(Đọc tập thơ “Rượu miền Tây” của Nguyễn Hữu Kách, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2013).

Phong vị núi rừng trong “Rượu miền Tây”

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/7/2013 | 2:44:47 PM

YBĐT - Phải có những gắn bó sâu sắc với vùng đất, phải có tình yêu với xứ sở mới có được những cảm xúc chân thành. Phải có cách nhìn nhân hậu mới có thể khám phá trong những cái bình thường những gì là chất thơ...

Trong nghệ thuật làm thơ có người luôn nệ vào vần điệu khuôn thước gò bó, có người thiên về tự do phóng túng. Kiểu thứ nhất dễ sa vào công thức niêm luật trói buộc trở nên sáo mòn, gò ép, nếu không làm chủ được ngòi bút, khó tránh khỏi sự dễ dãi nhàm cũ, lặp lại câu chữ vô hồn, không dấu ấn sáng tạo, khó hay. Kiểu thứ hai nhiều điều kiện cho ngòi bút tung hoành, phô diễn được những ý tưởng mới mẻ nhưng non tay sẽ làm cho thơ rời rạc, non lép.

Trong một người làm thơ cũng vậy, nệ vào vần điệu nhiều lúc bí, dễ xơ cứng; thiên về tự do khi không làm chủ được ngôn ngữ, dễ nhạt. Đọc tập thơ “Rượu Miền Tây” của tác giả Nguyễn Hữu Kách, có thể thấy rõ những bài thơ tự do chiếm ưu thế hơn. Nó tạo nên phong vị núi rừng trong cốt cách của người làm thơ. Điều ấy rất quý, bởi có khi phải đổi cả cuộc đời mới có được.

Tác giả đã tạo được dấu ấn trong những câu thơ có hình tượng kép, cô đọng, chắc khỏe và biểu cảm:

Rượu ngô với bùa mê
Tiếng cười gió ngàn
Với tay vít cong ngọn thác
Đèo mây thấp hơn đèo tình…

   (Thị trấn vùng cao)

Chọn hình ảnh là công việc đáng kể của người làm thơ. “Tiếng cười gió ngàn” là câu thơ có sức liên tưởng. Cũng như người thợ ảnh, đưa cảnh nào vào khuôn hình gây được ấn tượng cho người xem mới là sự công phu tìm kiếm. Đây là sự quan sát chắt lọc: “Con thác tung bờm/ Bóng núi đổ nghiêng/ Đôi vai tròn sáng lên ánh bạc…” (ở thượng nguồn). Vào thơ, hình ảnh tự nhiên qua con mắt người làm thơ đã trở nên lung linh khoáng đạt.

Không chỉ là cảnh núi rừng chung chung, áp vào nơi nào cũng thấy giống hệt như nhau, mà ở đây, núi rừng cụ thể hơn, nó được chỉ ra qua sản vật, qua địa danh, không lẫn vào bất cứ nơi nào.

Đến với Mù Cang Chải người ta khó có thể quên: “Khau Phạ dựng trước mặt/ Lưng ướt sương Ngòi Thia/ Tiếng khèn reo trong gió...” (Thung lũng xuân). Hay hình ảnh quen thuộc hằn vào trí nhớ vùng cao, trở nên thi hứng: “Nặng vai gùi hương xuống núi/ Vịn theo Nậm Kim mây bay...” (Xuống huyện). Chọn lựa cảnh vật và chọn lọc cách nói, làm cho cảnh vật như có hồn, đòi hỏi người viết phải huy động vốn chữ  có sức rung động, tải được cảm xúc: “Mây trắng tràn về/ Nắng non bỡ ngỡ/ Rụt rè, lấp ló ngọn sơn tra...”  (Mênh mang vùng cao).

Phong vị núi rừng còn ở chất trữ tình đã từ lâu đời gắn với tình yêu trai gái. Rất khác với miền xuôi, tình yêu ở đây  phóng khoáng và hoang sơ thành thật, có mây ngàn làm chứng, có gió ngàn làm tin: “Đi với em trong mây/ Về với em trong mây/ Uống nước chè Shan cùng em trong mây/ Tay sờ vú đá...” (Suối Giàng ơi). Đấy là nét đẹp của thiên nhiên, tác giả đã không phải đắn đo khi đưa vào thơ như một thứ đặc sản! ở một góc khác, tác giả không quên khắc họa cái chất “Tây Bắc” trong sắc màu của non nước biến đổi theo mùa: “Núi thay màu áo/ Hoa ban, hoa tớ dảy long lanh trong mắt/ Những chiếc vòng bạc sáng lên trên ngực...” (Tháng rét dài).

Trải lòng mình trước thiên nhiên, những câu thơ phóng túng, gập ghềnh như núi rừng, cắt nghĩa về sự đắm say thi vị: “Rượu em/ Cất từ gạo Tú Lệ/ Đun bằng ánh mắt sắc dao cau/ Nước mó...” (Rượu miền Tây). Chỉ bằng những chấm phá mà chân dung “miền Tây” hiện lên như bức tranh sơn thủy, nét đậm nhạt liều lượng, góc cạnh hình khối hài hòa, tả chân mà không dễ dãi; tránh được những chữ ước lệ dễ mắc phải trong thơ.

Phải có những gắn bó sâu sắc với vùng đất, phải có tình yêu với xứ sở mới có được những cảm xúc chân thành. Phải có cách nhìn nhân hậu mới có thể khám phá trong những cái bình thường những gì là chất thơ. Phải giàu tư duy và ngôn ngữ mới có thể biến những gì tưởng như vô hồn thành hồn vía. Phải có đời sống trải nghiệm mới tạo được những câu thơ găm vào trí nhớ người đọc. Không chỉ là các câu thơ tả cảnh tả tình thông thường, tác giả Nguyễn Hữu Kách đã có những câu thơ nghiêng về tâm thế:

Vời vợi non cao nghiêng trời biếc
Bất giác ngả đầu gối mây êm
       (Nói với dòng sông)

Tập thơ còn nhiều thể tài khác nhưng chất núi rừng đáng kể hơn cả. Tuy còn có những bài trung bình nhưng tập thơ cũng đã đánh dấu sự cố gắng lao động nghệ thuật của tác giả. Chỉ mong tác giả tiếp tục có những bài thơ say đắm, gửi gắm được những điều tâm sự để người đọc còn có dịp thưởng thức “Rượu miền Tây” mới và hấp dẫn.

Ngọc Bái

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Cuộc thi Tài năng trẻ Biên đạo múa toàn quốc 2013 trong tháng 8/2013.

YBĐT - Dù được coi là dân dã, chơi chim cảnh hay bất cứ thú chơi nào khác cũng đòi hỏi niềm đam mê. Chính niềm đam mê đó giúp chủ nhân của những con vật đáng yêu này không cảm thấy "phí thời gian" hay "mất công mất việc" với những điều mình đang làm, bởi đó không chỉ còn là sở thích mà đã trở thành nghệ thuật, là triết lý sống, nét sinh hoạt văn hóa thú vị, hướng con người tới những điều chân – thiện – mỹ; hay đơn giản chỉ là món quà tinh thần giúp con người biết nâng niu giá trị cuộc sống, sống gần gũi, gắn bó hơn với thiên nhiên.

Angelina Jolie đã dẫn đầu danh sách nữ diễn viên kiếm nhiều tiền nhất Hollywood. Danh sách vừa được Forbes chính thức công bố.

Thí sinh 67 tuổi với điệu múa belly dance

Vòng sơ loại chương trình “Got to dance” vừa diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-7 thu hút nhiều thí sinh tham gia, đặc biệt có thí sinh 67 tuổi vẫn tham gia thi nhảy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục