Sửa đổi, bổ sung một số quy định về phòng, chống rửa tiền
- Cập nhật: Thứ năm, 13/11/2014 | 8:18:14 AM
Ngày 11/11 Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền.
Ảnh minh họa.
|
Theo đó, Thông tư mới ban hành sửa đổi một số quy định liên quan đến các biện pháp đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao, danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử. Đồng thời bổ sung các quy định liên quan đến phân công, kiểm toán và đào tạo, bồi dưỡng về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tài trợ khủng bố.
Cụ thể, thông tin thu thập bổ sung với khách hàng cá nhân về mức thu nhập trung bình giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng gần nhất. Việc cập nhật thông tin định kỳ được tăng từ 6 tháng lên 1 năm một lần hoặc khi đối tượng báo cáo biết thông tin về khách hàng đã có sự thay đổi.
Tổ chức tài chính được phép thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước, quốc tế phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có mức giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương và giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam có mức giá trị từ 1.000 USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương. Thông tư cũ không quy định cụ thể mức giá trị giao dịch này.
Bên cạnh đó, thông tư mới sửa đổi cũng quy định các giao dịch chuyển tiền điện tử không phải báo cáo là giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ; Giao dịch chuyển tiền và thanh toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính.
Tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định mới phải phân công một thành viên ban lãnh đạo hoặc người được ban lãnh đạo ủy quyền có trách nhiệm về tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền, thành lập bộ phận chuyên trách hoặc chỉ định 1 bộ phận tại trụ sở chính chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền.
Thông tư mới cũng yêu cầu hàng năm, tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải tiến hành kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền. Chậm nhất 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, báo cáo kiểm toán nội bộ phải được gửi cho Cục Phòng, chống rửa tiền.
Thông tư sửa đổi có hiệu lực từ ngày 26/12/2014 và có đối tượng áp dụng là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật phòng, chống rửa tiền và đối tượng báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền.
(Theo dangcongsan.vn)
Các tin khác
Ngày 12-11, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã có công văn số 5971/TCĐBVN-QLPT&NL gửi các Sở GTVT các địa phương nhằm giải thích rõ hơn về quy định cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX).
YBDDT - Để hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng, ngày 6/11/2014, UBND tỉnh Yên Bái đã có Chỉ thị 16/CT-UBND về việc triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hanh 2014 - 2015. nội dung như sau:
Nghị định quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm sữa, thực phẩm bổ sung, bình bú và vú ngậm nhân tạo vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định ban hành.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo Nghị định, tùy mức độ vi phạm, đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai sẽ bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng.