợi của gia đình và cộng đồng “Bờ xanh/bờ xanh kia/đám trẻ đầy bến đợi/sóng xô không ngăn nổi/người ào đến với người”. Và cũng ở đây, khi hòa vào cuộc sống của dân biển thì “nỗi cô đơn bỗng nhiên trút vội” để “Tôi ngắm nhìn những dáng người lồng lộng in giữa trời cao/thấy trong mình trỗi dậy những ước ao”.
Xuất bản được tập thơ cảm xúc chuyên về biển quả là một sự cố gắng hết mình của Hoàng Bảo. Ngần ấy năm tham gia sáng tạo nghệ thuật đã có nhiều tìm tòi trong đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung thơ. Nhìn chung thơ anh giản dị mà sâu lắng, giàu suy tư, đôi khi lý trí lấn át cảm xúc. Nhưng không vì vậy mà bớt đi phần đằm thắm “Biển xanh/ai nhuộm mà xanh/ai xô con sóng/hóa thành bạc phơ/ai xui/tôi đứng trên bờ/ngó ngơ biển rộng/giả chờ mây trôi” (Mây sóng gió biển chiều). Cũng cuộc sống giàu trải nghiệm đã giúp anh có được cách nói, sáng tạo hình ảnh mộc mạc mà hiện đại “Có phải đâu hỗn độn những dáng người/họ tuân theo vai diễn” (Phác thảo ban mai); hay “Tấm phim đời âm bản/trải ra giữa biển khơi” (Câu đêm). Tuy vậy đôi lúc câu thơ dễ dãi làm mất đi tính hàm xúc “Đảo chìm đảo nổi/ bao nhiêu/của trời của đất/cũng liều nhận chơi”.
Hơn hai mươi năm làm thơ, lần lượt 8 tập thơ ra đời: “Miền đất tôi yêu”, “Bông gạo trắng còn bay”, “Hoa vẫn cháy”, “Qua cổng trời”, “Bóng thời gian”, “Cung đàn đầy vơi”, “Và mưa nguồn chớp bể”, “Biển và bờ”. Ở Hoàng Bảo, tình yêu đời và yêu thơ là chất men say để nhà thơ sáng tạo không ngừng nghỉ “Dẫu sức mình ngày mai cạn kiệt/thì hôm nay vẫn yêu đến hết mình”. Mong anh tiếp tục có được nhiều thi phẩm tốt, góp phần làm đa dạng hóa vườn thơ Yên Bái.
Thế Quynh
Các tin khác
Chương trình Dấu ấn sẽ diễn ra vào thứ 7 đầu tiên của tháng và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV9, VTV Huế, VTV Phú Yên, VTV Lâm Đồng và một số đài địa phương khác.
Hà Nội trong dáng vẻ cổ xưa với những làng nghề truyền thống trên 36 phố "Hàng" đang được tái hiện lại...
Tờ Huffington Post của Mỹ vừa đăng tải bài viết khen ngợi Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho những nhiếp ảnh gia du lịch. Đi khắp mọi vùng miền, từ Bắc chí Nam, đâu đâu trên đất nước Việt Nam cũng cho các tay máy những khuôn hình đẹp.