Tăng cường khắc phục ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông, lâm, thủy sản
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/6/2015 | 4:47:10 PM
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản. Sau đây là toàn văn Chỉ thị:
Ảnh minh họa. (Nguồn: Chinhphu.vn)
|
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp nước ta đang chuyển dịch từng bước từ quy mô nông hộ nhỏ sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất nông nghiệp, ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực này đang gia tăng, đặc biệt là trong các hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nuôi trồng, chế biến thủy sản, sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, dẫn tới khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự tại một số địa phương, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện cả nước có khoảng 8,5 triệu hộ có chuồng trại quy mô hộ gia đình và khoảng 18 nghìn trang trại chăn nuôi tập trung. Tuy phần lớn các trang trại chăn nuôi tập trung đã có hệ thống xử lý chất thải với các công nghệ khác nhau, nhưng hiệu quả xử lý chất thải chưa triệt để, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; một số ít trang trại vẫn xả chất thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chăn nuôi hộ gia đình mới có khoảng 70% số hộ có chuồng trại, trong đó số chuồng trại hợp vệ sinh chỉ chiếm khoảng 10%, nhiều hộ chăn nuôi vẫn xả chất thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài ở khu vực nông thôn.
Tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là ở khu vực nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, chất lượng môi trường đất, môi trường nước và các hệ sinh thái bị biến đổi mạnh do môi trường bị suy thoái và ô nhiễm; chất lượng nước tại các khu vực này có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ (BOD, COD, Nitơ, Phốt pho cao hơn tiêu chuẩn cho phép), xuất hiện các khí độc hại như H2S, NH3+ và chỉ số vi sinh vật, độ đục... với nồng độ cao hơn mức cho phép, phát sinh dịch bệnh thủy sản, gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Về hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, hiện cả nước có hơn 35.400 cơ sở giết mổ (với 815 cơ sở giết mổ tập trung và hơn 34.600 điểm giết mổ nhỏ lẻ). Hoạt động này đang diễn ra ở mức báo động về ô nhiễm môi trường, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Tại các cơ sở giết mổ tập trung, tuy đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhưng nhiều cơ sở vẫn chưa đạt yêu cầu, nhất là về tiếng ồn, ô nhiễm mùi và nguồn nước thải. Các điểm giết mổ nhỏ lẻ chủ yếu nằm trong các khu dân cư và phát triển một cách tự phát, cơ quan chức năng chỉ kiểm soát được một phần nhỏ, cơ sở vật chất hầu như không có nơi dành riêng cho từng công đoạn, không tách biệt giữa khu sạch và khu bẩn; các loại chất thải như phân, nước, phụ phẩm xả tràn lan khi giết mổ hoặc thải trực tiếp xuống sông, cống rãnh thoát nước, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Về chế biến thủy sản, hiện vẫn còn 16% cơ sở chế biến tập trung chưa có hệ thống xử lý nước thải. Một số cơ sở chưa có đủ 05 công đoạn quan trọng trong xử lý nước thải là bể tuyển nổi (tách dầu, mỡ), bể điều hòa, bể sinh học kỵ khí, bể sinh học bùn hoạt tính và bể khử trùng nên hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường còn thấp. Tại các cơ sở chế biến nhỏ lẻ nông lâm thủy sản, đặc biệt tập trung ở các làng nghề, việc kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm còn rất hạn chế.
Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; việc hướng dẫn, kiểm tra, thu gom và xử lý các bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn sơ sài cũng đang làm gia tăng mức độ ô nhiễm các nguồn nước mặt, nước ngầm và tồn đọng rác thải nguy hại trên đồng ruộng, tác động lâu dài đến sức khỏe nhân dân.
Những tồn tại, hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, song cơ bản là do sự phát triển tự phát, thiếu quy hoạch trong hoạt động sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản. Ý thức tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình còn thấp; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Hệ thống văn bản, cơ chế, chính sách về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, nhất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở giết mổ, chế biến thủy sản chưa phù hợp, chậm sửa đổi, gây vướng mắc cho các doanh nghiệp, không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư cho xử lý chất thải; việc ứng dụng khoa học và công nghệ xử lý chất thải còn hạn chế, hiệu quả thấp. Công tác phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn yếu; tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được xử lý kịp thời và đúng mức. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp, hộ gia đình và toàn xã hội.
Để tăng cường kiểm soát, sớm khắc phục có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tập trung thống kê, rà soát, phân loại về quy mô, mức độ ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, nuôi trồng, chế biến thủy sản và sản xuất, chế biến khác trong các lĩnh vực nông lâm thủy sản.
b) Rà soát, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, danh mục sản phẩm xử lý môi trường đối với hoạt động chăn nuôi, giết mổ tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
c) Thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới văn bản quy phạm pháp luật, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến môi trường trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản theo chức năng nhiệm vụ được giao.
d) Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho khu chăn nuôi, khu nuôi trồng thủy sản, khu giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; thực hành quy trình quản lý tốt đối với hệ thống chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp đi kèm với hệ thống xử lý chất thải đồng bộ; quản lý sản xuất an toàn và khuyến khích người dân áp dụng quy phạm, quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) hoặc các tiêu chuẩn tương đương.
đ) Xây dựng mô hình về cơ sở sản xuất gắn với kiểm soát ô nhiễm môi trường hiệu quảtrong từng lĩnh vực, có lộ trình để nhân rộng đưa vào sản xuất.
e) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ về khoa học, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ thu gom và xử lý chất thải đối với cơ sở chăn nuôi và giết mổ tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản hiệu quả và phù hợp với điều kiện của từng vùng miền.
g) Tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và giết mổ tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung và sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. Xử lý nghiêm minh các cơ sở vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải phù hợp tính chất đặc thù của các cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung, nuôi trồng, chế biến thủy sản tập trung và sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.
b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản theo thẩm quyền. Chỉ đạo cơ quan môi trường các cấp thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định. Xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc các cơ sở chây ỳ, không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả; công khai thông tin các hành vi vi phạm để tạo áp lực dư luận.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn và xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia làm cơ sở đểngành nông nghiệp quản lý, giám sát, cảnh báo môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Xác định và công bố mức độ ô nhiễm môi trường tại các khu vực có mật độ tập trung cao các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, tổ chức lại sản xuất phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường.
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan,Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức và thống nhất hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tổ chức và cá nhân; tăng cường giám sát cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường và công tác đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Thông báo kết quả thanh tra, xửlý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm xã hội của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; thẩm định, công bố, phổ biến và khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về môi trường mới đối với chất thải phù hợp tính chất đặc thù của các cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.
4. Bộ Công an
a) Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản.
b) Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Hoàn thành việc thống kê, rà soát, phân loại các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản trong tháng 6 năm 2016. Xây dựng Kế hoạch quản lý, kiểm soát và lộ trình khắc phục ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chăn nuôi và giết mổ tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản; xác định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong các hoạt động này.
b) Ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật, chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản ở địa phương. Xác định rõ mục tiêu cần đạt tới và yêu cầu bắt buộc của tiêu chí bảo vệ môi trường trong công nhận các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.
c) Chủ động tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung, nuôi trồng, chế biến thủy sản tập trung và sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. Xử lý dứt điểm, triệt để các hành vi vi phạm, bắt buộc khắc phục hậu quả hoặc đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của phápluật.
d) Tập trung chỉ đạo, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đến từng doanh nghiệp, hộ gia đình và mọi người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường.
đ) Triển khai chương trình quan trắc môi trường, nâng cao năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường trong các lĩnh vực sản xuất chăn nuôi, giết mổ tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản trên địa bàn.
Các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sắp xếp, bố trí kinh phí trong phạm vi dự toán được giao hàng năm theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước, tập trung chỉ đạo có hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát, xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, từng bước tạo chuyển biến về khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường khu vực nông thôn và trong sản xuất nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chỉ thị, các vướng mắc phát sinh và đề xuất biện pháp xử lý.
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2015).
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về nguyên tắc, căn cứ, nội dung, trình tự, thủ tục, tiêu chí, thẩm quyền đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
YBĐT – Ngày 22/5/2015, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có Công điện số 20/CĐ-UBATGTQG chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015.