Công điện Về việc đối phó với cơn bão Sammasun
- Cập nhật: Thứ năm, 17/7/2014 | 7:53:01 AM
YBĐT - Trước diễn biến phức tạp của bão Sammasun, ngày 16/7, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường đã có Công điện số 11/CĐ – UBND gửi các ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB – TKCN) tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố. Nội dung Công điện như sau:
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 15/7, vị trí tâm bão Rammasun ở vào khoảng 12,9 độ vĩ bắc; 124,7 độ kinh đông, trên bờ biển phía Đông miền trung Philippin. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến chiều ngày 16/7, bão Rammasun sẽ đi vào biển Đông.
Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, có khả năng đổ bộ vào đất liền gây mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ trong đó có tỉnh Yên Bái và còn diễn biến phức tạp. Để chủ động đối phó với diễn biến của bão và hoàn lưu sau bão có thể gây mưa lớn, ngập úng, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, đá, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các ngành thành viên Ban Chỉ huy PCLB – TKCN; UBND các huyện, thị xã, thành phố:
1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão; mưa, lũ và thông báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh. Thực hiện kế hoạch phòng, chống lụt, bão đã xây dựng và chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” đề phòng mưa lũ gây chia cắt.
2. Rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối; sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản. Chủ động triển khai ngay việc di dời những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm theo phương án đã duyệt; đặc biệt các khu vực ven sông, suối có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét ở các khu vực (Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Lục Yên…) những nơi có nguy cơ sạt lở đất, đá, ta luy (thành phố Yên Bái, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên; các khu vực mỏ, các công trình đang thi công).
3. Kiểm tra hệ thống an toàn hồ đập, đê điều; thực hiện nghiêm các quy trình vận hành; đặc biệt những công trình xảy ra sự cố phải khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
4. Bố trí lực lượng cảnh giới tại các bến đò, đường tràn, những đoạn đường giao thông dễ bị ngập để hướng dẫn giao thông, cấm người và phương tiện qua lại những khu vực trên khi có dòng chảy xiết. Nghiêm cấm hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn hoặc không có đủ các thiết bị cứu sinh. Cấm không cho người vớt củi, lội qua, đánh bắt cá… trên các khu vực sông, suối khi đang có lũ; đặc biệt trong các ngày mưa, bão thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân không được ngủ, nghỉ trên đồi, trên nương để đề phòng sạt lở, đất, đá gây thiệt hại về người.
5. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên đài phát thanh về các nguy cơ do mưa, bão gây ra. Tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến cơn bão Rammasun để người dân nắm được tình hình và chủ động các biện pháp phòng tránh.
6. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng, kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.
7. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (số điện thoại liên lạc 029.3852.708; số fax 029.3855.493; Email ccthuyloiyb@gmail.com) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Yêu cầu các ngành thành viên Ban Chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức thực hiện.
Các tin khác
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội đến 2020, định hướng đến 2030.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 89/2014/TT-BTC hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Theo đó, một số khoản vay được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu.
Văn phòng Chính phủ đã có Thông tin báo chí Chính phủ ban hành Nghị định về Tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư số 22/2014/TT-BGDĐT ban hành quy chế Đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/8/2014, thay thế Quyết định số 40/2007/QĐ-BGDĐT ngày 1/8/2007 ban hành Quy chế đào tạo TCCN hệ chính quy và Thông tư số 46/2011/TT-BGDĐT ngày 17/10/2011 ban hành Quy chế đào tạo TCCN theo hình thức vừa làm vừa học.