Thường xuyên giám sát hoạt động của đoàn thanh tra

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/9/2015 | 7:52:19 AM

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư số 05/2015/TT-TTCP quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.

Việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra phải được tiến hành thường xuyên kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra. Đồng thời, bảo đảm bí mật thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra; không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của Đoàn thanh tra.

Thông tư quy định, người ra quyết định thanh tra, căn cứ vào phạm vi, quy mô, tính chất và nội dung của cuộc thanh tra, quyết định tự giám sát, thành lập Tổ giám sát hoặc giao cho công chức thuộc thẩm quyền thực hiện việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra và chịu trách nhiệm về kết quả giám sát. Trong trường hợp quyết định tự giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra thì việc giám sát phải được thể hiện ngay trong quyết định thanh tra.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp công chức tham gia Đoàn thanh tra có trách nhiệm giám sát công chức của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định.

Nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra bao gồm: 1- Giám sát việc chấp hành pháp luật của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra (việc thực hiện các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thời hạn tiến hành một cuộc thanh tra; việc thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra; việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với Trưởng đoàn thanh tra, các thành viên Đoàn thanh tra); 2- Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ và triển khai hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra (Tiến độ và kết quả đã đạt được so với yêu cầu theo quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra; khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động thanh tra và tác động đối với việc hoàn thành kế hoạch tiến hành thanh tra; việc thực hiện nhiệm vụ, triển khai hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn và thành viên...).

Xử lý kết quả giám sát

Thông tư nêu rõ, căn cứ thông tin, báo cáo trong quá trình giám sát và Báo cáo kết quả giám sát, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm: Xem xét, giải quyết kịp thời theo thẩm quyền đối với những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của Tổ giám sát hoặc công chức được giao nhiệm vụ giám sát có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra; Áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để đôn đốc, chấn chỉnh hoạt động của Đoàn thanh tra nhằm đảm bảo mục đích, yêu cầu và tiến độ thanh tra; c- Thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra.

Trường hợp phát hiện Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao nhiệm vụ giám sát có vi phạm pháp luật, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người ra quyết định thanh tra xem xét, xử lý theo thẩm quyền, kiến nghị người có thẩm quyền xử lý hoặc chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự khi có dấu hiệu tội phạm.

Kết quả giám sát là một trong những căn cứ để người ra quyết định thanh tra xem xét, ra kết luận thanh tra.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2015.

(Theo Chinhphu.vn)

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Ảnh minh họa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định mới quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; đăng ký hộ kinh doanh; quy định về cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp.

Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành Chỉ thị về lãnh đạo đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục