Đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về thực hiện chính sách ưu đãi người có công
- Cập nhật: Thứ hai, 27/7/2015 | 2:17:14 PM
Nhằm tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định về thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung 11 điều của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới những người có công.
|
Các chế độ ưu đãi người có công đã được thực hiện tốt
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (số 04/2012/UBTVQH13) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16 tháng 7 năm 2012. Các quy định bổ sung về chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân trong Pháp lệnh được thực hiện từ 01 tháng 01 năm 2013 và một số chế độ ưu đãi khác được thực hiện từ ngày 01 tháng 9 năm 2012.
Với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về việc quản lý chính sách ưu đãi người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng và từng bước hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh. Từ năm 2012 đến nay, Chính phủ đã ban hành 03 nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 04 quyết định, 02 chỉ thị; các Bộ đã ban hành 13 thông tư và thông tư liên tịch. Trong đó, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ là Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo Cục trưởng Cục Người có công Hoàng Công Thái, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, cơ bản các chế độ ưu đãi người có công đã được thực hiện tốt, bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng.
Cụ thể, thực hiện quy định bổ sung chế độ trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống tại gia đình từ ngày 01/9/2012, hiện đã có trên 7.200 bà mẹ được hưởng trợ cấp người phục vụ.
Quy định về việc điều chỉnh chế độ điều dưỡng luân phiên từ 5 năm sang 2 năm một lần đã được thực hiện từ ngày 01/01/2013, đến hết năm 2014, đã có trên 1.200.000 người hưởng chế độ điều dưỡng 2 năm một lần.
Quy định về việc chuyển đổi mức trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đối với người đã được công nhận và thực hiện chế độ trước ngày 01/9/2012 được triển khai thực hiện từ ngày 01/01/2013. Đến hết năm 2014, đã có trên 153.500 người chuyển hưởng các mức trợ cấp mới.
Cùng với đó đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chế độ ưu đãi ngoài trợ cấp như: chế độ hỗ trợ người có công về nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với người có công và con của họ, chế độ chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh công tác vận động xã hội tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng...
Tuy nhiên, Cục trưởng Hoàng Công Thái cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thực tế triển khai thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và nhân dân đã phát hiện một số vướng mắc và những nội dung còn hạn chế trong quy định hiện hành. Ví dụ: về điều kiện, căn cứ xác nhận còn thiếu, chưa phù hợp giữa các đối tượng; việc điều chỉnh trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chưa đảm bảo đúng quy định của Pháp lệnh đối với một nhóm đối tượng; việc thực hiện chế độ ưu đãi còn chưa đầy đủ đối với một số đối tượng...
Đề xuất sửa đổi, bổ sung 11 điều
Nhằm tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định về thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công theo hướng đảm bảo đúng quy định và quyền lợi chính đáng của người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung 11 điều của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP và một số sửa đổi về lỗi kỹ thuật.
Theo Cục trưởng Hoàng Công Thái, quy định hiện hành không quy định trách nhiệm của cấp cơ sở trong việc thẩm định hồ sơ, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị xác nhận gây khó khăn cho cấp tỉnh trong việc xét công nhận, trả lại hồ sơ chưa đủ điều kiện. Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung về thủ tục hồ sơ xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 theo hướng bổ sung cấp cơ sở (cấp ủy huyện) trong việc kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị xác nhận đối tượng.
Về quy định hiện hành chưa có quy định vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác được thực hiện đầy đủ các chế độ như đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ... Cục đề nghị đề xuất sửa đổi nhằm mở rộng điều kiện thụ hưởng cho đối tượng, đặc biệt là những đối tượng không có con chung với liệt sĩ hoặc không có điều kiện chăm sóc bố mẹ liệt sĩ khi còn sống (bố mẹ liệt sĩ từ trần trước khi liệt sĩ hy sinh, bố mẹ liệt sĩ ở xa,…). Điều kiện kèm theo là: Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà người chồng hoặc người vợ đó làm việc dưới chế độ cũ, đào ngũ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi hoặc có hành động chống phá cách mạng thì không thuộc diện xem xét hưởng chế độ ưu đãi.
Đối với quy định hiện hành quy định trợ cấp 1 lần đối với trường hợp được truy tặng, trường hợp được phong tặng được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng. Cục đề xuất sửa đổi đối với trường hợp Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng nhưng đã chết mà chưa hưởng chế độ thì thực hiện trợ cấp một lần như trường hợp được truy tặng. “Bởi trên thực tế, các Bà mẹ đều cao tuổi, khi làm hồ sơ đề nghị phong tặng vẫn còn sống, sau khi có quyết định phong tặng đã từ trần nên không có cơ hội thụ hưởng chế độ. Quy định bổ sung đảm bảo không thiệt thòi cho đối tượng và thân nhân” – Cục trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất bổ sung quy định về chế độ trợ cấp một lần đối với người có công giúp đỡ cách mạng đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi; sửa đổi, bổ sung quy định bổ sung nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong công tác xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ...
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 31 quy định về nội dung, quy trình sát hạch, cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt đô thị.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, thay thế Nghị định số 91/2010/NĐ-CP, trong đó mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, đồng thời, bổ sung một số chính sách đối với lao động dôi dư.
Liên Bộ Y tế - Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC, sửa đổi khoản 5, điều 13 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT).